Ngày xưa đó với tôi bây giờ là cả một không gian đầy ắp Tết, bước vào đâu cũng tràn ngập những thương yêu! Còn ngày xưa nào chưa kịp về thì những ngọn gió bấc se se lùa khói mây trong mù khơi trí nhớ, cứ xôn xao mà điểm danh từng ký ức.
Ký ức có khi chỉ là con tò he bằng đất nung sơn đỏ sơn xanh, mẹ đi chợ Tết mua về. Thằng con nít là tôi cầm thổi toe toe chạy trên khắp đường làng, mặt tí tửng rạng rỡ niềm hạnh phúc. Ký ức cũng có khi bông đùa lãng mạn cùng ngọn gió của thi sĩ Đoàn Văn Cừ gặp "Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon", chạy theo mẹ ngắm chợ Tết!
Nhưng có một ngày xưa... Xưa hơn mọi ngày xưa! Nó vàng rực như hoa cải ven sông, thăm thẳm mông mênh như đường về quê ngoại, hội hè tưng bừng ánh sáng như những đêm hát bội sân đình. Nhớ quá, tôi lặng thầm gọi Tết như nhà văn Vũ Bằng lặng lẽ viết lên trang giấy: Tháng chạp, nhớ ơi chợ Tết.
Đành rằng chợ Tết kiểu như thi sĩ Đoàn Văn Cừ hay của nhà văn Vũ Bằng là chợ Tết của những ngày xưa trên đất Bắc, không hẳn đã giống chợ Tết xưa ở làng tôi - một góc trời rơm rạ miền Trung. Nhưng tất cả bầu không khí xôn xao náo nức ấy, những gương mặt đẹp ấu thơ huy hoàng ấy, tất cả đều bị thời gian tước đoạt, thế nên "Thương nhớ mười hai" của Vũ Bằng có lẽ cũng là thương nhớ của bất cứ những ai còn biết nhớ.
Vũ Bằng là nhà văn, cũng như những thi sĩ Huy Cận, Đoàn Văn Cừ hay nhiều văn nghệ sĩ khác sáng danh từ thời tiền chiến. Từ năm 1954, ông vào Sài Gòn tiếp tục nghề làm báo, viết văn. Kể từ ngày vào Nam xa đất Bắc, Vũ Bằng nổi tiếng với những tập tùy bút "Miếng ngon Hà Nội", "Món lạ miền Nam". Đặc biệt nhất là tùy bút "Thương nhớ mười hai" của ông đã neo đậu vào tâm hồn tôi như cái bến quê nhà vững chãi, mà biển dâu bao cuộc không thể bồi lấp xóa nhòa.
Chưa nói đến tháng chạp, tháng giêng nô nức Tết, mỗi năm 12 tháng, từng thời gian, từng không gian, Vũ Bằng viết với tất cả nỗi nhớ da diết. Đấy là những món ăn xứ Bắc; phong cảnh cỏ cây sông hồ đất Bắc; thời tiết nắng mưa, rét Nàng Bân tím tái. Đấy là những phong tục tập quán bản sắc của từng làng quê.
"Thương nhớ mười hai" còn là bao tình yêu, nếp nghĩ, nếp sống, kỷ niệm gia đình, nghĩa tình vợ chồng, làng xóm... Tất cả đã xa xăm, đã thành thứ tro than âm ỉ một thứ lửa ngầm không bao giờ chịu tắt, có dịp là bùng lên rực rỡ, sáng khôn khuây. Nhưng lung linh nhất là vào dịp Tết, có lẽ đó là thứ lửa vĩnh cửu và linh thiêng đủ sức soi rọi khắp mù khơi trí nhớ. Nếu như nỗi nhớ niềm quên ấy có hoang vu, có sương khói dày lên thì đấy là chất liệu làm đẹp thêm cái thiên đường ký ức của mỗi người.
"Tôi yêu hết và tôi nói là tôi yêu hết, yêu ngọn cỏ gió đùa mây trôi lãng đãng, ngọn núi, đồi sim, nhựa cây, mạch đất, yêu cái sâu cái kiến nằm co ro trong tổ bây giờ mới trỗi lên tìm lá mới, hoa non, yêu cô gái mặc quần lĩnh hoa chanh lại cài một cánh hoa hồng trên mái tóc, yêu con bướm đa tình bay lượn trên giàn hoa thiên lý, cái áo nhung xanh nổi bật lên trong vườn quýt đỏ, cam vàng, trông mới lại càng yêu giọt mưa bé tí ti đọng lại trên nhung mướt làm cho người đẹp óng a óng ánh như thiên thần trong mộng" - Vũ Bằng viết cứ như nỗi nhớ tuôn ra lênh láng, chẳng cần chấm câu xuống dòng.
Con đường ký ức lối nào cũng vô tận, cơ hồ muốn quên khuấy thực tại. Thế nên, nhớ và yêu làm gì có chừng mực. Chỉ sợ những tâm hồn sa mạc, mọi ký ức trắng xóa không còn quê quán cho trí nhớ quay về. Lúc đó, bệnh vong thân cứ mặc sức mà tung hoành bởi cái "hệ miễn dịch" nguồn cội ngày xưa đã sa mạc trong mọi tâm hồn tự bao giờ không hề hay biết. Là tôi đa đoan mà nói thế, chứ tác giả "Thương nhớ mười hai" thì rất tơ mơ. Ngày Tết ông càng tơ mơ nhớ thương gấp bội phần.
"Yêu cái tháng chạp không biết bao nhiêu, nhưng yêu nhất là những ngày giáp Tết, thời tiết sao mà đĩ thế, con mắt tấm lòng sao mà đong đưa thế, lời nói tiếng chào sao mà duyên dáng tơ mơ thế".
Thì ra cái quyền năng huyền nhiệm của mùa Xuân, nhất là ngày cận Tết, nó khiến tâm tính ai cũng ngây thơ ra, ai cũng "lời nói tiếng chào sao mà duyên dáng tơ mơ". Trong cái bầu không khí đêm 30 đất trời tinh khiết, thời điểm ấy, trong từng tổ ấm gia đình, không phân biệt to nhỏ, lâu đài "biệt phủ" nguy nga cho đến tổ tranh tre lụp xụp chắp vá, chỗ nào cũng khói hương. Ở ngoài kia có tiếng gì nhỏ bé như tiếng sóng xa xa mà lại như tiếng đàn hát của thần tiên, tiếng chuyển mình của sông hồ, của lộc cây, của giàn hoa lý. Vâng, nhìn đâu cũng thấy đẹp, vừa ẩn khuất giữa thời gian vừa hiển lộ giữa thời gian, xa vắng đấy mà gần gụi đấy.
Khác với tất cả cái nhớ ngày xưa khác, "Tháng chạp, nhớ ơi chợ Tết" là cái nhớ đầm đìa men say hoan lạc, nhớ lạc đường lạc ngõ. Tết vỡ ùa ra từ mọi ngõ ngách tâm hồn. Cái nhớ vào ngày thường cũng đẹp, nhưng thăm thẳm tịch liêu giữa mênh mông "Thương nhớ mười hai". Ví như khi Vũ Bằng viết về người vợ ở lại trên đất Bắc: "Nhớ ơi, nhớ sao nhớ quá thế này! Nhớ cũng vào một mùa vải như thế này, hai vợ chồng rảnh rang cùng đi về Vụ Bản thuê một căn nhà rơm để nghĩ mát thay vì đi lên núi. Sáng sáng, lúc mặt trời chưa mọc, hai đứa cùng đi tha thẩn dưới rặng vải cùng uống mùi thơm của vải chín tiết ra trong không khí văn vắt... Quỳ ơi, bây giờ em ở đâu? Tại cái xứ sở có nhiều loại kèn xe hơi cực kỳ tối tân này (Sài Gòn - NNT), em có biết rằng có người chồng thỉnh thoảng trông ra nắng tháng tư lại nhớ đến một buổi trưa tiền kiếp, chúng ta đang dựa gốc cây thiêm thiếp, sực nghe thấy tiếng chim tu hú, đều mở cả mắt ra để cùng tìm xem con chim tu hú ở đâu mà kêu to như thể ở chính bên tai ta vậy".
Đọc những nỗi niềm ấy, dễ buồn lây chảy nước mắt với cái buồn của nhà văn. Không như cảnh Tết mà ông viết, ta lại tơ mơ theo ông mà nhớ cái nọ xọ qua cái kia. Lúc thì chợ Tết hiện ra: "Nhìn vào cái gì mình cũng thấy đẹp, trông người nào mình cũng thấy tươi, thấy cái gì mình cũng muốn mua", lúc thì kể về một người chồng nào đó nghe được tiếng mùa Xuân, "nhưng không nói cho ai biết, lẳng lặng mở bình Mai Quế Lộ rót ra hai cốc nhỏ, mời vợ một còn mình một".
Mỗi một thanh âm nhớ Tết của Vũ Bằng chừng như đều ẩn dụ một tự nghĩa thiêng liêng, để diễn dịch về cái tiếng mùa Xuân tịch ngôn mà bí nhiệm truyền niềm xao xuyến đến mọi tâm hồn.
Bây giờ tôi cũng "nhớ ơi, sao nhớ quá thế này"! Gọi thầm thôi mà vô vàn hình ảnh Tết xưa hiện ra. Tôi đang tung tăng áo mới, nắm gấu áo mẹ đi qua những ruộng mía bao la trên đường về quê ngoại. Hoặc chính là tôi và em vội vàng lên chiếc đò ngang về quê chiều 30 cho kịp đón giao thừa. Những hình ảnh thoáng chốc bỗng khuất vào mơ hồ khói sương, chỉ còn nghe tiếng gió vọng như một lời hồi âm vừa như xôn xao gọi Tết vừa như tiếng thơ gọi xa vắng quay về!
Bình luận (0)