Vừa rồi, tôi được mời ăn sáng với người bạn đang làm Phó Tổng một doanh nghiệp lớn, để bàn về một dự án thiện nguyện cho bà con dân tộc vùng biên giới phía Bắc. Tôi nhận lời vì nhiều lẽ. Trước là rất khoái làm mấy chuyện xã hội, nhất là ở các tỉnh biên giới phía Bắc, nơi nhiều đồng đội tôi đã vĩnh viễn ngã xuống. Họ chết cho tôi được sống. Sau là rất quý anh bạn này, khiêm tốn, chững chạc, học hành bài bản, năng lực được kiểm chứng…
Nghe đâu đơn vị sắp đại hội, chuẩn bị nhân sự vì sếp tổng về hưu. Râm ran chuyện đời, chuyện đơn vị, bạn vui vẻ kể: "Khẩu hiệu của đại hội kỳ này là - Chống chạy chức chạy quyền. Chống là phải vì bệnh nặng lắm rồi và đáng lẽ phải chống từ lâu". Tôi buột miệng: "Hay quá, nếu em lên làm sếp Tổng, anh sẽ tình nguyện về làm lính cho em". Bạn cười khó hiểu: "Không có cửa đâu anh!". "Sao vậy, em có năng lực, thừa tiêu chuẩn, lại con nhà nòi mà !". "Xong rồi anh, ghế đã sắp sẵn". "Cái gì, chưa đại hội mà, phải thông qua tập thể chứ". Im lặng một lát, giọng bạn nhẹ tênh như gió: "Đâu ai ngu gì vào đại hội mới chạy. Họ chạy từ xa, rất xa là khác. Mọi thứ đã an bài". Bạn lái sang chuyện khác: "Việc mình mình cứ làm, giúp được gì cho cộng đồng thì cố gắng, hơi đâu để ý mấy chuyện đó…".
Phiên tòa xử ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), hồi tháng 1-2018 là một trong những đại án chống tham nhũng của Việt Nam Ảnh: REUTERS
Về nhà, tôi cứ mãi băn khoăn. Ai cũng hô hào chống tham nhũng nhưng hình như càng chống càng lậm, ma mãnh và thủ đoạn hơn. Giờ thêm chống chạy chức chạy quyền nhưng thiên hạ cứ chạy. Lâu lâu bị lộ vài người, chẳng là gì so với số đông, coi như xui xẻo kiểu đụng xe vậy. Ngành giáo dục từng khởi xướng phong trào "Nói KHÔNG với tiêu cực", lan ra nhiều ngành khác. Kết quả chẳng đi tới đâu. Có ông giáo già giải thích: "Phong trào là nhất thời, gió có lúc mạnh, lúc yếu; chứ không thường xuyên. Nói không, quá dễ, ai cũng nói được. Đố ai dám nói CÓ. Nhưng LÀM mới khó, cực khó". Hèn gì thiên hạ cứ tha hồ nói KHÔNG và làm CÓ. Phong trào phát động rầm rộ nhưng lụi dần kiểu "Đầu voi đuôi chuột" rồi tự biến mất.
Chống tham nhũng, chống chạy chức chạy quyền, chống… Nói chung là chống tiêu cực thì ai cũng ủng hộ và tán thành, trừ mấy thủ phạm. Thế nhưng chống bằng cách nào và chống như thế nào thì lúng lúng. Tham nhũng và tiêu cực không tự thân mà có. Mọi thứ đều do luật pháp không nghiêm và cơ chế lỏng lẻo. Mấy cái này đều do con người. Con người vừa là nguyên nhân, vừa là thủ phạm. Tham nhũng và tiêu cực cũng như hỏa hoạn. Phải chống tức thì, để lâu cháy lan, hủy hoại mọi thứ. Căn cơ hơn, phải phòng cháy để đỡ tốn công sức và nhiều thứ chữa cháy. Tham nhũng và tiêu cực cũng vậy. Phòng quan trọng hơn chống và phải có hệ thống báo động cháy. Lửa mới bén là dập ngay, để lửa bao trùm thì bỏ của chạy lấy người cũng không kịp.
Tham nhũng và tiêu cực hiện nay do thiếu giám sát khách quan, cứ "vừa đá bóng vừa thổi còi". Các tiêu chuẩn đề bạt và chọn lựa cán bộ rườm rà, đọc qua tưởng chặt chẽ, đọc kỹ hóa ra chỉ làm khó người tài, người ngay thẳng vì tùy thuộc cảm tính của người có quyền. Thích thì nói là sáng tạo, chủ động. Ghét thì bảo tùy tiện, vô tổ chức. Quy định thì tha hồ suy diễn.
Tôi nhớ, cách đây mấy năm, giám đốc làng cà phê Trung Nguyên ở Buôn Ma Thuột bức xúc chuyện không được cấp thẻ hướng dẫn viên quốc tế vì chỉ tốt nghiệp cao đẳng, dù học và làm việc ở Đức 29 năm. Trong khi nhiều người có bằng đại học với đủ hình thức đào tạo ở Việt Nam thì vô tư có thẻ, dù trình độ ngoại ngữ "ấm ớ hội tề". Rất nhiều người thừa kiến thức và khả năng thực tiễn nhưng không được làm quản lý hoặc tham gia giảng dạy vì không đủ bằng cấp. Kiến thức và kinh nghiệm thực tế không thể mua bán, còn bằng cấp ở Việt Nam thì tha hồ, loại nào cũng có.
Bị cáo Vũ Quốc Hảo trong đại án tham nhũng tại Công ty Cho thuê tài chính 2 thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam- ảnh: PHẠM DŨNG
Muốn phòng chống tham nhũng và tiêu cực hiệu quả, rất cần lò đốt của Tổng Bí thư và những bàn tay sắt của pháp luật nhưng cần hơn là làm cuộc cách mạng thật sự về cơ chế, mở rộng dân chủ. Để mọi người dân có quyền tham gia thật sự vào việc thi tuyển công chức, bầu chọn cán bộ, cũng như giám sát và chế tài. Nếu không có những cải cách triệt để về cơ chế, hoặc chỉ cải cách nửa vời thì mọi việc sẽ "vũ như cẩn". Xử những người sai phạm này sẽ có ngay những thủ phạm khác thay thế.
Bình luận (0)