Hơn 10 ngày qua, các công nhân của Công ty Thoát nước đô thị TP đã đưa được hàng chục đốt ống thoát nước băng ngang đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh, TP HCM) nhưng người dân vẫn lưu thông bình thường, không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Đây là hạng mục thi công kích ống của gói thầu mở rộng trạm bơm chuyển tiếp và xây dựng cống chuyển tải nước thải thuộc dự án Cải thiện môi trường nước TP HCM - lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ - giai đoạn 2.
Ông Nguyễn Tấn Đạt, phó chỉ huy trưởng công trình, cho biết do đường Nguyễn Văn Linh có lượng phương tiện qua lại đông đúc nên đơn vị áp dụng công nghệ khoan kích ngầm để khắc phục việc dựng "lô cốt". Đây là một kỹ thuật lắp đặt tuyến ống dùng kích thủy lực công suất lớn đẩy các đốt ống đặc biệt xuyên vào trong lòng đất cùng với đầu máy gắn phía trước.
Bùn đất trong quá trình khoan được bơm ra ngoài bồn và mang đi đổ nên không ảnh hưởng đến môi trường. Công nghệ này đã từng được áp dụng ở một số dự án tại các tuyến đường như Trần Hưng Đạo, Lê Trọng Tấn, Quốc lộ 1 và đặc biệt là kích ống D3000 băng sông Sài Gòn. Do không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân nên cách đào đường này cũng sẽ giảm chi phí xã hội mà người dân phải gánh như kẹt xe, không buôn bán được do dựng rào chắn.
Công nghệ khoan kích ngầm băng ngang đường Nguyễn Văn Linh
Ngoài khoan kích ngầm, một số đơn vị thi công còn áp dụng công nghệ kéo ống định hướng để không phải đào đường. Ông Trần Văn Chín, Giám đốc Công ty CP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật VMCtech, cho biết công nghệ này sẽ định hướng mũi khoan theo tọa độ vào kéo đường ống theo hướng mũi khoan nên bảo đảm độ chính xác cao mà không cần phải đào đường. Công nghệ kéo ống đã được áp dụng ở một số dự án như đường ống băng đại lộ Mai Chí Thọ, camera giám sát an toàn giao thông dọc tuyến Quốc lộ 1 với chiều dài 1 km từ vòng xoay An Sương đến vòng xoay An Lạc…
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng công nghệ đào đường ngầm đã được sử dụng ở TP từ hơn 10 năm trước nhưng vẫn chưa được áp dụng rộng rãi cho các công trình ngầm một phần do chi phí thường cao hơn đào hở. Mặt khác, các công trình ngầm như điện lực, viễn thông, cấp thoát nước dưới lòng đất chưa được số hóa nên nếu không khoan thăm dò thì sẽ ảnh hưởng đến các công trình này. Theo ông Sơn, việc đào ngầm nên áp dụng ở những khu vực giao thông đông đúc, gần các giao lộ để giảm chi phí xã hội mà người dân phải chịu. Còn ở những khu vực khác, có thể áp dụng đào hở để giảm kinh phí đầu tư.
Ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP HCM, khẳng định trong các dự án sắp tới, ngành điện TP yêu cầu đơn vị thi công phải thực hiện bằng phương pháp đào ngầm để bớt ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
TP HCM yêu cầu áp dụng đào ngầm
Theo ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM, việc đào đường theo cách dựng "lô cốt" ảnh hưởng đến giao thông, tăng chi phí xã hội cũng như chi phí niềm tin mà chưa đo đếm được. Do đó, TP đặt yêu cầu chuyển sang phương pháp đào ngầm, nhất là ứng dụng công nghệ, để thi công nhằm hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải TP cũng sẽ siết chặt cấp phép đào đường đối với những chủ đầu tư, đơn vị thi công ẩu.
Bình luận (0)