xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thần cẩu trấn làng

Bài, ảnh QUANG NHẬT

Khoảng 5 năm trước, một đoàn khách Tây trên đường tham quan phá Tam Giang - Cầu Hai đã dừng lại bên am thờ ngay đầu ngõ vào làng Phổ Trung, thôn Trung Đông, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Am này chẳng có mái lợp, trên nền xi-măng nhỏ gắn một con chó đá màu đen, trước có lư hương khói nhang nghi ngút.

Đoàn khách nấn ná quan sát, chụp ảnh rồi lân la hỏi cư dân địa phương về ý nghĩa, nguồn gốc, lễ nghi… của tục thờ cúng thần cẩu. Bà Hồ Thị Mai Hồng, một người sống cạnh am thờ, nhớ lại: "Lúc đó tôi bận nên chỉ giới thiệu qua loa, cứ tưởng họ tò mò hỏi cho biết thôi. Thế nhưng, vài ngày sau, một du khách đã quay lại tìm hiểu, hỏi han, ghi chép rất cặn kẽ làm tôi mất gần nửa ngày".

Vị khách Tây ấy đã thuê người trong làng làm mái lợp, sơn phết, quét dọn am thờ. "Ông ấy còn nhờ dân làng chuẩn bị một mâm cơm cúng thần cẩu rồi quay phim chụp ảnh, nghe nói là làm phim về văn hóa. Sau đó, nhiều đoàn du khách nước ngoài thỉnh thoảng cũng ghé qua tìm hiểu am thờ thần cẩu của làng chúng tôi" - bà Hồng cho biết.

Thần cẩu trấn ngõ vào làng Phổ Trung có thế đứng, sơn màu đen, mắt hướng ra đường, trông rất dữ - cư dân địa phương cho rằng phỏng theo hình tượng "chó trời". Theo họ, tục thờ thần cẩu của làng đã có từ hơn 200 năm trước. Xưa kia, con em Phổ Trung có chí tiến thủ, ham học nhưng nghiệp khoa cử chẳng thành. Các bô lão liền họp bàn, tìm thầy địa lý và được chỉ rằng nên lập một am thờ thần cẩu ngay đầu làng Phổ Trung, đối diện làng Phú Khê, để trấn giữ thần khí. Dân làng Phổ Trung bèn tìm một hòn đá tạc ra thần cẩu rồi lập am thờ. "Không biết sau đó, việc thi cử của con em Phổ Trung thế nào nhưng tục thờ cúng thần cẩu được truyền từ đời này sang đời khác" - bà Hồng nói.

 Thần cẩu trấn làng - Ảnh 1.

Cách Phổ Trung không xa, làng Phổ Đông ở thôn Trung Đông cũng lập một am thờ thần cẩu ngay đầu ngõ. Khác với Phổ Trung, thần cẩu làng Phổ Đông có thế ngồi, sơn màu vàng, mắt hướng ra đường, trông rất oai vệ.

Theo cụ bà Lê Thị Mai, người làng Phổ Đông, am thờ "ngài" luôn được dọn dẹp sạch sẽ, hương khói để cầu mong làng được trông coi bình yên. "Trước đây, thần cẩu mà làng thờ chỉ là một hòn đá giống hình dạng con chó, được đặt ven đường dưới một gốc cây. Khi thi công Quốc lộ 49A, người ta vô ý làm hòn đá đó vỡ nát. Vì thế, dân làng đúc thần cẩu bằng xi-măng, sơn phết đẹp đẽ, lập nên am thờ như ngày nay" - cụ Mai kể.

Ở Phổ Đông, dân làng còn đối xử với chó nuôi rất trọng thị. Cụ bà Hoàng Thị Hội cho biết: "Khi nhà có người mất, chó được mang khăn tang. Đến khi con vật này chết đi, chủ sẽ chôn cất cẩn thận kèm theo bát đĩa, lương thực".

Vào những ngày mùng một, mười bốn, rằm, ba mươi âm lịch hằng tháng và dịp Tết, dân làng Phổ Đông và Phổ Trung lại mang gà, xôi, cau trầu, hoa quả ra am thờ dâng cúng thần cẩu. Dân làng khẳng định xưa nay, Phổ Đông và Phổ Trung được xem như những vùng quê yên lành, hiếm khi xảy ra trộm cắp, mất an ninh trật tự và họ tin rằng nhờ thần cẩu trấn giữ.

 Thần cẩu trấn làng - Ảnh 2.

Thần cẩu được thờ ở làng Phổ Trung

Ở Huế, nhiều ngôi làng như Bao La (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền), Thanh Thủy Chánh (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy)… cũng có tục thờ thần cẩu. Ở Thanh Thủy Chánh, thần cẩu được đặt trên một bức bình phong nằm ven con kênh. Bức bình phong này đã úa màu thời gian, dài chừng 5 m, xây khá dày bằng những viên đá nguyên khối.

Tương truyền cách đây hơn 150 năm, làng thuần nông Thanh Thủy Chánh huy động sức dân đào con kênh Lao Động chạy thẳng vào làng để phục vụ tưới tiêu. Cũng từ đó, nhiều nhà dân trong làng bị hỏa hoạn mà không rõ nguyên nhân. Một số thầy phong thủy cho rằng việc đào kênh đã phạm đến "long mạch" nên cuộc sống cư dân đảo lộn. Dân làng bèn làm theo lời thầy phong thủy: Dựng bức bình phong, mặt ngoài thiết kế một hộc nhỏ đặt thần cẩu nặn bằng đất sét để thờ.

Ông Nguyễn Quang Uyển, người phụ trách nghi lễ của làng Thanh Thủy Chánh, cho rằng dân làng xưa kia dựng bình phong, thờ thần cẩu là để ngăn ngừa tai ương. "Đó là một nét đẹp tâm linh, có ý nghĩa nhắc nhở con cháu về chuyện cha ông dựng xây làng xóm, một thời dày công trị thủy" - ông nhìn nhận.

Theo nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, những câu chuyện liên quan đến thần cẩu được cư dân các địa phương truyền tụng qua hàng trăm năm đã trở thành nét văn hóa tín ngưỡng đẹp, mang dấu ấn tâm linh. Tục thờ thần cẩu trước đây khá phổ biến ở Việt Nam nhưng đến nay, nhiều địa phương không còn giữ được.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo