xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Thành ngữ bằng tranh" quá nhiều sai sót (*): Hơn 300 thành ngữ, lỗi chiếm trên 10%

HOÀNG TUẤN CÔNG

Phần trong ngoặc kép, in nghiêng sau đây là nguyên văn trong "Thành ngữ bằng tranh"; phần xuống dòng tiếp theo là nội dung trao đổi của chúng tôi

- "Bất tỉnh nhân sự: Bất tỉnh: Trạng thái mê man, không biết gì. Nhân: Nguyên nhân (nói tắt). Sự: Việc, chuyện". Ý nói: Ở trạng thái hôn mê, ngất xỉu trong một lúc vì lý do gì đó".

Thành ngữ bằng tranh quá nhiều sai sót (*): Hơn 300 thành ngữ, lỗi chiếm trên 10% - Ảnh 1.

Một số trang trong “Thành ngữ bằng tranh”

"Nhân" 人 ở đây có nghĩa là người, không phải "nhân" là "nguyên nhân (nói tắt)". "Hán ngữ đại tự điển" giải nghĩa: "Nhân sự bất tỉnh: nói hôn mê bất tỉnh, mất tri giác". Như vậy, "nhân" trong "nhân sự" 人 事 có tự hình là

"人", trong khi "nhân" trong "nguyên nhân" phải có tự hình là 因.

- "Thâm căn cố đế: Thâm căn: Cái rễ ăn sâu. Cây có rễ ăn sâu xuống lòng đất thì sẽ rất vững chắc. Đế: bộ phận phía dưới, để gìn giữ cho đồ vật đứng vững. Cố đế: Cái đế có từ lâu".

"Đế" 柢 ở đây có nghĩa là "rễ", chứ không phải cái đế "giữ gìn đồ vật cho vững"; "cố" 固 nghĩa là bền vững, không phải "cố" 故 là "có từ lâu"; "cố đế" là "rễ bền", chứ không phải "cái đế có từ lâu". Thành ngữ gốc Hán "Thâm căn cố đế" 深 根 固 柢 có nghĩa là "Gốc sâu rễ bền", không gì lay chuyển được.

- "Thất điên bát đảo: Đảo là từ láy của điên. Bảy đen (sic) tám đảo nghĩa đen là nhiều lần điên đảo. Ý nói: Lao đao nghiêng ngả".

Giảng "đảo là từ láy của điên" nhưng "điên" có nghĩa là gì lại không giải thích cụ thể. "Điên đảo" 顛 倒 là từ ghép đẳng lập gốc Hán: "điên" có nghĩa là "đảo" (vị trí); mà "đảo" cũng có nghĩa "điên" (hoán đổi vị trí). Theo đây, "đảo" không phải là "từ láy của điên" mà là quan hệ đẳng lập với "điên". Ví dụ: "điên đảo hắc bạch" 顛 倒 黑 白 (trắng đen lẫn lộn).

Thành ngữ gốc Hán "Thất điên bát đảo" 七 顛 八 倒 (dị bản "Điên tam đảo tứ" 顛 三 倒 四) chỉ tình trạng bối rối, hỗn loạn, không còn trật tự gì nữa. Trong tiếng Việt, thành ngữ này cũng được hiểu tương tự. Hoàng Phê - Vietlex giảng "thất điên bát đảo": ở tình trạng hết sức bối rối, hoảng loạn.

- "Trúc chẻ ngói tan: Lúc chẻ tre, chẻ trúc, cây vốn sẵn có thế năng nên giải phóng năng lượng, tạo thành sức mạnh lớn. Khi ngói bị tác động mạnh tới mức vỡ tan, cũng bắn ra thành nhiều mảnh. Nếu vỡ hàng loạt có thể gây thương tích diện rộng. Cả chẻ tre và ngói tan đều gây tiếng động lớn".

Soạn giả không hiểu nghĩa đen nên giải thích loanh quanh, sai hoàn toàn. "Trúc chẻ ngói tan" là sự kết hợp hai thành ngữ gốc Hán "Thế như phá trúc" 勢 如 破 竹 (Thế mạnh như chẻ tre) và "Thổ băng ngõa giải" 土 崩 瓦 解 (Đất lở ngói tan). Khi chẻ tre, người ta dùng dao bổ đôi, chẻ qua vài đốt phần gốc rồi chân giẫm nửa này, tay nâng nửa kia. Cây tre cứ thế toác đôi, nổ đôm đốp, tựa thế tấn công áp đảo, không gì cản nổi. Còn khi viên ngói vỡ thì cũng tan tành thành mảnh vụn, không cách gì hàn gắn, cứu vãn.

