Vợ chồng anh Nguyễn Văn Biên - chị Nguyễn Thị Dung (ngụ thôn 3, xã Đông Sơn, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) đã mất nhiều năm nghiên cứu, tiếp cận kỹ thuật nuôi trồng và đã thành công với mô hình nuôi trồng tảo xoắn spirulina. Bước đầu, Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Tảo Việt (HTX Tảo Việt) do vợ chồng anh làm chủ, đã cho ra đời nhiều sản phẩm giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe được người tiêu dùng Việt ưa chuộng.
Quyết định đúng đắn
Trước là giáo viên dạy môn hóa, đam mê tìm tòi, nghiên cứu nên vợ chồng anh biết rất rõ về giá trị dinh dưỡng mà tảo xoắn mang lại cho sức khỏe con người. Nhưng đến năm 2017, trong một lần trò chuyện với một người bạn ở Mỹ có kinh nghiệm nhiều năm nuôi trồng tảo xoắn, vợ chồng anh có thêm nhiều tài liệu quý về loại tảo thực phẩm này và có ý tưởng nuôi trồng. Nhờ người bạn này gửi cho một ít tảo xoắn làm giống, vợ chồng anh đã thực hiện nhân giống để nuôi trồng.
Lúc đầu, anh chị chỉ nuôi trồng trên diện tích nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu của gia đình, sau đó mới giới thiệu sản phẩm cho người thân, bạn bè dùng thử. "Dần dần, thấy sản phẩm này được nhiều người tin dùng, trong khi hầu hết các sản phẩm làm từ tảo xoắn bán tại Việt Nam đều nhập khẩu, chủ yếu từ Mỹ, Nhật nên vợ chồng càng có thêm động lực mở rộng quy mô sản xuất, nâng tầm sản phẩm để nhiều người Việt có thể tiếp cận được với loại thực phẩm quý này, phù hợp với túi tiền. Vì thế, gia đình quyết định đầu tư, mở rộng nhà xưởng để nuôi trồng, sản xuất tảo xoắn quy mô lớn hơn" - chị Dung nói về quyết định làm ăn lớn của vợ chồng mình.
Anh Nguyễn Văn Biên giới thiệu với phóng viên Báo Người Lao Động sản phẩm làm từ tảo xoắn tại HTX Tảo Việt
Để mở rộng sản xuất, hướng đến tạo ra sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, vợ chồng chị Dung thành lập HTX Tảo Việt. Từ quy mô có 100 m2 nâng lên 1.400 m2, cơ sở sản xuất Tảo Việt được đầu tư các thiết bị nuôi trồng, sản xuất công nghệ cao. HTX đã đầu tư hệ thống xử lý nước khoan ngầm bằng công nghệ RO; đầu tư hệ thống quy trình nuôi tảo ngoài trời bằng nhà kính, xây dựng hiện đại có đầy đủ trang thiết bị cần thiết, mái che bằng màng công nghệ Isael, xung quanh quây bằng lưới, có che nắng tự động, thông gió, quạt hút gió, hệ thống sục khí, ứng dụng công nghệ 4.0 trong khâu kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm.
"Việc nuôi trồng cũng rất đơn giản, đầu tiên là phân lập giống, chuẩn bị bể, nước (nước khoáng tự nhiên là tốt nhất), sục khí, sau đó thả giống. Quá trình thả giống không cần phải chăm sóc, cho ăn hay can thiệp gì. 20 ngày là cho thu hoạch. Quy trình khó nhất là công thức bù khoáng, để sản phẩm đạt chất lượng dinh dưỡng cao, mỗi một nguồn nước khác nhau sẽ được bù khoáng khác nhau. Cái này phải phân tích rất kỹ, xem nguồn nước nuôi trồng thiếu chất gì, cần bổ sung cái gì để chất lượng khoáng bảo đảm, từ đó tảo nuôi trồng sẽ cho chất lượng tốt nhất" - chị Dung đúc kết.
