Điểm nhấn đầu tiên của dự thảo NĐ là việc sáp nhập một số sở, ngành có chức năng tương tự nhằm tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối như sáp nhập Sở Tài chính và Sở Kế hoạch - Đầu tư để thành lập Sở Kế hoạch - Tài chính, sáp nhập Sở Xây dựng và Sở Giao thông Vận tải (gồm cả Sở Quy hoạch Kiến trúc, nếu có) để thành lập Sở Hạ tầng và Phát triển đô thị.
Điểm nhấn tiếp theo là dự thảo NĐ quy định cụ thể, khống chế đơn vị cấp phòng, chi cục và chức danh lãnh đạo, quản lý ngay trong các đơn vị ấy. Do quy định hiện hành không quy định cụ thể số đơn vị cấp phòng, chi cục, đơn vị sự nghiệp mà giao cho bộ, ngành chủ quản phối hợp với Bộ Nội vụ quyết định nên dẫn đến tùy tiện trong việc thành lập các đơn vị trực thuộc làm phình to bộ máy.
Mặt khác, việc giao UBND cấp tỉnh quy định số lượng chức danh cán bộ cấp phòng trở xuống dẫn đến bổ nhiệm hàng loạt cán bộ lãnh đạo, quản lý gây bức xúc trong xã hội. Minh chứng là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương có đến 44 người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý trong khi chỉ có 46 biên chế.
Dự thảo NĐ này đã khắc phục tình trạng trên khi quy định phòng thuộc sở hoặc chi cục có từ 5-10 biên chế mới được bổ nhiệm 1 phó phòng; phòng từ 10 đến 15 biên chế mới được bổ nhiệm 2 phó phòng và một đơn vị cấp phòng có không quá 2 chức danh phó phòng.
Theo chúng tôi, cần quy định thêm việc sáp nhập Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Khoa học và Công nghệ để thành lập Sở Công nghệ và Thông tin vì chức năng nhiệm vụ của các đơn vị này khá tương đồng; có thể sáp nhập Sở Ngoại vụ với Sở Du lịch trong trường hợp một địa phương đủ điều kiện thành lập cả 2 sở này để thành lập Sở Ngoại vụ và Du lịch, thậm chí có thể nhập Sở Tài nguyên và Môi trường với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thành lập Sở Tài nguyên và Nông nghiệp... Ngoài ra, hạn chế tối đa việc thành lập chi cục ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh vì đây là nguyên nhân làm bộ máy, biên chế phình to.
Để việc triển khai NĐ đạt kết quả khi được thông qua, các cơ quan thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản tạm dừng việc luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ, công chức để ngăn ngừa tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy bổ nhiệm trước khi NĐ này có hiệu lực thi hành.
Bình luận (0)