"Hán ngữ đại từ điển" giảng: "Phá trúc: 1. Chẻ tre, ví với việc lần lượt tiêu diệt, thuận lợi không chút trở ngại; 2. Ví với thế trận nhanh chóng bị phá vỡ, diệt vong". "Ngói tan: viên ngói tan vỡ, tỉ dụ sự sụp đổ hoặc chia xé, phân ly; 2. Chỉ sự tan vỡ của lực lượng đối phương".

Như vậy, không có chuyện "trúc" và "ngói" là hai thứ "vũ khí" mà khi "trúc chẻ" thì "tạo thành sức mạnh lớn"; còn "ngói tan" thì "bắn ra nhiều mảnh""gây thương tích diện rộng" như giải thích của soạn giả.

- "Dùi mài kinh sử: Dùi là một dụng cụ nhỏ, học trò ngày xưa thường dùng để đóng sách. Dùi được mài rất công phu, cho nên là biểu hiện của sự cần cù, chăm chỉ".

"Dùi mài" ở đây là "dùi" và "mài", chứ không phải là mài cái dùi. "Dùi mài" chỉ hai công việc "dùi"/"giồi" (khoan cắt, đánh bóng) và "mài" (chà xát cho mòn, cho nhẵn), ý chỉ sự công phu rèn luyện, học tập.

"Việt Nam tự điển" (Lê Văn Đức) giảng: giồi • đt. C/g. Giùi, tô, trét vô rồi chà mạnh cho láng, cho bóng: Giồi bộ ván, giồi phấn. • (B) Trau-tria, ôn-nhuần: Giồi-mài kinh-sử". "Dùi mài" trong tiếng Việt tương tự như "thiết tha" 切 磋 (cắt mài) hoặc "trác ma" 琢 磨 (mài dũa), ý chỉ sự tu dưỡng đạo đức, nghiên cứu nghĩa lý, học vấn một cách công phu trong tiếng Hán. Còn "Ma chử thành châm" 磨 杵 成 針 (Mài sắt nên kim) được Việt hóa thành "Mài sắt nên kim". Vì mài dùi dễ hơn mài kim nên có câu tục ngữ chế "Có công mài sắt có ngày nên… dùi" là vậy. Bởi soạn giả hiểu lầm "dùi mài" thành "mài dùi" nên mới giảng "dùi được mài rất công phu". Nếu nói về độ "công phu" thì phải là "mài kim", chứ không phải "mài dùi".

- "Nghe hơi nồi chõ: Nồi chõ là để thổi xôi. Xôi chín bằng hơi nước của nồi chõ. Người ta muốn biết xôi chín chưa thì phải mở vung nhìn xem hơi nồi chõ lên có nhiều và đều không. Còn chỉ nghe thôi mà không nhìn trực tiếp thì kiểm tra không thể chính xác được".

"Nghe" ở đây không phải là cảm nhận âm thanh, tiếng động bằng thính giác; "hơi" cũng không phải là hơi nước, hơi khói bốc lên từ nồi chõ (nhìn thấy bằng mắt), mà "hơi" có nghĩa là "mùi". "Nghe hơi" là đánh hơi, nhận biết mùi gì bằng khứu giác.

Vì là xôi/nấu thức ăn bằng hơi nước nóng bốc lên nên mùi thức ăn từ chõ cũng xông lên, lan tỏa rất mạnh. Do không được tận mắt nhìn thấy thức ăn trong nồi chõ, chỉ "nghe hơi", nghe mùi thoang thoảng nên rất khó biết nó tỏa ra từ hướng nào, nhà nào và đích xác nó là mùi của thức ăn gì. Và, dù có phỏng đoán thế nào thì tất cả cũng chỉ là "nghe hơi", hóng chuyện, ngửi mùi thức ăn của nhà khác mà thôi!

Trên đây là một số sai sót điển hình trong "Thành ngữ bằng tranh". Ngoài ra, hãy còn nhiều mục có vấn đề về giảng giải nghĩa đen thành ngữ. Nếu ứng với hơn 300 thành ngữ thì số lỗi cụ thể trong cuốn sách này chiếm tới trên 10%. Vì bài viết đã dài nên chúng tôi xin tạm dừng tại đây.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 3-5

- "Muôn hình vạn trạng: Muôn chữ Nôm, cũng có nghĩa là vạn chữ Hán. Hình chữ Nôm cũng là trạng chữ Hán. Đây là hai vế đối một bên chữ Nôm, một bên chữ Hán (HTC nhấn mạnh), có cùng một ý là: phong phú về hình vẻ, đa dạng về trạng thái".

Thực ra, "hình" 形 và "trạng" 狀 ở đây đều là chữ Hán. "Muôn hình vạn trạng" là dị bản của thành ngữ gốc Hán "Thiên hình vạn trạng" 千 形 萬 狀 mà "Hán ngữ đại từ điển" giảng là: "các thức, các dạng hình trạng. Hình dung biến hóa nhiều".

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo