9 năm trước, chị Kim Thùy (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) đi làm với lương 5 triệu đồng/tháng, chồng chị 9 triệu đồng/tháng. Khi đó, họ nghĩ rằng chỉ cần có nhau là đủ.
Chông gai, thăng trầm
Cuộc sống gia đình vừa đủ và bình lặng trôi đi. Nhưng cuộc đời không đơn giản, tiền trọ, ăn uống, hiếu hỉ và bao thứ cần lo toang khác, nhất là khi đứa con đầu lòng của vợ chồng chị Thùy ra đời.
"Có con nhỏ, trăm thứ cần đến tiền. Khi đó, vợ chồng tôi bắt đầu hoang mang nhưng nghĩ mình còn trẻ, có trình độ nên cả hai cùng phấn đấu, người ta làm được thì mình cũng làm được, quyết bám trụ ở thành phố đến cùng" - chị Thùy nhớ lại.
Trong bối cảnh đó, chị Thùy đồng ý để chồng đi tàu biển (thủy thủ). Con nhỏ nay ốm mai đau, một mình chị chăm sóc. Nhiều lúc tủi thân vì chồng ở xa nhưng để tương lai tốt đẹp nên chị chấp nhận.
Chồng chị Thùy đi gần 1 năm, đem về hơn 150 triệu đồng. Họ vay thêm, mua căn hộ chung cư nhỏ ở ngoại ô TP HCM để xây tổ ấm và chăm sóc con tốt hơn. Chị đi làm nên nhờ nội, ngoại từ quê vào trông giúp con, còn chồng tiếp tục đi tàu.
"Tan làm ở công ty, tôi nhận làm thêm ngoài giờ. Ru được con ngủ là tôi bật dậy mở máy tính làm việc, con khóc thì vào giường dỗ. 7 năm "cày cuốc", tôi hạn chế chi tiêu nhất có thể. Lúc trả xong nợ ngân hàng, tôi quyết không để chồng đi tàu nữa vì con cần có ba ở bên cạnh" - chị Thùy kể.
Theo chị Thùy, khi chồng vào bờ, anh chị lại dành dụm bằng cách kiếm thêm thu nhập và giảm chi tiêu. Nhiều năm cùng nỗ lực, họ hài lòng về những gì đã có và lên kế hoạch sinh bé thứ hai. "Nếu không cùng cố gắng, cảm thông, hy sinh, vun vén cho gia đình thì chúng tôi không có được như hôm nay" - chị Thùy khẳng định.
Với chị Minh Trang và anh Trọng Bảo (quận Gò Vấp, TP HCM), họ gặp ngay khủng hoảng trong những năm đầu cưới nhau. Chị là phó phòng truyền thông, có gu thời trang khác hẳn với anh, một kỹ sư điện. Ba năm trước, khi được đề bạt lên vị trí cao hơn, công việc nhiều hơn, chị Trang bắt đầu sao nhãng, bỏ mặc việc nhà.
Minh họa: KHỀU
Vợ đi sớm về muộn, thường ôm máy tính làm việc đến khuya, ít quan tâm chồng con khiến anh Bảo cảm thấy chạnh lòng.
"Nhưng vợ chồng cãi nhau hoài thì chỉ thêm phiền muộn, chán ngán. Tôi bắt đầu tìm hiểu công việc của vợ, nói chuyện với vài đồng nghiệp thân thiết của cô ấy để hiểu hơn về người bạn đời của mình.
Từ đó, thay vì trách móc vợ bỏ bê gia đình, tôi chia sẻ, chăm sóc cô ấy hơn. Dần dần, chúng tôi nói chuyện nhiều hơn, không còn hiểu lầm như trước" - anh tâm sự.
Trong khi đó, cưới nhau đã 8 năm, anh Nguyễn Hoàng và chị Hạ Vy (quận 7, TP HCM) cũng từng cãi vã, hiểu lầm. Khó khăn nhất là khoảng thời gian anh kinh doanh thất bại, nợ một khoản tiền lớn, cùng lúc chị mang bầu con trai đầu lòng rồi bị động thai.
"Lúc đó, chồng tôi không nề hà bất cứ công việc lớn nhỏ nào, cố gắng làm việc, vỗ về tôi, còn dành làm cả việc nhà. Chúng tôi động viên nhau cố gắng vượt qua, trả nợ dần. Chuyện trôi qua đã lâu nhưng mỗi lần có dịp nhắc lại, tôi đều thấy tự hào về anh và hạnh phúc.
Nghĩ lại lúc khó khăn, nếu chúng tôi không thuận vợ thuận chồng , đồng lòng cùng nhau thì có lẽ giờ đã không được như vậy" - chị Vy thổ lộ.
Tương kính như tân
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Hải An, hôn nhân là một chặng đường dài, càng đi thì càng gặp chông gai. "Vợ chồng mâu thuẫn là điều không thể tránh. Bát đĩa còn có lúc sứt mẻ, vợ chồng thì không thể lúc nào cũng ngọt ngào. Chính cách cư xử mới là điều quan trọng trong mối quan hệ hôn nhân" - ông nhấn mạnh.
Ông An cho rằng thứ phá hủy hôn nhân thường được "ngụy trang" nên không dễ nhận ra. Thiếu sự cảm thông, thấu hiểu, ghen tuông, bị kinh tế chi phối... là nguy cơ tan vỡ nếu cả hai thiếu bản lĩnh và trách nhiệm.
Khi xảy ra tranh cãi, giữ bình tĩnh là khó nhưng vẫn phải tập làm chủ lời nói để tránh tổn thương nhau. Chìa khóa giải quyết mâu thuẫn vợ chồng là giao tiếp và chịu thỏa hiệp, thay vì cố cãi vã đến cùng; nên nói ít, lắng nghe đối phương nhiều hơn.
Theo chuyên gia tâm lý Phạm Kim Thoa, người chồng cần học cách lắng nghe, biết nhường nhịn; người vợ cần học cách ghi nhận, cảm ơn những gì chồng đã nỗ lực làm cho gia đình. Lúc cãi nhau, đừng khăng khăng là mình đúng, bạn đời sai.
Hãy đứng ở vị trí của nhau để nhìn nhận khách quan nhất. Hãy nói rằng: "Xin lỗi, cảm ơn anh/em, em/anh sẽ rút kinh nghiệm"; "Trong lúc bối rối, anh/em đã nặng lời, anh/em thành thật biết lỗi và mong em/anh đừng buồn lòng"... Như vậy cảm xúc tiêu cực mới mất đi, vợ chồng mới tìm được tiếng nói chung cởi mở, tôn trọng...
Chuyên gia Phạm Kim Thoa phân tích căn nguyên bất hòa hôn nhân là sự ích kỷ của vợ, chồng hoặc cả hai. Để tạo "chất keo" hôn nhân, vợ chồng cần dành nhiều thời gian bên nhau, nói ra hết tâm tư, suy nghĩ, bất an và mong muốn ở người bạn đời.
Đời sống vợ chồng có khuynh hướng bị bào mòn theo thời gian, nếu người trong cuộc không biết cách điều chỉnh nó. Vì vậy, hãy "tương kính như tân", thường xuyên bày tỏ rằng người kia làm đúng, rằng người bạn đời rất tuyệt vời. Cảm giác một người được người kia chọn rằng đây là người duy nhất đi đến hết cuộc đời, nên họ tận hưởng thời gian bên nhau và cũng dễ dàng bỏ qua lỗi lầm.
Bình luận (0)