Tôi theo dõi xuyên suốt loạt bài "Hiệp sĩ": Cần hay không? đăng trên Báo Người Lao Động và nhận thấy hiện vẫn còn nhiều điều băn khoăn, ái ngại.
Hiện nay, hành lang pháp lý vẫn chưa có qui định "hiệp sĩ" như thế nào. Khi chạm mặt với tội phạm, chính những người hiệp sĩ phải gánh chịu rủi ro nhất. Nếu lỡ gây ra thương tích hay tử vong cho đối tượng gây án, người xung quanh, thiệt hại về tài sản cho nạn dân, lúc này các "hiệp sĩ" phải tự chịu trách nhiệm về những hệ lụy dân sự hoặc hình sự.
Đây chính là thiệt thòi cho các "hiệp sĩ".
Clip phóng viên báo Người Lao Động theo chân “hiệp sĩ” bắt cướp ở Sài Gòn.
Thực tế cho thấy việc bảo vệ, phòng chống tội phạm là trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, không phải bất cứ lúc nào lực lượng công an cũng kịp thời phát hiện, ngăn chặn kịp thời những đối tượng phạm tội. Do đó, trong những tình huống như vậy thì vai trò của các "hiệp sĩ" đường phố ít nhiều đã đem lại những kết quả thiết thực. Đây là điều phải công nhận, không thể chối bỏ được.
Hiện nay vẫn chưa có chế độ chính sách theo luật định đối với "hiệp sĩ" ở TP HCM. Tuy nhiên, tôi cho rằng nhà nước cần hỗ trợ phù hợp nhằm ghi nhận và trân trọng những giá trị thực tế mang tính "nhân bản" của những "hiệp sĩ".
Trước tình hình thực tế vụ án vừa qua, tôi nhận thấy các cơ quan chức năng cần xem xét vai trò "hiệp sĩ" một cách thiết thực bằng việc cụ thể hóa hành lang pháp lý. Kể cả xây dựng chính sách tuyên truyền pháp luật cụ thể để các "hiệp sĩ", loại trừ tối đa những hệ lụy pháp lý rủi ro trong quá trình hành động phòng chống tội phạm.
"Hiệp sĩ" tóm gọi hai tên cướp.
Cơ quan công an cần có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ khẩn đối với các "hiệp sĩ" khi họ đối đầu với tội phạm. Cần một bộ qui tắc mẫu nhằm tuyên truyền - đề ra phương án để người dân cũng như các "hiệp sĩ" ứng xử với các tình huống khi phát hiện các nhóm đối tượng tội phạm gây án. Cơ sở này sẽ bảo đảm an toàn cho các "hiệp sĩ" yên tâm đóng góp, tránh những hậu quả đáng tiếc như vụ việc vừa qua.
Công an TP HCM vẫn còn băn khoăn việc khi lập các nhóm "hiệp sĩ" dẫn đến biến tướng, một vài cá nhân lợi dụng danh xưng này để trục lợi. Tuy nhiên, chỉ cần giám sát chặt, quản lý tốt thì không có gì phải ái ngại.
Cần lắm những "hiệp sĩ" trong thời nay, những con người đã không quản nguy nan sinh mạng, sẵn sàng dấn thân vào chốn nguy hiểm để "hành hiệp vì trượng nghĩa".
Tôi không có ý qui kết theo một khuynh hướng nào cả, chỉ mạo muội chia sẻ một góc nhìn về sự việc. Dù ở thời nào thì xã hội luôn cần những "hiệp sĩ" quả cảm.
Bình luận (0)