Công an huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương đang xác minh, điều tra nguyên nhân vụ tai nạn giao thông khiến anh P.H.P (30 tuổi, ngụ Phú Giáo, Bình Dương) tử vong. Trường hợp tử vong này đang được dư luận quan tâm, với nhiều ý kiến trái chiều.
Không ít bạn đọc băn khoăn: "Nói là vô tâm, vô cảm quả thật cũng chưa chính xác, mà buộc lòng phải cẩn trọng. Lòng tốt phải đúng thời điểm, chứ giữa đêm hôm lỡ gặp phải chuyện không may thì lại rước họa vào thân"; " Ban đêm, đường vắng, lại không có ai làm chứng. Dừng lại cứu giúp, "nhẹ" thì có khi mình bị đổ là người gây tai nạn, "nặng" thì bọn xấu giả tai nạn để mình dừng lại rồi cướp".
Hình ảnh từ camera tại thời điểm anh P. bị té và bất tỉnh, có đến 4 người điều khiển xe gắn máy lưu thông từ phía sau, tất cả đều thấy, cho xe đi chậm lại nhưng không cứu giúp.
Bạn đọc CEO QU viết: "Giúp người bị nạn là việc phải làm nhưng xin người nhà nạn nhân phải thật bình tĩnh đừng đánh người cứu giúp tại hiện trường. Xin kể lại trường hợp của tôi như sau: Một buổi tối trời mưa nhỏ, khi đi đến ngã tư D1 và D38 thì thấy 4 chiếc mô tô phóng nhanh qua ngã tư không đèn đường, chợt có 1 xe bị ngã và nạn nhân nằm bất động. Tôi định đi thẳng về nhà nhưng nghĩ đường D38 có rất nhiều xe container lưu thông, nên tôi đã dừng lại cùng người dân gần đó đưa nạn nhân vào lề. Bỗng nhiên có 2, 3 xe mô tô chạy đến và la lớn: "Đứa nào đụng em tao?". Giật mình nhìn quanh chỉ còn 1 mình tôi, vì tất cả những người dân đã chạy vào nhà đóng cửa. Tôi sắp bị "no đòn" dù cố biện hộ, giải thích. May thay nạn nhân kịp tỉnh lại và nói: "Tự em té, ảnh giúp em". Khi đó tôi mới thoát nạn".
Cùng quan điểm, bạn đọc Khoa SG cũng tâm tư: "Trước đây ba của bạn tôi ở Long An thấy 1 anh bị té xe nên chạy lại đỡ lên thì ra là nhậu say té. Sau khi đỡ lên, anh ta đã la lên là ba bạn tôi làm anh ta té. Thế là cả nhà anh ta gần đó đánh ba bạn tôi phải nằm viện cả tháng. Ban ngày còn vậy, ban đêm thì không biết chuyện gì xảy ra".
Bạn đọc Từ thắc mắc: "Chuyện dừng lại giúp đỡ người bị nạn cũng không đơn giản, nếu tôi dừng lại giúp và người bị nạn đã tử vong thì tôi có bị vạ lây không? Làm sao tôi chứng minh được người bị nạn tử vong vì nguyên nhân khác, còn tôi chỉ là người cứu giúp?".
"Thật khó cho người đi đường, khi thấy bị tai nạn mà không giúp. Vì ngoài trường hợp bị đòn oan khi người nhà tưởng người giúp là người gây ra tai nạn; còn bị công an giữ lại để làm chứng, lấy lời khai"- bạn đọc Lê Chánh phân trần.
Bạn đọc Vân Trang gợi ý: "Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do tai nạn như trường hợp đã xảy ra ở Bình Dương, nên chăng cần tăng cường hơn nữa sự giám sát của cơ quan chức năng thông qua hệ thống camera an ninh, lịch tuần tra giao thông, an ninh cần chặt chẽ, thường xuyên hơn, để có thể phát hiện, xử lý kịp thời những sự cố xảy ra".
Bạn đọc Nguyen Sa thì đề nghị: "Cần sớm có những quy định "nhẹ" hơn cho những người tham gia giúp đỡ người bị nạn, để tránh những phiền phức cho người đã "ra tay" giúp đỡ nạn nhân. Ví dụ như khi đưa nạn nhân vào bệnh viện rồi thì chỉ cần cung cấp tên tuổi, địa chỉ, CMND, số điện thoại là có thể được về. Sau đó có cần điều tra gì thì công an phải tới tận nơi làm việc hay cư trú để lấy lời chứng, chứ không phải nhiều lần lên xuống trụ sở công an lấy lời khai như hiện nay".
Bạn đọc Baonguyen thì cho rằng: "Đúng là có những cái "khó" khi cứu giúp người bị nạn ngoài đường. Song chẳng lẽ chỉ vì lý do sợ bị vạ lây mà lại chọn cách hành xử vô cảm với người bị tai nạn. Hãy nghĩ rằng đó là việc cần phải làm vì đó là tình người, là tình cảm đồng loại".
Bình luận (0)