xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trao đổi với tác giả bắt lỗi "Thành ngữ bằng tranh"

KHÔI NGUYÊN

Lời Tòa soạn: Sau khi đăng loạt bài "Thành ngữ bằng tranh: Quá nhiều sai sót" (3, 4, và 5-5-2021; tác giả Hoàng Tuấn Công), Báo Người Lao Động nhận được bài trao đổi của bạn đọc Khôi Nguyên. Trên tinh thần tôn trọng và cổ vũ tranh luận học thuật, Tòa soạn giới thiệu ý kiến của tác giả Khôi Nguyên.

Với suy nghĩ của một người viết ít nhiều cho văn học thiếu nhi, cũng như vai trò của một phụ huynh quan tâm đến các ấn phẩm giá trị dành cho các con của mình, tôi xin có thêm một số trao đổi về nội dung cuốn sách "Thành ngữ bằng tranh" do tác giả Nguyễn Thị Hường Lý biên soạn, Nhà Xuất bản Kim Đồng phát hành năm 2020, và nội dung loạt bài của tác giả Hoàng Tuấn Công trên Báo Người Lao Động.

Trao đổi với tác giả bắt lỗi Thành ngữ bằng tranh - Ảnh 1.

Bìa sách

"Thành ngữ bằng tranh", như đúng tên gọi, gồm khoảng 300 câu thành ngữ, ngoài nội dung diễn giải về ý nghĩa, còn có thêm phần biên soạn của tác giả giải thích về nguồn gốc, điển tích của từng câu thành ngữ, và được minh họa hết sức sống động bằng các tranh vẽ. Cuốn sách, không biết được các độc giả nhí và phụ huynh khác đón nhận như thế nào, riêng con tôi thì đọc rất say sưa và thích thú.

Bất cứ tác giả nào đã từng viết cho thiếu nhi đều hiểu được sự khó khăn vô cùng khi dùng câu chữ, cách diễn đạt để chinh phục lớp đối tượng độc giả đặc biệt này. Thể loại văn học cho thiếu nhi đã khó, đối với thể loại giáo khoa có phần học thuật cho các em càng khó hơn gấp nhiều lần. Tuy nhiên, với "Thành ngữ bằng tranh", tác giả biên soạn đã dùng một văn phong hết sức dễ hiểu, gần gũi và đơn giản kết hợp với các tranh vẽ theo phong cách hí hoạ vui tươi, khiến cả một tập sách dày 327 trang truyền tải được rất nhẹ nhàng nội dung của hơn 300 câu thành ngữ khô khan khó hiểu đối với các em, như dẫn dắt các em vào một cuốn truyện tranh nhiều tập, tạo được sự hấp dẫn, lý thú, lôi cuốn và dễ dàng đi vào tâm trí các bạn đọc nhỏ tuổi. Đó thực sự là thành công của tác giả biên soạn và nhà xuất bản, khi đã lựa chọn được cách thức tiếp cận rất phù hợp với tâm lý và lứa tuổi bạn đọc thiếu nhi, là đối tượng độc giả chính của cuốn sách.

Tuy vậy, với loạt bài của tác giả Hoàng Tuấn Công, trong đó nêu ra các sai sót của cuốn sách trong phần tìm hiểu từ ngữ điển tích (theo quan điểm của Hoàng Tuấn Công), có thể sẽ làm cho các độc giả chưa thực sự tiếp cận cuốn sách này không tránh khỏi hoang mang và có suy nghĩ sai lệch...

Với đối tượng độc giả là các em thiếu nhi, nếu giải thích các câu thành ngữ bằng một phương pháp học thuật nặng nề khô khan, tầm chương trích cú, gần như truy nguyên mọi từ bằng Hán tự như cách diễn giải của tác giả Hoàng Tuấn Công, sẽ không phù hợp và khó có thể lôi cuốn hấp dẫn các em được, trong khi "Thành ngữ bằng tranh" hoàn toàn không phải là một cuốn từ điển. Chưa kể, đối với nội dung rất lý thú của cuốn sách là tìm hiểu và giải thích từ ngữ điển tích, mỗi người đều có thể có cách giải thích khác nhau, như khá nhiều tài liệu khoa học tin cậy mà tôi sẽ dẫn chứng sau đây.

