Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 6-6, đại tá Trần Thế Quân, Vụ phó Vụ Pháp chế - Bộ Công an, cho biết dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; PCCC; phòng, chống bạo lực gia đình sẽ được trình Chính phủ trong thời gian tới để có thể ban hành ngay trong tháng 7-2013. Ông Quân cho biết các nội dung trong nghị định chủ yếu là điều chỉnh mức phạt và bổ sung một số hành vi xử phạt nhằm phù hợp với quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1-7.
Nhiều hành vi dễ bị phạt
Hai ngày qua, thông tin về việc sẽ phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng đối với hành vi “thả rông” ngực, không mặc áo lót nơi đông người đã được lan truyền, bàn tán xôn xao trên cộng đồng mạng. Nhiều người cho rằng Bộ Công an lại ban hành thêm một quy định khó khả thi…
Tuy nhiên, một thành viên của ban soạn thảo cho rằng cần phải hiểu chính xác nội dung của dự thảo. Theo Điều 13 của dự thảo quy định về nếp sống văn minh thì hành vi “không mặc quần áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các điểm đang hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, nơi đang làm việc của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội” sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng. Không mặc quần áo lót bên trong nhưng lại mặc quần áo bên ngoài thì sẽ không bị xử phạt. Những suy luận, lo ngại về việc không mặc quần áo lót khi ra ngoài đường, đến chỗ đông người (dù mặc quần áo bên ngoài) sẽ bị xử phạt đều là hiểu chưa đúng vấn đề.
“Quy định này nhằm bảo đảm giữ gìn nếp sống văn minh ở nơi công cộng, đông người. Ở nơi đó, nếu có người mặc áo lót thì sẽ trở nên phản cảm với những người xung quanh, đương nhiên phải nhắc nhở, cảnh cáo rồi mới xem xét tới xử phạt” - thành viên ban soạn thảo này nói. Riêng ở những địa điểm tổ chức biểu diễn thời trang, lễ hội (có giấy phép) mà người tham dự mặc trang phục quần áo lót, trang phục không phải vì biểu diễn thời trang, gây phản cảm với dư luận thì cũng đã có thể bị cơ quan chức năng xem xét xử phạt.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia xã hội học, thời trang hiện rất đa dạng, phong phú nên định nghĩa thế nào là quần áo lót cũng không hề đơn giản.
Ngoài ra, việc có lời lẽ, cử chỉ thô thiển, tục tĩu, thiếu văn hóa ở nơi công cộng cũng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng. Khi đi ra đường, nếu không mang theo CMND, giấy tờ tùy thân hoặc không xuất trình CMND, giấy tờ tùy thân khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng...
Bán dâm: Giảm mức phạt; mua dâm: Không bị tố
Dự thảo cũng quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng đối với hành vi say rượu ở công sở, nơi làm việc, trong các khách sạn, nhà hàng, quán ăn, trên các phương tiện giao thông và những nơi công cộng. Phạt tiền từ 200.000-600.000 đồng đối với hành vi xúi giục, cưỡng ép, tạo điều kiện cho trẻ em dưới 16 tuổi uống rượu, bia; chủ khách sạn, nhà hàng, quán ăn bán các loại rượu, nước uống hoặc các chất kích thích khác có nồng độ cồn từ 14 độ trở lên cho người chưa thành niên...
Một nội dung cũng rất đáng quan tâm là việc xử phạt đối với hành vi bán dâm và mua dâm. Theo ông Trần Thế Quân, lần này, việc xử phạt bằng tiền đối với người bán dâm được giảm xuống nhiều so với quy định hiện hành để phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính, đồng thời tăng tiền phạt đối với các hành vi tổ chức, môi giới bán dâm…
Ông Trần Thế Quân cho biết đã có nhiều ý kiến xung quanh việc nếu phát hiện cán bộ, công chức mua dâm thì có gửi văn bản thông báo về cơ quan công tác, nơi cư trú của họ hay không? Theo cơ quan soạn dự thảo, việc mua dâm chỉ được coi là vi phạm hành chính và đã bị lập biên bản xử phạt bằng tiền. Nếu gửi thông báo về nơi ở, cơ quan công tác của người mua dâm thì đó là việc rất nhạy cảm, ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình của họ. Chính vì thế, từ trước đến nay, việc này gần như không được thực hiện và trong lần xây dựng nghị định này cũng không được đưa ra bàn thảo.
Cưỡng chế tiền phạt bằng cách trừ lương Bộ Công an cũng vừa thông báo lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo nghị định quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính (dự kiến cũng có hiệu lực từ tháng 7-2013). Theo đó, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính đã quá thời hạn mà không tự nguyện nộp phạt sẽ bị cưỡng chế bằng nhiều biện pháp, trong đó có việc khấu trừ một phần lương, thu nhập thông qua tài khoản cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng. Đối tượng bị khấu trừ, áp dụng hình thức này là cán bộ, công chức, cá nhân đang làm việc và được hưởng lương tại một tổ chức hoặc cá nhân đang được hưởng BHXH. |
Bình luận (0)