xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thần thánh không phù hộ kẻ lười, người ác!

Yến Anh thực hiện

PGS-TS Phan Đình Tân - Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch - khẳng định như vậy trước sự biến tướng cũng như bạo lực ngày càng nhiều trong các lễ hội mà Báo Người lao Động đã phản ánh

Phóng viên: Ông nghĩ thế nào về tình trạng bạo lực đang diễn ra ở nhiều lễ hội được xem là lễ hội văn hóa?

- PGS-TS Phan Đình Tân:

img

Để xảy ra tình trạng lộn xộn, tranh cướp, vượt khỏi vòng kiểm soát của ban tổ chức (BTC) như phát ấn đền Trần (Nam Định), lễ hội cướp phết ở Hiền Quan (Phú Thọ) mà báo chí lên tiếng, theo tôi, một phần là do lượng du khách đến quá đông, ý thức người tham gia lễ hội kém; phần khác là sự lúng túng, tổ chức thiếu khoa học nên BTC đã không kiểm soát được tình hình.

Cảnh chen lấn, xô đẩy xông vào cướp lộc trong đêm khai ấn đền Trần Ảnh: Tuấn Minh
Cảnh chen lấn, xô đẩy xông vào cướp lộc trong đêm khai ấn đền Trần Ảnh: Tuấn Minh

Lẽ nào chúng ta cứ để những hình ảnh phản cảm, phi văn hóa ấy kéo dài mà không có cách ngăn chặn?

- Tôi không nghĩ thế. Không có gì là không thể làm được nếu như BTC các lễ hội đưa ra quy ước riêng. Đơn cử, ở hội Gióng năm nay đã có biện pháp tích cực là không cho mang gậy vào đoàn rước và đã giảm thiểu rất nhiều yếu tố bạo lực. Tại một số lễ hội khác, ví dụ lễ hội cướp phết, BTC có thể đưa ra quy định các làng cử ra bao nhiêu thanh niên trai tráng tham gia vào việc tranh phết, số còn lại sẽ đứng ngoài với sự bảo vệ nghiêm ngặt của lực lượng chức năng. Với những lễ hội có yếu tố nhạy cảm, lượng khách đến đông, BTC nên lắp camera ở những khu vực có thể diễn ra tranh cướp, xô xát, ai vi phạm sẽ bị xử phạt hoặc dùng hình thức răn đe như gửi thông tin, hình ảnh về cho đơn vị công tác...

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng lễ hội hiện đang bị biến tướng vì quá đề cao vật chất. Ông có đồng quan điểm này không?

- Mỗi người đến lễ hội với những tâm thế khác nhau. Có người đến để tìm sự thanh thản, giao lưu, thưởng thức không gian văn hóa. Có người đến vì mục đích thực dụng là cầu danh, cầu lợi, cầu tài. Cũng có người đến vì những ẩn ức trong cuộc sống, họ chờ cơ hội để thể hiện những bức xúc, khó chịu trong mình. Thậm chí, có những lễ hội ở làng xã, một số nhóm thanh niên vốn hiềm khích với nhau, đến lễ hội để tìm cơ hội trả thù, ẩu đả mà những ngày thường không làm được...

Nếu người ta đến lễ hội với tâm thế là đến với Phật, với thánh, đến để lòng thanh thản, giảm trừ tham - sân - si thì mọi lễ hội sẽ diễn ra êm đẹp, văn minh. Ngược lại, đến với lễ hội vì mục đích thực dụng, tham lam thì đã làm biến tướng đi cái đẹp của việc đi lễ rồi. Lễ hội đền Trần với truyền thống khai ấn đầu năm mang ý nghĩa rất đẹp, rất văn hóa đã bị biến tướng do một số bộ phận trục lợi thổi phồng ý nghĩa của nó.

Trên đời này chẳng có gì tự nhiên mà có, không phải cứ có tờ ấn là sẽ thăng quan tiến chức. Thánh thần không phù hộ cho những người lười nhác, càng không bao giờ phù hộ cho những kẻ có tâm địa độc ác, không biết thương giống nòi, chỉ tranh cướp. Nếu như ai cũng hiểu điều đó, có lẽ việc đi lễ đầu năm đã đẹp hơn rất nhiều.

Trong đêm khai ấn đền Trần, vào tối ngày khai ấn (14 tháng giêng), nhiều người đeo “thẻ xanh”, tức là những khách mời, những người có địa vị xã hội… cũng giẫm đạp và hả hê khi cướp lộc. Ý kiến của ông về vấn đề này?

- Chúng ta vẫn hay nói là nâng cao dân trí nhưng “quan trí” cũng phải cần nâng cao. Những người có chức vụ, công chức, quan chức, có học mà vẫn tham gia hành xử không đúng chuẩn mực thì làm sao nói được người dân. Tôi đề nghị báo chí khi đưa ra hiện tượng tiêu cực cần nêu đích danh, cụ thể. Ví dụ, thấy xe công đi lễ hội thì chụp hẳn biển số xe rồi đưa công khai lên mặt báo. Trong lễ hội đền Trần vừa qua cũng vậy, cần chụp ảnh, quay hình lại những ai tham gia vào việc tranh giành này. Theo tôi, nên lắp camera ở khu vực phát ấn, ghi lại tất cả hoạt động xin ấn, đi lễ của những khu vực nhạy cảm. Dân nào, “quan” nào tranh giành lộc, có hành vi phản cảm sẽ bị ghi hình, bêu tên trên các phương tiện truyền thông. Chúng ta cứ rõ ràng, rành mạch giống như xử phạt giao thông, ghi hình rồi sau đó phạt nguội, khi đó mới giảm được việc tranh giành, xô xát như thời gian qua.

Bạn đọc nghĩ gì?

Những cảnh hỗn loạn, ẩu đả, bạo lực diễn ra tại các lễ hội trong thời gian qua khiến dư luận bức xúc. Rất nhiều bạn đọc đề nghị bỏ những lễ hội bát nháo, kém văn minh, mê tín dị đoan.

Bạn đọc Trần Minh Nam viết: “Lễ hội ngày càng có tính bạo lực là do phong tặng tràn lan, thiếu chọn lọc. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nên xem xét giữ lại những lễ hội có tính chất nhân văn, làm cho mọi người quan tâm, gắn kết với nhau; còn những lễ hội đậm chất bạo lực thì nên bỏ”.

Bạn đọc Nguyễn Văn Minh đề nghị: “BTC nên phân luồng cửa vào, cửa ra, mỗi lần 10 người vào điện, trong một thời gian nhất định, sau đó phải xếp hàng trở ra để nhóm khác vào. Ai manh động thì xử lý ngay lập tức. Có như vậy mới giữ trật tự nơi tôn nghiêm”.

Để tránh việc tranh giành, cướp phết, bạn đọc Lê Minh Sơn cho rằng: “BTC nên để mỗi địa phương chọn trong thôn xóm một số thanh niên có đạo đức tốt tham gia vào đội cướp phết. Còn những người khác chỉ đứng xem, không được tham gia. Như thế vừa an toàn, văn minh vừa giữ được nét văn hóa truyền thống”.

V.Thư ghi

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo