Tình trạng thiếu công viên cây xanh (CVCX) đang hiện hữu ở nhiều khu vực nội đô của TP.
Đỏ mắt tìm công viên
Được xem là quận có số dân đông nhất và diện tích cũng thuộc loại lớn nhất nhì TP nhưng đến nay, quận Bình Tân không có CVCX nào, dù vẫn còn nhiều khu đất rất lớn đang bỏ hoang (ví dụ khu đất công rộng gần 2.700 m2 tại 574 Kinh Dương Vương, phường An Lạc; khu đất hơn 2.500 m2 gần ngã ba Tên Lửa - Kinh Dương Vương, khu đất phía trước khu dân cư Bắc kênh Lương Bèo được quy hoạch mảng xanh để ngăn cách với khu công nghiệp nhưng bỏ trống…).
Được biết, quy hoạch quận này có CV tập trung thuộc Tiểu khu 3, khu dân cư Bình Trị Đông với tổng diện tích 47 ha nhưng đến nay chưa được xây dựng. Nhiều người dân quận Bình Tân mà chúng tôi gặp cho biết nhiều năm qua, họ chưa từng đi chơi CV bởi vào nội thành thì xa mà ở địa phương thì tìm đỏ mắt cũng không thấy CV nào.
Phần lớn diện tích đất của khu B Công viên 23 Tháng 9 bị nhà hàng, quán cà phê… chiếm dụng
Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết chủ đầu tư dự án CV 47 ha ở khu dân cư Bình Trị Đông vẫn đang thực hiện việc bồi thường cho các hộ dân nên chưa thể xây dựng CV. Đối với khu dân cư Bắc kênh Lương Bèo, phần đất phía đối diện đường số 7 nối dài thuộc phần mở rộng lộ giới và hành lang kênh rạch mới được chủ đầu tư bàn giao cho quận năm 2017. Vừa rồi, UBND quận đã đề nghị Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP đầu tư thành mảng xanh và đã được đồng ý.
Tương tự, nhiều quận ở TP có mật độ dân cư cao nhưng cũng thiếu CVCX như quận 2, 4, 8, 9, Thủ Đức, Bình Thạnh... Thậm chí có những quận dù có quy hoạch CV với diện tích hàng chục hecta nhưng vẫn chưa thể xây dựng. Điển hình, tại quận Gò Vấp, CV Văn hóa Gò Vấp rộng 37 ha đã được quy hoạch từ năm 2001, đến nay vẫn còn nằm trên giấy. Ngay cả huyện Củ Chi có quỹ đất lớn nhưng dự án CV Sài Gòn Safari cũng "bất động" hơn chục năm qua.
"Phường Thảo Điền (quận 2) được coi là khang trang, cơ sở hạ tầng xây dựng khá đồng bộ, người dân sinh sống và làm việc đông nhưng không có nổi một CV đích thực. Mỗi lần dẫn con đi chơi, tôi phải chạy qua Thảo Cầm Viên hoặc CV Tao Đàn nên cũng không đi thường xuyên được. Theo tôi, mỗi quận nên quy hoạch ít nhất 1 CVCX để người dân có chỗ vui chơi, thư giãn vào cuối tuần" - chị Lan Anh (ngụ phường Thảo Điền) đề nghị.
Trả lại đúng chức năng cho công viên
Theo quy hoạch CVCX TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, chỉ tiêu cây xanh khu vực 13 quận nội thành là 2,4 m2/người, khu vực nội thành mở rộng là 7,1 m2/người, còn khu vực ngoại thành là 12 m2/người. Tuy nhiên, mật độ cây xanh công cộng trên địa bàn thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn quy định (nội thành chỉ đạt 0,8 m2/người).
Đáng lưu ý hơn là nhiều nơi không có CVCX nhưng ngay cả nơi may mắn có được, người dân cũng không thể thoải mái tản bộ, thể dục hoặc thư giãn, vui chơi do phần lớn diện tích đất CVCX bị hàng quán, bãi giữ xe lấn chiếm, bị cho thuê tổ chức hội chợ, triển lãm, khu vui chơi có thu tiền… Đơn cử là các CV: Phú Lâm, Lê Văn Tám, Lê Thị Riêng, Gia Định, 23 Tháng 9…
Theo ghi nhận sáng 2-8, CV 23-9 hiện đang bị chia cắt bởi các hạng mục từ nhà hàng, beer club đến quán cà phê. Tại khu B, có 2 tòa nhà là trụ sở của Chi cục QLTT và Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Phía sau 2 trụ sở này và khu vực sân khấu Sen Hồng là bãi giữ xe. Khu C hiện là bến xe buýt với hàng ngàn lượt ra vào mỗi ngày; khu A bị cắt một phần đất xây dựng nhà ga tuyến metro số 1. Nhìn từ trên cao, CV 23 Tháng 9 bị biến dạng bởi mật độ cây xanh bị teo tóp trong khi phần bê-tông hóa thì quá nhiều.
Theo Sở GTVT TP HCM, CV 23 Tháng 9 có diện tích 109.255 m2. Do CV chưa có quy hoạch chi tiết dẫn đến việc sử dụng kinh doanh khai thác mặt bằng tùy tiện; quản lý chồng chéo, manh mún và thiếu kiểm soát. Trong đó, khu B với khu mua sắm, ăn uống, dịch vụ đã làm thay đổi công năng của CV, gây ùn ứ giao thông.
Tại cuộc họp báo về kinh tế - xã hội tháng 7 chiều 2-8, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP, khẳng định lại quan điểm của TP là đến ngày 30-4-2019 phải kết thúc tất cả hoạt động cho thuê mặt bằng ở CV 23-9. Ông Hoan nhấn mạnh các cơ sở hạ tầng của cơ quan nhà nước phải làm gương, chấp hành nghiêm túc. Riêng trạm thông tin du lịch vẫn giữ nguyên để phục vụ du khách. Cũng theo ông Hoan, khu vực CV 23 Tháng 9 sẽ được thiết kế thành khu vực đi bộ, tạo cảnh quan phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân TP.
Đã làm xong nền quy hoạch công viên
Theo ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, CVCX ở TP đang rất thiếu, hiện Sở GTVT đã làm xong nền quy hoạch CV trên toàn địa bàn TP và chuyển Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định, sau đó sẽ trình UBND TP thông qua và áp dụng. Đối với những CV đã có quy hoạch, sở cũng đã có lộ trình thực hiện đến năm 2019.
Bình luận (0)