Với việc sản xuất theo quy trình khép kín từ nuôi trồng đến tạo ra sản phẩm, đến nay, HTX Tảo Việt đã cho ra đời các sản phẩm từ tảo spirulina, gồm: Tảo tươi nguyên chất, tảo bột khô, tảo khô ép viên, tảo spirulina mật ong, tảo đắp mặt nạ… Các sản phẩm đều được kiểm định, bảo đảm chất lượng trước khi đưa ra thị trường. Hiện HTX Tảo Việt còn là nơi cung ứng giống cho rất nhiều cơ sở nuôi trồng khác trong nước, đặc biệt HTX này là nơi duy nhất ở miền Bắc có thể nuôi trồng được tảo xoắn vào mùa đông.
Giúp người Việt dễ dàng có được
Từ việc nuôi trồng thành công loại "thực phẩm vàng" này, gia đình anh Biên - chị Dung đã xây dựng đề án "Ứng dụng khoa học công nghệ hoàn thiện quy trình nhân giống, nuôi trồng, thu sinh khối, chế biến tảo xoắn spirulina tại TP Tam Điệp"; được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình phê duyệt, công nhận là sáng kiến cấp tỉnh. Với đề án này, HTX Tảo Việt sẽ xây dựng khu nhân giống, nuôi trồng và thu hoạch theo công nghệ nhân giống cấp 2; hoàn thiện dây chuyền đóng gói sản phẩm thương phẩm dạng bột khô, ép viên và đóng gói sản phẩm tươi theo công nghệ tự động hóa.
Một góc khu nuôi trồng tảo xoắn của HTX Tảo Việt
Ngoài 1.400 m2 đang có, gia đình anh Biên - chị Dung đang tiếp tục đầu tư một khu nuôi trồng mới, quy mô 20.000 m2.
"Giá trị của tảo xoắn mang lại cho sức khỏe con người không phải bàn cãi nhưng với nhiều người Việt, sản phẩm này vẫn đang còn mới lạ, trong khi nhiều sản phẩm của tảo xoắn nhập từ nước ngoài về giá cao, thậm chí có nhiều sản phẩm còn bị làm giả. Bởi thế, vợ chồng tôi quyết tâm mở rộng quy mô, cho ra đời những sản phẩm tốt nhất, chất lượng nhất phục vụ người tiêu dùng Việt với giá thành hợp lý nhất" - anh Biên mong muốn.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Bình, việc ứng dụng thành công dự án sản xuất, chế biến tảo xoắn tại TP Tam Điệp có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp ngành nông nghiệp của tỉnh có thêm một sản phẩm hàng hóa mới, đặc trưng và có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm tảo xoắn với các địa phương trong cả nước; đồng thời, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho chính người dân địa phương.
Thực phẩm rất tốt cho sức khỏe
Tảo xoắn (tên khoa học là spirulina) do tiến sĩ Clement người Pháp phát hiện vào năm 1960 trong một chuyến đi đến hồ Tchad ở Trung Phi. Tảo xoắn sinh trưởng tự nhiên chủ yếu trong đại dương và các hồ nước mặn ở khu vực khí hậu cận nhiệt đới. Ngoài môi trường nước mặn, chúng cũng có thể sống trong môi trường nước ngọt.
Bên cạnh thành phần chủ yếu là đạm thực vật, giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa, tảo xoắn còn chứa nhiều vitamin E và các khoáng chất, không chứa đường, chất béo nên được xem là thực phẩm tối ưu giúp chống ôxy hóa, tăng cường sức mạnh cơ bắp, ngăn ngừa các bệnh tim mạch và phòng chống ung thư cùng nhiều bệnh khác.
"Đặc biệt, tảo xoắn có thể cung cấp tổng hợp các chất cần thiết cho cơ thể. Ví dụ, khi mình ăn rau, có loại rau bổ sung sắt, có rau bổ sung canxi, nhưng tảo lại bổ sung đồng thời tất cả các khoáng chất như sắt, canxi, kẽm... Cơ thể mình cần tới 18 axít amin, trong đó có 9 loại không thể tổng hợp được phải lấy từ bên ngoài nhưng với những cây trồng khác thì chỉ lấy được 1-2 loại axít amin, còn tảo xoắn lại có đồng thời cả 9 loại axít amin mà cơ thể không thể tổng hợp được" - chị Nguyễn Thị Dung khẳng định.
Bình luận (0)