Lúc này, hơn 30 người cũng chờ đi xem đất. Một chiếc ôtô lớn chở chúng tôi đến khu đất hoang vắng có phân chia từng nền, chưa làm đường, không có điện nước thuộc tỉnh Bình Phước. Nhân viên tư vấn cho biết đang chờ tách sổ từng nền, huy động vốn đầu tư hạ tầng nên mới bán rẻ. "Khách hàng cứ yên tâm đầu tư không bao giờ lỗ, bên em cam kết lợi nhuận cho khách hàng ít nhất 15% trong 3 tháng và 30% trong một năm đối với giá trị lô đất" - nhân viên tư vấn thuyết phục rồi trưng ra hợp đồng mẫu. Vài người tỏ ra phân vân nhưng vẫn đặt cọc.
Một khách hàng khác có vẻ am hiểu lĩnh vực bất động sản (BĐS) muốn được cung cấp hồ sơ pháp lý liên quan như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chủ trương chấp thuận đầu tư, quyết định phê duyệt dự án, thỏa thuận cho phép đấu nối hạ tầng giao thông và điện nước, quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500… Thế nhưng, nhân viên tư vấn chỉ hẹn sẽ gửi khách hàng xem sau. Tôi nghi ngờ nên sử dụng điện thoại lên mạng tra cứu thông tin. Liên hệ chính quyền địa phương thì được biết trên địa bàn chưa có dự án BĐS được chấp thuận chủ trương đầu tư. Sau đó, cán bộ địa chính xuống kiểm tra lập biên bản, những người tự xưng chủ dự án phải trả lại tiền đặt cọc cho khách hàng.
Dự án "ma" tương tự như trên còn xuất hiện rất nhiều nơi ở tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… Tại TP HCM, phần lớn "dự án ma" xuất hiện ở các quận, huyện vùng ven như quận 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức, huyện Hóc Môn… Chính quyền địa phương nhiều nơi cắm bảng cảnh báo thì liên tục bị lén nhổ đi trong khi nhiều người không biết thông tin các dự án "ma" nên vẫn đến xem, tin lời giới thiệu từ nhân viên tư vấn và mua đất.
Thời gian qua, nhiều trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi bán dự án "ma" không chỉ là bài học cho cơ quan quản lý nhà nước mà ngay cả người dân cũng cần thận trọng, tránh bị lừa. Khi tham gia đầu tư BĐS phải tìm hiểu kỹ hồ sơ pháp lý để không rơi vào cảnh mất vốn vì bị lợi dụng tâm lý muốn làm giàu nhanh. Hãy cẩn trọng và chủ động tự bảo vệ mình bằng cách yêu cầu chủ đầu tư, bên bán đất cung cấp các hồ sơ pháp lý liên quan đến dự án. Trước khi giao dịch nên đến cơ quan chức năng hoặc liên hệ chính quyền địa phương để biết thông tin chính xác về dự án BĐS, không nên chỉ nghe lời giới thiệu một phía từ nhân viên tư vấn.
Ngoài ra, đã đến lúc cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý chặt hơn các loại hình phân lô bán nền, xử lý đích đáng các trường hợp lừa đảo, đăng tin sai lệch trong hoạt động môi giới nhà đất. Hơn nữa, công khai các quy hoạch liên quan đến những dự án BĐS cùng với tình trạng pháp lý, chủ đầu tư để người dân có thể truy cập tìm hiểu thông tin. Đồng thời, cảnh báo tại hiện trường để người dân không bị lừa, có thể gắn camera theo dõi và quản lý chặt hơn với khu đất bị lén nhổ bảng cảnh báo.
Bình luận (0)