Về bản chất, thành ngữ là một thể loại văn chương dân gian truyền khẩu, với cách nói bóng bẩy, tinh tế gồm cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Vì vậy, việc giải thích nguồn gốc của thành ngữ suy cho cùng cũng chỉ mang tính suy diễn, phỏng đoán dựa trên các cơ sở văn liệu, phong tục tập quán của mỗi vùng miền. Ngay cả trong loạt bài của tác giả Hoàng Tuấn Công, khi lập luận chỉ ra các sai sót của cuốn sách, một số câu cũng hoàn toàn mang tính suy diễn, phỏng đoán như vậy.

Chẳng hạn, tác giả Hoàng Tuấn Công cho rằng câu "Chỉ đâu đánh đó" là dị bản rút gọn của câu "Thiên Lôi chỉ đâu đánh đó" mà không có cơ sở dẫn chứng khoa học tin cậy nào! 

Trao đổi với tác giả bắt lỗi Thành ngữ bằng tranh - Ảnh 2.

Trang giải nghĩa "Nuôi báo cô"

Hoặc tác giả Hoàng Tuấn Công cho rằng câu "Nuôi báo cô" chính xác phải là "Nuôi bảo cô" cũng thiếu cơ sở thuyết phục. "Việt Nam từ điển" do Lê Văn Đức biên soạn, bản in của Nhà Xuất bản Khai Trí năm 1970 giải thích nghĩa của cả hai từ này khác nhau: "Báo: hại, nhiễu, làm hư hại, hao tổn, phiền phức", "Báo cô: ăn hại, sống nhờ kẻ khác mà không làm được việc chi cho người", "Bảo: Giữ gìn, che chở, gánh trách nhiệm, nuôi dưỡng", "Bảo cô: Nuôi dưỡng, thuốc thang cho người bị mình làm cho mang bệnh, theo luật xưa". "Từ điển Tiếng Việt" của Viện Ngôn ngữ học do GS Hoàng Phê chủ biên, bản in của Nhà xuất bản Từ điển Bách Khoa năm 2012 có giải thích "Nuôi báo cô: Nuôi người chỉ biết ăn hại, không giúp ích gì được cho mình".

Trong bài viết của mình, tác giả Hoàng Tuấn Công có trích dẫn hai điều luật. Điều 272 Luật Gia Long và Điều 408 Luật Hồng Đức, đều quy định về luật "nuôi bảo cô". Thực ra nguyên bản Hoàng Việt luật lệ (còn gọi thông dụng là Luật Gia Long) và Quốc triều hình luật hay Lê triều hình luật (còn gọi thông dụng là Luật Hồng Đức) không có Điều 272 hay 408, mà do sau này, người dịch đã tự đặt số thứ tự các điều luật bằng cách cộng dồn các điều luật của từng quyển nhỏ trong cả bộ luật. Tuy nhiên, ngay cả Điều 408 Luật Hồng Đức mà tác giả Hoàng Tuấn Công dẫn chiếu cũng không phải quy định về luật "nuôi bảo cô", mà lại là điều luật về tội gian dâm. Còn Điều 2 của Quyển 15 Luật Gia Long, tương ứng Điều 272 của cả Bộ luật do người đời sau tự sắp xếp theo bản in của Nhà Xuất bản Văn hóa - Thông tin năm 1994, quy định về "Bảo cô hạn kỳ", trong đó nêu rõ: "Bảo là nuôi dưỡng. Cô là tội. Bảo cô là đánh người bị thương đến chết, quan ở nơi đó ra hạn phải nuôi dưỡng họ. Nuôi dưỡng người bị thương chính là bảo vệ tội của mình làm". Như vậy, việc "nuôi bảo cô" là hoàn toàn có ích, vì chính là bảo vệ tội mình làm, khác hẳn với ý nghĩa của "nuôi báo cô" là nuôi người chỉ biết ăn hại, không giúp ích gì được cho mình.

Tương tự, với "Bạn nối khố", tác giả Hoàng Tuấn Công cho rằng: "nối khố" ở đây là lối nói ngoa dụ, hiểu theo nghĩa bóng là tình bạn gắn bó, thân thiết không rời nhau, đi đâu cũng có nhau, tựa như hai người "nối khố" (nối hai dải khố) lại với nhau vậy. Tác giả có trích dẫn "Từ điển tiếng Việt" (Văn Tân chủ biên) giảng "bạn nối khố" là: "Bạn thân, đi đâu cũng có nhau". Từ lập luận trên, tác giả Hoàng Tuấn Công cho rằng thực tế câu thành ngữ trên không có hàm ý "nhường nhịn, đùm bọc nhau, hy sinh vì nhau của đôi bạn nghèo rất đáng trân trọng" như soạn giả "Thành ngữ bằng tranh" đã giải thích.

