Bạn đọc VĨNH LINH (Kon Tum):
Cần nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt
Trên các diễn đàn của các cơ quan truyền thông có rất nhiều ý kiến đặt vấn đề làm thế nào để chấn chỉnh tình trạng gây tiếng ồn trong khu dân cư; trong đó có biện pháp tăng cường xử lý bằng pháp luật, tăng các chế tài xử phạt.
Tôi đồng ý với quan điểm này. Bởi trên thực tế, nhiều vụ mâu thuẫn, thậm chí dẫn đến chết người do xung đột vì tiếng ồn, đã xảy ra nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.
Trong khi đó, các biện pháp giáo dục, thuyết phục, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt nếp sống mới, không gây tiếng ồn trong khu dân cư chưa phát huy hiệu quả. Thậm chí, nhiều nơi đưa vào tiêu chí gia đình văn hóa, hương ước, quy ước của khu dân cư nhưng vẫn không ngăn chặn, hạn chế được tình trạng tiếng ồn, âm thanh "khủng bố" liên tục diễn ra.
Vì vậy, nhằm giải quyết triệt để tình trạng tiếng ồn do âm thanh "khủng" từ hàng xóm, quán bar, karaoke ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt người dân, cơ quan chức năng phải tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt. Theo đó, sử dụng biện pháp bắt quả tang các hành vi vi phạm ngay tại hiện trường để xử lý, tương tự như các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Việc bắt quả tang hành vi này thật ra không khó, chỉ cần cơ quan chức năng ở cơ sở khi nhận tin báo của quần chúng kịp thời triển khai lực lượng đến chứng kiến và lập biên bản thì có thể xử lý được. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm các chế tài và nâng mức xử phạt đối với hành vi gây tiếng ồn quá mức quy định như tịch thu phương tiện, cấm hoạt động kinh doanh karaoke lưu động trong khu dân cư...
Những chiếc loa thùng đang trở thành “vấn nạn” về tiếng ồn đối với các khu dân cư Ảnh: Sỹ Đông
Bạn đọc TRẦN VŨ (Tây Ninh):
Cán bộ công chức phải làm gương
Tiếng ồn từ karaoke âm thanh lớn gây khó chịu với người dân sống trong khu dân cư; trong đó người lao động, học sinh, người già, người bệnh... là những đối tượng lẽ ra cần được yên tĩnh để nghỉ ngơi sau một ngày làm việc hay học bài, dưỡng bệnh... Hoặc các thành viên cần trao đổi với nhau trong bữa cơm gia đình, xem thời sự, các chương trình giải trí trên truyền hình... Nhưng không thể, chỉ vì tiếng ồn dội liên tục, át tất cả mọi âm thanh khác.
Nạn hát karaoke gây ồn ào không chỉ xảy ra ở nhà dân mà có khi vui quá, một số cán bộ chính quyền, đoàn thể ở khu phố khi được mời, cũng tham gia hát karaoke. Do vậy, họ không thể mạnh tay xử lý vi phạm hành chính đối với cá nhân vi phạm quy định về tiếng ồn trong khu dân cư.
Theo tôi, lãnh đạo khu phố, trưởng công an khu vực, trưởng các ngành, đoàn thể, cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) đương chức sống ở khu dân cư phải gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh, không tổ chức hoặc tham gia hát karaoke với âm thanh lớn và không kéo dài quá 22 giờ.
Bên cạnh đó, cấp có thẩm quyền phải mạnh tay đánh giá CB, CC, VC theo Luật CB, CC ở mức không hoàn thành nhiệm vụ do thiếu trách nhiệm hoặc thiếu gương mẫu trong việc chấp hành nếp sống văn minh ở khu dân cư; phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP nếu vi phạm. Mặt khác, không xem xét danh hiệu khu phố đạt chuẩn văn hóa trong năm do không thực hiện tốt nếp sống văn minh đô thị và Quy chế dân chủ ở cơ sở, quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Bạn đọc QUỐC TRÂN (quận 5, TP HCM):
Cộng đồng xã hội phải lên tiếng mạnh mẽ
Nhà tôi nằm trong con hẻm trên đường Nguyễn Trãi (quận 5, TP HCM), mỗi tối, những chiếc loa thùng ở các cửa hàng thời trang trên cung đường này phát ra âm thanh chát chúa, dội vào nơi chúng tôi sống. Hẻm nhỏ, hầu hết các nhà đều dùng tường chung nên karaoke trở thành nỗi ám ảnh. Chưa hết, kế nhà tôi là một nhà hàng. Đêm xuống, khách ngà say thay nhau hát, gia đình tôi hết ngày này đến ngày nọ bị tra tấn bởi giọng ca "đắp mộ cuộc tình"… Giường ngủ, bàn ghế rung lắc theo tiếng nhạc chát chúa mà bên kia vách tường là những vị khách nhảy nhót hết cỡ.
Theo tôi, đây chính là vấn nạn mà nguy cơ của nó sẽ trở thành "quốc nạn" bởi sự thiếu kiên quyết của chính quyền. Karaoke không có lỗi, nó là một loại hình giải trí lành mạnh nhưng khi người sử dụng thiếu ý thức thì trở thành dụng cụ "tra tấn" mọi người, là sự xuống cấp văn hóa. Đã đến lúc cộng đồng xã hội phải lên tiếng mạnh mẽ. Đặc biệt, cơ quan soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật phải xem xét lại các quy định về xử lý tiếng ồn nơi khu dân cư để bổ sung, thậm chí sửa đổi nhằm việc thực thi pháp luật được nhanh chóng, thuận lợi, hiệu quả; chính quyền phải quyết liệt vào cuộc, xem đây là vấn đề lớn, vi phạm đến quyền được sống trong môi trường an toàn, trong lành của người dân. Phải bắt tay vào làm ngay, đừng nói nữa! Bởi không gì là không thể, chỉ có muốn hay không muốn làm mà thôi.
Quy trách nhiệm cho người đứng đầu
Hầu hết ý kiến bạn đọc đều cho rằng tiếng ồn karaoke ở khu dân cư đã gây ra nhiều phiền toái, hệ lụy; mong muốn các cấp có thẩm quyền giải quyết nhanh và triệt để: tăng mức phạt, tịch thu phương tiện, thậm chí xử lý hình sự nếu vi phạm nhiều lần.
"Triệt kraoke mà phải kèm theo máy đo tiếng ồn thì bao giờ mới dẹp được? Không cần quy định độ ồn bao nhiêu decibel. Cứ dân khiếu nại bị làm phiền do ca hát mở loa lớn, gây ồn là phạt nặng thì những kẻ gây huyên náo sẽ ngán" - bạn đọc Trần Gia nêu ý kiến.
Bạn đọc L.H thông tin: "Ở nước ngoài, ai để nhạc hay tiếng ồn của nhà mình bị nhà hàng xóm nghe là đã đủ điều kiện bị xử lý. Rất đơn giản, vì một khi để âm thanh lọt vào nhà hàng xóm thì đó không còn là chuyện riêng trong gia đình của mình".
Nhiều bạn đọc cho rằng giải quyết tiếng ồn trong khu dân cư không khó, cứ quy trách nhiệm chủ tịch phường, trưởng công an phường. "Phải thừa nhận do sự yếu kém của chính quyền địa phương. Nếu quản lý bài bản, luôn tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý thì đã không có những trường hợp này xảy ra. Thế cho nên, ở đâu xảy ra tiếng ồn trong khu dân cư mà dân khiếu nại thì xử lý ngay người đứng đầu địa phương. Bảo đảm chỉ trong thời gian ngắn là giảm ngay nạn tra tấn người khác bằng tiếng ồn" - bạn đọc V.Hưng đề xuất.
V.Thư
Bình luận (0)