Mới đó mà đã 44 năm - gần nửa thế kỷ. Khi tôi viết những dòng ký ức này thì ba má và nhiều người thân thiết, yêu quý đã lần lượt rời xa, chỉ còn những tấm ảnh kỷ niệm trong căn phòng nhỏ.
Con tàu về quê hương
Ga Nam Định chiều thứ bảy, ngày 24-6-1978. Không có buổi chia tay bạn bè hay gia đình cậu mợ, tôi theo má lên tàu vào Nam về Quy Nhơn, tỉnh Nghĩa Bình ngày ấy. Sau khi tập kết ra Bắc, ba tôi gia nhập quân đội rồi chuyển ngành về Liên hợp Dệt Nam Định năm 1959. Tháng 3-1978, ông chuyển công tác về quê hương Nghĩa Bình sau bao năm xa cách.
Tàu tăng tốc chạy, gió từ cửa sổ thổi vào mát rượi. Tôi nhìn những ngôi nhà quét vôi màu vàng qua thời gian đã xám lại, nhìn dãy phố với những cánh cửa gỗ màu xanh lá đượm buồn lao vùn vụt về sau lưng và nhìn thành phố từng là một phần của tuổi thơ tôi trôi dài về phía chân trời.
Ba má của tác giả
Trước khi đi, má đã chuẩn bị mang theo cơm nắm ăn cùng muối vừng và cá đồng kho mặn, cả bi-đông nhôm nước uống có dây đeo. Tàu chạy suốt đêm. Buổi tối, trong toa tàu chỉ có một bóng đèn tròn tù mù.
Trên tàu không bán thức ăn uống gì cả, nếu có thì chỉ các ga dọc đường khi dừng đón khách hay tránh tàu mà thôi. Tại các ga từ Nam Định vào đến Quảng Bình, người bán hàng chỉ mang ấm nước chè, thuốc lào, thuốc lá, bánh chưng, bánh khúc, trứng luộc… Họ bán hàng qua cửa sổ hay chen lên toa tàu chào mời hành khách, qua mặt mấy ông soát vé trật tự.
Tàu chạy 2 ngày 2 đêm mới đến ga Quảng Ngãi. Hồi đó, nghe mấy người đi cùng toa nói đây là "ga gà" nên tôi để ý. Đúng vậy, khi tàu dừng, tôi thấy người bán bày những chú gà vàng hươm, bóng nhẫy, căng mọng để chào mời. Thấy tôi mệt mỏi rũ rượi vì đường xa, má mua bát cháo gà bồi dưỡng cho tôi tỉnh táo trở lại. Má bảo đừng than mệt và kể lần trước ba đi phép, trên tàu không có chỗ ngồi. Ba đứng suốt một ngày từ ga Nam Định đến tận ga Vinh mới có được chỗ ngồi…
Cuộc sống mới ở Quy Nhơn
Khoảng nửa ngày sau, tàu đến ga Diêu Trì. Má con tôi xuống tàu, đón xe lam đi vào Quy Nhơn (ngày ấy còn là thị xã, là tỉnh lỵ của Nghĩa Bình - nhập 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định).
Xe đi khoảng nửa giờ thì dừng lại tại khu chợ có mái vòm. Mấy ngày sau, tôi mới biết khu chợ này tên là chợ lớn Quy Nhơn. Tôi lếch thếch theo má xách túi quần áo đi bộ mươi phút đến nơi ba công tác là Xí nghiệp Nước ngọt Quy Nhơn trên đường Bạch Đằng. Vừa bước vào, tôi đã nghe tiếng máy chạy ồn ào, mùi kẹo chanh, cam thơm lựng, tiếng xe chở hàng vô cùng náo nhiệt.
Cha con tôi được bố trí ở tạm tại nhà trẻ của xí nghiệp, giáp đường Duy Tân trong thời gian chờ phân nhà, hoặc ba phải mua nhà thì Sở Công nghiệp và xí nghiệp mới nhận má và các chị chuyển công tác vào làm việc.
Cuộc sống mới ở thị xã biển Quy Nhơn gió cát khác xa thành Nam. Nơi đây với thực phẩm đi chợ hằng ngày là cá biển, kho hay nấu lá giang đều ngon và lạ miệng.
Tháng 7 năm đó, ba mua căn nhà nhỏ trong hẻm đường Nguyễn Thái Học thuộc phường Lê Hồng Phong. Đây là nơi bắt đầu của bao mơ ước trong tôi về cuộc sống ở vùng đất mới.
Nuôi heo, giữ xe cho hợp tác xã
Sau Tết năm đó, ba dẫn tôi về thăm quê và ăn giỗ tại huyện Đức Phổ (nay là thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). Hồi đó, xe đò hiếm hoi nên cha con tôi đi tàu chợ. Tàu chạy nửa ngày mới đến ga Đức Phổ.
Từ ga, cha con tôi đi bộ về quê nhà ở xã Phổ Văn, cách chừng 5 cây số. Hết đường lớn lại men theo con đường ngoằn ngoèo giữa các ruộng lúa xanh ngắt, những bụi tre làng rì rào, thân thuộc ở các vùng quê.
Ngày giỗ ông nội, tôi được biết các bác, chú, dượng, cô, anh em. Mâm cúng được xếp thành chồng 5-7 lớp, đa phần là các món xào với đủ loại rau quả. Lạ và ấn tượng nhất là bánh xèo Quảng Ngãi và câu nói của đám trẻ mỗi lần thưa hỏi tiếng quê nội của tôi đặc trưng.
