Thấy cảnh ấy, ai cũng xót xa. "Trời ơi! Mới lớp 6 mà cho cháu đi xe đạp điện làm gì?" - nhiều người đã lắc đầu nói.
Đây chắc chắn không phải là trường hợp đầu tiên vừa lên cấp 2 đã được cha mẹ "tậu" ngay xe đạp điện. Có người xem như phần thưởng để động viên, khuyến khích con. Có người mua xe để con bằng bạn bằng bè. Cũng có người muốn con đi lại cho tiện, không mệt khi phải gò lưng đạp xe đạp.
Cha mẹ vui vẻ giao xe cho con, nghĩ thế là xong. Quên mất con mới 11-12 tuổi, học lớp 6, chưa rành luật giao thông, đạp xe còn có lúc không làm chủ được tay lái huống gì là điều khiển xe đạp điện lướt nhanh như gió.
Nên thỉnh thoảng, người đi đường thót tim khi một chiếc xe đạp điện do học sinh điều khiển từ trong hẻm lao ra hay ngán ngẩm lắc đầu khi thấy 3, 4 cậu học trò nhỏ đua xe đạp điện vun vút trên đường mà nếu gặp một chướng ngại bất ngờ, một chút bất cẩn, tai nạn sẽ xảy ra.
Cha mẹ nào cũng thương con, muốn con có điều kiện tốt nhất có thể nhưng để tránh những rủi ro không đáng có, cha mẹ cần cân nhắc kỹ trước khi cho con chiếc xe đạp điện.
Bên cạnh những buổi tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, các trường cũng cần thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và có biện pháp hiệu quả hơn để hạn chế tình trạng học sinh nhỏ tuổi đi xe đạp điện, đặc biệt giám sát, kiểm tra việc không đội mũ bảo hiểm và chạy với tốc độ cao. Bởi theo quy định tại điều 31 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, người điều khiển xe đạp điện và người ngồi trên xe đều phải đội mũ bảo hiểm và cài quai đúng quy cách. Chỉ thị 04/CT-TTg cũng đã yêu cầu bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với học sinh, sinh viên, đặc biệt là học sinh từ 6 tuổi trở lên được người lớn chở trên xe máy, xe đạp điện.
Chỉ khi có sự phối hợp nhịp nhàng giữa gia đình và nhà trường thì mới bảo vệ an toàn cho học sinh khỏi những vụ tai nạn nghiêm trọng.
Bình luận (0)