Tuy nhiên, "Từ điển tiếng Việt" của Viện Ngôn ngữ học do GS Hoàng Phê chủ biên lại giảng "bạn nối khố" là "Bạn rất thân, đồng cam cộng khổ từ hồi còn nhỏ"; hay "Việt Nam từ điển" của Lê Văn Đức giải thích "bạn nối khố" là "Bạn thân, đã cùng chung chịu sự nghèo khổ từ nhỏ, từ lâu". Rõ ràng, cách giải nghĩa câu thành ngữ này của tác giả biên soạn "Thành ngữ bằng tranh" lại rất phù hợp với cách giải thích trong hai bộ từ điển của Viện Ngôn ngữ học và Lê Văn Đức trích dẫn trên.

Với câu "Trúc chẻ ngói tan", tác giả Hoàng Tuấn Công cho rằng "Khi chẻ tre, người ta dùng dao bổ đôi, chẻ qua vài đốt phần gốc rồi chân giẫm nửa này, tay nâng nửa kia. Cây tre cứ thế toác đôi, nổ đôm đốp, tựa thế tấn công áp đảo, không gì cản nổi. Còn khi viên ngói vỡ thì cũng tan tành thành mảnh vụn, không cách gì hàn gắn, cứu vãn".

Tuy nhiên, theo thiển ý của tôi, "ngói tan" ở đây không hoàn toàn như cách giải thích trên. Những ai am hiểu kỹ thuật lợp mái ngói vảy cá xưa đều hiểu trình tự lợp từ dưới lên, từ đầu hồi vào. Từng viên ngói được móc vào thanh rui mè, lớp sau (ở trên) sẽ đè lên lớp trước (ở dưới). Hàng ngói móc dưới cùng giữ vai trò định vị, ổn định cho cả diện tích mái. Do vậy khi tháo dỡ cả mái ngói, chỉ cần dỡ vài viên ngói móc dưới cùng, là có thể tháo hàng loạt, cả diện tích mái ngói tan ra rất dễ dàng. "Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển - quyển II" của GS Trịnh Vân Thanh do Nhà Xuất bản Sống Mới in năm 1966 giảng: "Trúc chẻ ngói tan. - Sách Sử ký nói: "Binh uy sở chí, thế như phá trúc, hữu vạn sự ngõa giải, nghĩa là: binh uy đến đâu, thế như trẻ che, lại muôn việc tan như dỡ ngói". Chẻ tre, chẻ một đốt, cả cây tách ra. Dỡ ngói, trước chỉ dỡ vài viên, sau dỡ các viên khác rất dễ. Như vậy, "ngói tan" ở đây không phải là "viên ngói vỡ thì cũng tan tành thành mảnh vụn, không cách gì hàn gắn, cứu vãn" như cách giải thích của tác giả Hoàng Tuấn Công.

Theo quan điểm của tôi, như đã nêu ở trên, bản chất thành ngữ là một thể loại văn chương dân gian truyền khẩu, với cách nói bóng bẩy, tinh tế nên sẽ có rất nhiều cách giải thích nguồn gốc khác nhau. Tùy mỗi đối tượng bạn đọc, phong tục tập quán vùng miền, mà người biên soạn sẽ tiếp cận cách giải thích phù hợp nhất. "Từ điển tiếng Việt" của Viện Ngôn ngữ học do GS Hoàng Phê chủ biên định nghĩa: "biên soạn" là "thu thập, chọn lọc tài liệu và viết thành bài, sách". Tác giả "Thành ngữ bằng tranh" đã rất dày công thu thập chọn lọc tài liệu để có thể biên soạn, viết thành một cuốn sách truyền tải một khối lượng không hề nhỏ, hơn 300 câu thành ngữ, một cách lý thú và sinh động cho các em thiếu nhi nhỏ tuổi, theo cách giải thích của soạn giả. Chúng ta, dù với tư cách của một bạn đọc hay của người làm công tác nghiên cứu, đều nên tôn trọng mọi sự khác biệt với quan điểm, lập luận của cá nhân mình.

Không hoàn toàn đúng, cũng không hoàn toàn sai

Nhắc lại các câu thành ngữ trên với nhiều cách giải thích khác nhau, tôi không cho rằng anh Hoàng Tuấn Công có cách giải thích sai, hay tác giả biên soạn "Thành ngữ bằng tranh" là đúng. Hoàn toàn không có cách giải thích nào đúng hay sai ở đây cả. Rõ ràng, như tôi trích dẫn, bản thân các bộ từ điển khác nhau cũng có thể có nhiều cách giải thích khác nhau.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo