Là lao động chính nuôi gia đình gồm 9 người, hơn 4 tháng qua anh Nguyễn Ngọc Thành (ngụ phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) thất nghiệp, cả gia đình rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn khi tiền tích lũy cạn dần. Dù đã được nhận tiền và thực phẩm cứu trợ từ UBND TP và UBND quận nhưng do gia đình đông người nên cũng chỉ dùng đủ vài ngày.
Trụ sở phường thành kho chứa thực phẩm
Chiều 21-8, UBND phường Bình Hưng Hòa nhận được điện thoại xin được tiếp tục hỗ trợ của anh Thành, ngay sáng hôm sau, bảo vệ dân phố đã có mặt gửi trứng, mì gói, nước mắm và 10 kg gạo cho gia đình anh Thành. Đây là nguồn thực phẩm do UBND phường vận động từ các nhà hảo tâm.
"Trụ sở UBND phường giờ thành kho chứa thực phẩm. Trung bình 2-3 ngày cán bộ phường chở 2.240 suất quà với nhiều tấn gạo kèm rau củ quả hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn phường" - một lãnh đạo phường Bình Hưng Hòa nói.
Trước tình hình thành phố tiếp tục giãn cách, UBND quận Bình Tân đã tổ chức dán thông báo kèm số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin và phản ánh về an sinh xã hội để người dân biết. Mỗi con hẻm, khu vực phong tỏa được ghi cụ thể thông tin trưởng khu phố, chủ tịch UBND phường. Khi người dân cần thực phẩm gọi điện thoại, lực lượng tình nguyện viên và cán bộ phụ trách sẽ hỗ trợ túi thực phẩm. Riêng trong buổi sáng 22-8, Hội Chữ thập đỏ quận đã hỗ trợ 750 đơn thuốc cho 10 phường để phát cho bệnh nhân F0 đang cách ly tại nhà với trị giá mỗi đơn thuốc là 80.000 đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, UBND quận Bình Tân đã vận động các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân hỗ trợ, chăm lo với tổng số tiền gần 90 tỉ đồng. Đã có 5.100 chủ nhà trọ đồng ý giảm giá tiền và tặng nhu yếu phẩm cho người thuê.
Cũng theo quận Bình Tân, từ ngày 15-8 đến nay, Trung tâm Tiếp nhận và Hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch Covid-19 quận Bình Tân (Trung tâm) đã điều phối về các phường 62.737 phần quà. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu; tiếp tục vận động quỹ "Vì người nghèo" của quận; tập trung chăm lo cho các khu vực bị phong tỏa, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, đặc biệt là khu nhà trọ có đông công nhân, hộ khó khăn ở sâu trong các tuyến hẻm; lập danh sách và theo dõi các hộ được chăm lo theo từng đợt nhằm không để sót lọt hộ cần chăm lo và không trùng lắp đối tượng chăm lo…
Anh Nguyễn Ngọc Thành, ngụ phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, nhận thực phẩm hỗ trợ từ UBND phường (Ảnh: Lê Phong)
Đội phản ứng nhanh phát huy tác dụng
Tại quận 12, ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND quận, cho biết trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, quận đã có nhiều mô hình thiết thực nhằm giúp đỡ, chăm lo cho người dân, người lao động gặp khó khăn.
Đặc biệt mô hình phản ứng nhanh đã phát huy được tác dụng, kịp thời hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Cụ thể, nhận được phản ánh của người dân qua đường dây nóng, Đội phản ứng nhanh quận 12 sẽ phân phối về UBND các phường nơi có phản ánh của người dân, từ đó lãnh đạo phường triển khai cho cán bộ, khu phố xác minh, hỗ trợ người dân.
"Sau khi tiếp nhận, thông tin sẽ được chuyển về tổ an sinh xã hội, liên quan đến tổ nào, khu phố nào thì nơi đó xác minh nhanh. Nếu đúng như phản ánh thì sẽ trợ giúp kịp thời, còn không đúng thì giải thích cho người dân hiểu và phản hồi lại nơi cung cấp thông tin. Bên cạnh đó, chúng tôi còn vận động người dân nếu biết trường hợp nào khó khăn cần trợ giúp thì liên hệ tổ trưởng, cảnh sát khu vực để bảo đảm không bà con nào bị bỏ lại phía sau. Ngoài ra, để công việc thuận tiện, phường Đông Hưng Thuận còn triển khai nhanh qua mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber nhằm tiếp nhận nhanh nhất và xác minh kịp thời nhất" - ông Lâm Quân Minh Vương, Chủ tịch UBND phường Đông Hưng Thuận, quận 12 thông tin.
Còn theo thiếu tá Nguyễn Ngọc Đặng, cảnh sát khu vực khu phố 5, phường Đông Hưng Thuận, bên cạnh tiền hỗ trợ theo quy định, công an phường còn vận động nhà hảo tâm hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho những người bị mất thu nhập, người già, người khuyết tật trên địa bàn.
Trong khi đó, tại huyện Hóc Môn, bà Mai Thị Ngọc Dung, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hóc Môn, cho biết tính đến ngày 20-8, thống kê toàn huyện có 55.790 trường hợp cần hưởng chính sách hỗ trợ theo chỉ đạo của UBND TP. Trong đó phần lớn là lao động tự do không ký kết hợp đồng lao động với khoảng 53.400 người, 3.403 hộ nghèo, cận nghèo, còn lại là người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động không hưởng lương, hộ kinh doanh dừng hoạt động… Để hỗ trợ kịp thời cho người dân, huyện đã tạm ứng ngân sách của huyện. Đến nay, huyện Hóc Môn đã giải quyết chi hỗ trợ cho 52.125 trường hợp (đạt 93%) với số tiền khoảng 78,8 tỉ đồng. Các trường hợp còn lại, huyện tiếp tục chi hỗ trợ trong thời gian sớm nhất.
Tương tự, tại huyện Củ Chi, tính đến ngày 20-8, huyện đã tạm ứng ngân sách của huyện chi hỗ trợ đợt 2 (Nghị quyết 09 của HĐND TP) cho 35.332 trường hợp là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ lao động nghèo, lao động tự do gặp khó khăn do dịch bệnh trên địa bàn huyện, tổng số tiền 43,22 tỉ đồng. Tỉ lệ chi đạt 100%.
Tôi mừng quá
Thường trú ấp 5, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, bà Lương Thị Sú làm nghề mua ve chai để nuôi 2 cháu nhỏ. Mấy hôm trước, bà Sú được nhận 1,5 triệu đồng tiền hỗ trợ từ thành phố. Cách đó 1 tháng, bà Sú cũng đã nhận được tiền hỗ trợ lần 1.
"Nghỉ mua ve chai, không có tiền trang trải cuộc sống, nhận được tiền, tôi mừng quá mua liền 10 kg gạo, dầu ăn, trứng… để dành cho 2 đứa cháu. Cám ơn thành phố đã quan tâm đến những người khó khăn như tôi trong dịch bệnh" - bà Sú nói.
Bình luận (0)