Bảng chữ cái học sinh lớp 1 đang học hiện nay. Ảnh minh họa
Tiếng Việt đang được bảo tồn và phát huy mạnh ở rất nhiều nước trên thế giới, mạnh nhất là tại Mỹ. Mới đây, tiếng Việt lần đầu tiên được giảng dạy chính thức trong trường học ở Mỹ như ngôn ngữ hai (ngôn ngữ hai phổ biến trong nhà trường Mỹ là tiếng Tây Ban Nha) với tên gọi “World Language” (tạm dịch: “Ngôn ngữ Quốc tế”).
Tôi đã đọc kỹ vài chục cuốn sách dạy tiếng Việt dành cho học sinh Việt Nam tại các trường tiểu học, trung học, đại học tại Mỹ. Hầu hết các sách dạy / học tiếng Việt do các tiến sĩ, giáo sư ngôn ngữ tốt nghiệp ngành ngôn ngữ tại Việt Nam, Mỹ, Úc, Pháp, Nga … thành thạo tiếng Việt, tiếng Anh tin học biên soạn. Các sách này dạy tiếng Việt trình độ tương đương cấp 1, 2 ở Việt Nam. Các tác giả vận dụng nhiều phương pháp giảng dạy ngôn ngữ hiện đại và ứng dụng kỹ thuật cao cấp về tin học trong biên soạn, giảng dạy (trên mạng) nhưng tuyệt nhiên không có một thay đổi nào về phát âm, đánh vần, hay hệ thống chữ cái tiếng Việt, so với tiếng Việt hiện nay tại Việt Nam.
Tôi mới trao đổi với 5 tiến sĩ, giáo sư biên soạn các sách trên về việc có nên thêm F, J, W, Z vào bảng chữ cái tiếng Việt hay không. Tất cả đều phản đối vì hệ thống chữ cái, các chữ kép của tiếng Việt hiện nay thể hiện đủ các âm cần thiết rồi. Các chữF, J, W, Z dùng khi đọc, ghi một số từ nước ngoài, từ khoa học… thì các ngôn ngữ khác trên thế giới (không phải tiếng Anh) cũng dùng nhưng họ không đưa các chữ này vào hệ thống chữ cái của họ.
Có lẽ, ta không nên “đi tắt đón đầu” trong lĩnh vực này.
Bình luận (0)