Thạc sĩ ĐINH THỊ PHƯƠNG THẢO, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam:
Cần tính toán khoa học
Bảng chữ cái tiếng Việt đang có đã được hình thành và tồn tại tới 3 thế kỷ. Nó được sử dụng liên tục trong dòng chảy phát triển văn hóa, giáo dục, xã hội và đáp ứng tốt các phát sinh về ký âm từ vựng mới trong mọi loại hình văn bản chữ viết của dân tộc Việt và người nước ngoài học nó, sử dụng nó; khẳng định được tính hữu dụng và đầy đủ về chức năng ngôn ngữ. Do đó, nói rằng thêm vào nhóm ký tự trên cho phù hợp với xu thế hòa nhập cần được xem xét kỹ hơn vì nó chưa thực sự là nhu cầu cấp thiết trong xã hội.
Sách giáo khoa chính là công cụ truyền đạt tri thức, văn hóa cho thế hệ trẻ. Dù thế hệ ấy có nỗ lực vượt qua được khó khăn về sử dụng chữ cái mới, họ sẽ vẫn phải mang thói quen thiết lập và sử dụng văn bản ấy ra toàn xã hội tương lai. Tương tự, trong trường hợp bổ sung chữ cái chúng ta đang bàn, dường như khó khăn nêu ra về công nghệ lại chưa phải là không thể khắc phục. Ngay với các cộng đồng sử dụng các nhóm ngôn ngữ xa với chữ Latin hơn như Hán, Hàn, Nhật, Nga, Ả Rập…, việc tham gia hội nhập quốc tế, phát triển xã hội cũng đâu cần sự bổ sung chữ cái liên quan tới nhu cầu công nghệ như vậy.
Ngôn ngữ là một trong những dấu hiệu cơ bản nhất để xác định bản sắc dân tộc bởi quá trình hình thành nó phản ánh trọn vẹn quá trình kết tinh thành quả lao động, sáng tạo của cộng đồng dân tộc đó. Thay đổi bảng chữ cái theo cách thêm vào nhóm ký tự f, j, w, z, nếu nhìn từ khía cạnh này, cần tính toán lợi và hại rộng hơn là phản ánh ngôn ngữ chat, nhắn tin kiểu tắt của một nhóm cư dân. Bất kỳ thay đổi nào về ngôn ngữ cũng vừa thể hiện vừa kéo theo thay đổi về giao tiếp, tư duy của người sử dụng. Hệ thống chữ cái của một ngôn ngữ là công cụ thiết lập dòng âm thanh dù là vang thành tiếng hay chỉ ngầm chảy trong quá trình tư duy. Việc biểu thị nó bằng hình ảnh chữ cái nào cũng có tác động nhất định vào quá trình đó. Sự thay đổi hệ thống chữ cái theo cách thêm vào nhóm ký tự này cần phải được tính toán khoa học để không ảnh hưởng tới tư duy sáng tạo của người sử dụng.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Mười, Trưởng Bộ môn World Language, Intercultural School, Louisiana, Mỹ:
Không nên “đi tắt đón đầu” trong lĩnh vực này
Tiếng Việt đang được bảo tồn và phát huy mạnh ở rất nhiều nước trên thế giới, mạnh nhất là tại Mỹ. Vừa mới đây, tiếng Việt lần đầu tiên được giảng dạy chính thức trong một nhà trường Mỹ như ngôn ngữ hai (ngôn ngữ hai phổ biến trong nhà trường Mỹ là tiếng Tây Ban Nha) và môn học này được gọi là world language (tạm dịch: Ngôn ngữ quốc tế).
Tôi đã đọc kỹ hơn vài chục cuốn sách dạy tiếng Việt dành cho học sinh Việt Nam tại các trường tiểu học, trung học hoặc sinh viên đại học tại Mỹ. Hầu hết các sách dạy/học tiếng Việt này là do các tiến sĩ, giáo sư ngôn ngữ tốt nghiệp ngành ngôn ngữ tại Việt Nam, Mỹ, Úc, Pháp, Nga,… và rất thạo tiếng Việt, tiếng Anh, vi tính - biên soạn. Các sách này dạy tiếng Việt trình độ tương đương cấp 1, 2 ở Việt Nam. Các tác giả vận dụng nhiều phương pháp giảng dạy ngôn ngữ hiện đại và ứng dụng kỹ thuật cao vi tính trong biên soạn và giảng dạy (trên mạng) nhưng tuyệt nhiên không có một thay đổi nào về phát âm, đánh vần hay hệ thống chữ cái tiếng Việt, so với tiếng Việt hiện nay tại Việt Nam.
Tôi mới trao đổi với 5 vị trong số nhiều tác giả này về việc có nên thêm f, j, w, z vào bảng chữ cái tiếng Việt hay không. Tất cả 5 vị này đều cho rằng không nên, vì hệ thống chữ cái, các chữ kép của tiếng Việt hiện nay thể hiện đủ các âm cần thiết rồi. Các chữ f, j, w, z dùng khi đọc, ghi một số từ nước ngoài, từ khoa học,… thì các ngôn ngữ khác trên thế giới (không phải tiếng Anh) cũng dùng nhưng họ không đưa các chữ này vào hệ thống chữ cái của họ. Có lẽ ta không nên “đi tắt đón đầu” trong lĩnh vực này.
Bình luận (0)