Mới đây, trên Quốc lộ 1 đoạn qua phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân, TP HCM), một thanh niên đi xe máy vì tránh một xe ba gác chở hàng cồng kềnh lưu thông ngược chiều, dẫn đến va chạm với xe tải và bị cán chết thương tâm.
Đây là một trong rất nhiều vụ tai nạn chết người vì xe ba, bốn bánh chở hàng cồng kềnh từng xảy ra thời gian qua.
"Máy chém" nghênh ngang trên đường
Xe trơ khung sắt, chở quá khổ, luồn lách từ đường lớn tới hẻm nhỏ... là hình ảnh dễ bắt gặp trên đường phố TP HCM. Ngày 15-10, tại khu vực trung tâm TP, chúng tôi ghi nhận hàng loạt xe ba, bốn bánh chở vật liệu xây dựng, tôn sắt, kính hoặc cọc sắt dài, nhọn…, che chắn sơ sài, thậm chí không hề che hay có dấu hiệu để cảnh báo nguy hiểm, chạy bạt mạng trên đường.
Theo sau một xe chở hơn chục tấm kính lớn trên đường Nguyễn Thị Minh Khai suốt từ góc đường Bà Huyện Thanh Quan - Võ Văn Tần (quận 3) đến cầu Thị Nghè (quận Bình Thạnh), chúng tôi nhiều lần không khỏi thót tim khi đi sau chiếc "máy chém" này. Những tấm kính lớn xếp chồng nhau theo chiều thẳng đứng, nhô hẳn cạnh sắc nhọn ra ngoài do vượt quá chiều dài thùng xe không hề được che chắn gì. Vậy mà tài xế vẫn cho xe chạy rầm rập, bóp còi inh ỏi, kèn cựa với những phương tiện khác trên đường. "Máy chém" này đi tới đâu, những phương tiện khác phải dạt ra tới đó vì sợ bị quẹt trúng.
Cùng ngày, trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1), một xe ba bánh chở hàng chục thanh sắt dài gấp 4 lần thùng xe, chạy nghênh ngang theo hướng về cầu Khánh Hội. Xe cũ, hàng nặng nên khi di chuyển, xe như "bò" trên đường, nhả khói đen ngòm và gằn lên âm thanh inh ỏi mỗi lúc tài xế rồ ga. Xe chạy tới đoạn khúc quanh trước công trình xây dựng nhà ga tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), do có rào chắn công trình, mặt đường bị thu hẹp, tài xế bẻ cua khiến các thanh sắt chắn ngang đường, hàng loạt phương tiện phía sau phải thắng gấp.
Tình trạng xe chở hàng cồng kềnh cũng phổ biến ở nhiều tuyến đường khác như Quốc lộ 13, Kha Vạn Cân, Tô Ngọc Vân (quận Thủ Đức); Phan Văn Trị, Quang Trung (quận Gò Vấp); Nguyễn Kiệm, Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận); Lê Quang Định, Nguyễn Xí, ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh)... Xe ba, bốn bánh chở hàng cồng kềnh tung hoành trên phố, luồn lách từ đường lớn đến hẻm nhỏ, dừng đậu bất kể vị trí nào trên đường nhưng không thấy lực lượng chức năng đến xử lý.
Xe chở nhiều tấm kính lớn cồng kềnh, không che chắn lưu thông trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, TP HCM)Ảnh: Gia Minh
Tăng cường tuần tra, kiểm soát
Một cán bộ thuộc Ban An toàn giao thông TP HCM cho biết dù đơn vị này đã nhiều lần phối hợp với các đơn vị liên quan như Công an TP HCM, chính quyền các địa phương... lên phương án chấn chỉnh, thu giữ những phương tiện không bảo đảm an toàn nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Theo vị cán bộ này, nguyên nhân của tình trạng trên là do nhu cầu sử dụng của người dân rất cao, loại phương tiện này có kích thước nhỏ gọn, di chuyển thuận lợi tại các tuyến đường hẹp, mức giá lắp ráp xe và mức giá thuê vận chuyển khá rẻ… Trong khi đó, ý thức chấp hành của người điều khiển rất thấp. Vì lợi nhuận, họ bất chấp an toàn của bản thân và người khác, chở hàng hóa cồng kềnh, phóng nhanh, vượt ẩu, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TP HCM, cũng nhìn nhận các loại xe tự chế thiết kế sơ sài, không bảo đảm an toàn kỹ thuật, không qua kiểm định của cơ quan chuyên môn nên khi lưu thông trên đường thường gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông. Thời gian qua, PC67 đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm nhưng cũng rất khó khăn bởi khi thấy CSGT, chủ phương tiện thường né tránh, đi vào các hẻm nhỏ.
Theo trung tá Phong, để chấn chỉnh tình trạng trên, PC67 đang phối hợp với chính quyền các quận, huyện trên địa bàn TP tiến hành rà soát những cơ sở sản xuất, chế tạo các loại phương tiện này, buộc hạn chế "sản xuất". Ngoài ra, PC67 sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, giải thích cho người dân thấy được sự nguy hiểm của loại phương tiện này, nhất là với những trường hợp chở hàng cồng kềnh như tôn, thép...
"Hiện nay các quận, huyện cũng đang có chính sách hỗ trợ người dân sinh sống trên địa bàn đang sử dụng các phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật chuyển đổi ngành nghề. Do đó, hiện loại phương tiện này lưu thông ngoài đường đã giảm xuống so với trước đây"- trung tá Huỳnh Trung Phong cho biết.
Trung tá Nguyễn Văn Bình, Đội trưởng Đội Tham mưu PC67, cho biết trong năm 2016 đã xử lý 8.287 trường hợp xe không bảo đảm an toàn kỹ thuật, chở hàng cồng kềnh, 10 tháng của năm 2017 xử lý 3.122 trường hợp.
Bình luận (0)