Năm 1980, ba tôi nghỉ hưu. Lúc đó, đất nước còn nghèo, ai cũng phải tìm cách cải thiện kinh tế gia đình. Ba tôi thu xếp việc nuôi heo trong phòng bếp. Ông ngăn nhà ra và xây chuồng heo, quây tấm ri sắt của Mỹ nhưng khó nhất là tìm xi-măng. Ông đi Đắk Lắk thăm em là cô Bảy (Nguyễn Thị Thìn), công tác ở tỉnh này. Chồng cô Bảy là dượng Trần Trương, một cán bộ có tiếng ở tỉnh Đắk Lắk. Khi về Quy Nhơn, ba tôi mang theo một bao xi-măng có giấy đi đường của chủ tịch tỉnh Đắk Lắk ký, qua bao trạm kiểm soát thương nghiệp các tỉnh một cách nhẹ nhàng.
Nuôi heo được 8-9 tháng, ba má cân bán nguyên con cho người mua. Cả nhà có tiền ăn cải thiện 1-2 bữa là ba lại mua heo giống về tiếp tục nuôi. Việc nuôi heo của ba má tôi kéo dài hơn 10 năm, đến khi tôi lấy vợ thì mới chấm dứt.
Ba tôi nghỉ ở nhà được vài tháng thì tham gia hợp tác xã giữ xe của thị xã Quy Nhơn. Thị xã thành lập hợp tác xã để cán bộ nghỉ hưu giữ xe cho bệnh viện đa khoa tỉnh và tại Hội trường Quang Trung mỗi khi có hội họp hay hội diễn văn nghệ.
Thỉnh thoảng, ba tôi đi cạy vỏ cây về chất thành đống trong vườn trước nhà để làm chất đốt. Tôi biết ba thích làm việc có ích cho gia đình để vui sống vì ngồi không làm gì, ông không chịu được.
Tình thương của dượng Bảy
Như trên tôi đã nói về dượng Bảy, ông Trần Trương. Tôi gọi ông bằng chú theo cách gọi của trẻ con ngoài Bắc. Trước đó ông tập kết ra Bắc và lại đi B vào Nam năm 1965.
Năm 1973, dượng Bảy vượt Trường Sơn ra Bắc, ghé Nam Định thăm ba má tôi trước khi sang Quế Lâm - Trung Quốc chữa bệnh do ăn uống kham khổ trên mặt trận Tây Nguyên. Cổ quàng khăn rằn, vai đeo xà cột, chiếc đài nhỏ đeo bên hông, ông biếu má chiếc ô và một ví đầm hình cô gái Nhật Bản nháy mắt khi nghiêng qua - vật hiếm thời đó. Đi Trung Quốc về, ông còn ghé thăm ba má tôi, biếu mấy quả táo thật to.
Dượng Bảy có khuôn mặt kiên nghị, ánh mắt sáng tinh anh phúc hậu, cách nói chuyện lôi cuốn. Tôi rất yêu quý ông và ông cũng quý đứa cháu của mình.
Dượng Trần Trương và cô Nguyễn Thị Thìn Ảnh: TƯ LIỆU GIA ĐÌNH
Hè 1981, trước khi vào lớp 12, tôi được dượng Bảy đón đi du lịch cùng trong chuyến ra Đà Nẵng. Chiếc Peugeot 404 màu trắng có cả chiếc quạt nhỏ, người tài xế nụ cười luôn nở trên môi mời vào thăm nhà khi xe đi qua thị xã Quảng Ngãi. Trên đường đi, ông hỏi và đưa ra rất nhiều lời khuyên quý giá cho tôi.
Bốn năm sau, dượng Bảy viết thư xin tôi vào làm tại Công ty Ngoại thương Nghĩa Bình, sau khi tôi xuất ngũ và đi làm lơ xe ngót năm trời. 5 năm sau, ông lại viết thư gửi tổng giám đốc Tổng Công ty Nông thổ sản - Bộ Nội thương, xin tôi chuyển sang làm khi chia tách tỉnh Nghĩa Bình để tôi được gần ba má.
Bảy năm sau đó, dượng Bảy còn viết cho tôi bức thư 2 trang giấy A4 khi ông thăm ba má nhưng không gặp tôi. Đến bây giờ, mỗi lần đọc nhìn dòng chữ, tôi lại xúc động nhớ về ông, người đã dành cho tôi tình thương bao la, xem tôi như con ruột của mình.
Lo lắng mùa mưa bão
Những năm 1987-1989, đời sống còn khó khăn, căn nhà tôi khi trời mưa nước chảy qua mái tôn cũ dột thành dòng, tấm vải đi mưa được căng bốn góc màn hứng nước, chỗ nào dột lớn thì dùng thau nhựa. Nhưng sợ nhất là bão tháng 10. Khi nghe tin bão là ba chằng chống cửa bằng cây gỗ rồi cột chặt bằng dây thừng. Bên ngoài gió giật rít từng hồi, tiếng mấy tấm tôn rầm rập đe dọa tung mái, tiếng đập của cành dừa trước cửa vào nhau, sét đánh làm mất điện tối om. Cứ thế, cả gia đình sống lo lắng trong ngôi nhà không vững chắc nhiều năm ròng.
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ, ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)