Cận Tết, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng cao. Đây là cơ hội thích hợp để người làm ăn chuyên nghiệp lẫn không chuyên kinh doanh thực phẩm Tết.
Tự phát, chưa được quản lý
Những năm gần đây, nhằm né tránh tình trạng thực phẩm không an toàn, nhiễm hóa chất độc hại, người tiêu dùng có xu hướng chọn thực phẩm nhà làm để được an tâm. Mô hình kinh doanh này chủ yếu là tin tưởng nhau. Quá trình mua bán, khách phản hồi, người bán tiếp thu có chọn lọc để có những thay đổi phù hợp. Mặt hàng phong phú, "độc" lạ, được người quen "bảo chứng" về chất lượng, lại được đem đến tận nơi nên dù giá bán cao hơn so với giá thị trường vẫn được lựa chọn.
Tận dụng thói quen tiêu dùng này và lợi thế của thương mại điện tử, nhiều người lấy hàng của nhiều nơi không bảo đảm chất lượng, thực phẩm giả chứa các chất phụ gia không được phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép rồi nói là sản phẩm nhà làm để đánh lừa người tiêu dùng.
Thực phẩm được gọi là an toàn khi sản phẩm có đầy đủ các thông tin về nguồn gốc xuất xứ; nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất; ngày sản xuất và hạn sử dụng. Ngoài ra, sản phẩm phải bảo đảm dinh dưỡng, không nhiễm hóa chất, không gây ngộ độc, được chế biến bảo đảm vệ sinh…
Từ khâu chọn mua nguyên liệu, chế biến, đóng gói đến giao hàng phải được thực hiện bài bản, khoa học. Trong khi đó, hầu hết các cơ sở, hộ gia đình, cá nhân đều chế biến tự phát, quy mô nhỏ lẻ nên không chịu sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền.
Cán bộ an toàn thực phẩm kiểm tra tại chợ truyền thống TP HCM. Ảnh: AN NA
Cần có quy định cụ thể
Có một thực tế, phần lớn người bán thực phẩm trên mạng thường không đăng ký kinh doanh, các sản phẩm không dán tem mác, nơi sản xuất nên công tác kiểm tra, quản lý chất lượng sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Về phía người tiêu dùng, không ít người chưa thấy được trách nhiệm và quyền lợi của mình, còn cả tin và dễ dãi trước những lời quảng cáo.
Vì lẽ đó, nếu mua hàng qua mạng xã hội, người tiêu dùng cần phải tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, thông tin về người bán, xem xét nguồn gốc thực phẩm… Nên chọn mua thực phẩm đã được công bố, lựa chọn thực phẩm của các thương hiệu uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Quan sát kỹ thông tin trên bao bì thực phẩm (nơi sản xuất, ngày sản xuất, ngày hết hạn, thành phần, cách bảo quản sản phẩm…). Tuyệt đối không mua thực phẩm ở những Fanpage không có thông tin người bán, không có địa chỉ rõ ràng mà chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn…
Về phía cơ quan quản lý, dù là sản phẩm nhà làm hay cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình cũng cần có quy định về quy trình quản lý an toàn thực phẩm trên môi trường thương mại điện tử cũng như việc cung cấp hàng hóa online đến người tiêu dùng, để người sản xuất - kinh doanh tuân thủ.
Dĩ nhiên, quy định nhằm hạn chế rủi ro cho người dùng nhưng cũng phải tạo điều kiện thuận lợi để người dân làm ăn. Song song đó, tăng cường rà soát, kiểm tra các sàn thương mại điện tử, website, trang bán hàng online qua mạng xã hội... để xử lý kịp thời những vi phạm. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.
Lấy ý kiến sửa đổi luật
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương đang được giao chủ trì xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Trong đó, hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp thông tin, giao kết hợp đồng, tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng trong các giao dịch, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng.
Hiện dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đang được đăng tải để lấy ý kiến hoàn thiện.
Bình luận (0)