Luật sư ĐÀO THỊ BÍCH LIÊN (Đoàn Luật sư TP HCM):
Có thể khởi kiện, yêu cầu bồi thường
Quy định của luật hiện hành về xử lý hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn đã đầy đủ, chặt chẽ, thậm chí là nghiêm khắc như Luật Bảo vệ môi trường, các nghị định, thông tư...
Cụ thể, Thông tư 39/2010/TT-BTNMT của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành kèm theo QCVN 26:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn thì mức giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính là 70 dBA (từ 6 giờ đến 21 giờ) và 55 dBA (từ 21 giờ đến 6 giờ).
Theo đó, hành vi vi phạm về tiếng ồn có thể bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Tùy vào mức độ vượt chuẩn tiếng ồn, mức phạt tiền có thể từ 1 triệu đến 160 triệu đồng theo điều 17 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP. Trong trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tái phạm thì có thể xử phạt từ 130 triệu đến 150 triệu đồng theo điểm c khoản 6 điều 19 Nghị định 155/2016/NĐ-CP.
Loa thùng được ưa chuộng trong các cuộc tụ tập hát karaoke trong khu dân cư nhưng cũng là nỗi ám ảnh với nhiều người khi bị tiếng hát karaoke “tra tấn” từ sáng đến tối Ảnh: HOÀNG TRIỀUVấn đề cốt lõi là do việc thực thi pháp luật trên thực tế không hiệu quả, không nghiêm; các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xử phạt còn nể nang, ngại va chạm nên chưa bảo đảm tính nghiêm minh, giáo dục, răn đe người vi phạm. Do đó, chỉ cần chính quyền địa phương mạnh tay, kiên quyết xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn trên địa bàn mình quản lý thì sẽ góp phần bảo đảm an ninh trật tự và không để xảy ra những vụ việc đáng tiếc. Đồng thời, người được giao trách nhiệm thi hành pháp luật phải kiên quyết trong việc xử lý vi phạm, không cả nể và phải làm hết trách nhiệm của mình.
Về phía người dân, cần nâng cao trách nhiệm công dân, khi phát hiện hàng xóm hát karaoke ồn ào gây ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người xung quanh, người dân có thể làm đơn khiếu nại gửi đến UBND cấp phường, xã để giải quyết kèm theo chứng cứ chứng minh. Ngoài ra, người dân có quyền làm đơn khởi kiện người có hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi gây ra tiếng ồn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của mình.
Luật sư NGUYỄN HÒA HƯNG (Đoàn Luật sư TP HCM):
Mỗi người phải ý thức hơn
Theo các chuyên gia môi trường, ô nhiễm tiếng ồn là nguyên nhân lớn thứ 2 sau ô nhiễm khói bụi gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Tại đô thị phát triển như TP HCM, mỗi ngày người dân phải chịu rất nhiều tiếng ồn từ hoạt động giao thông, chưa kể các thể loại tiếng ồn từ karaoke, nhạc sống, hoạt động xây dựng…
Để bảo vệ sức khỏe và môi trường sống của mình, mỗi người dân phải tự nâng cao ý thức. Mỗi khi gia đình có đám tiệc, cần tuyên truyền, nhắc nhở cho mọi người hạn chế gây tiếng ồn, tránh ảnh hưởng đến hàng xóm. Ngoài ra, mỗi người dân cần kiên quyết phản đối các hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn, nhẹ thì nhắc nhở, nặng hơn có thể khiếu nại, khởi kiện theo quy định.
Ngoài ra, địa phương cần có các giải pháp truyền thông nâng cao ý thức cho người dân, cụ thể thông qua tờ rơi, phổ biến thường xuyên các nội dung truyền thông về giữ gìn môi trường sống trong lành trong các khu dân cư; nêu rõ các quy định xử phạt hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn; tác hại của tiếng ồn kèm đường dây nóng để người dân phản ánh.
Bạn đọc THANH VÂN:
Phải nhìn nhận nghiêm túc sự việc
Xóm tôi có một cửa hàng quần áo thời trang cao cấp trang bị cửa kính, phòng lạnh. Mỗi sáng, họ đem loa thùng đặt ngoài cửa mở nhạc ồn ào từ sáng đến chiều, mặc tiếng ồn hành hạ mọi người còn họ thì trốn sau lớp cửa kính.
Một cơ sở may mặc gần đó cũng mở nhạc suốt ngày. Có lần tôi góp ý, người chủ cơ sở nói mở nhạc theo yêu cầu của các thợ may. Nhưng khi tôi gặp các thợ may, họ nói "mệt vô cùng" nhưng không dám nói. Từng có thợ may góp ý, ông chủ bèn nói: "Không mở nhạc ai biết, ế sao?!". Tôi thấy từ chủ tới thợ, mỗi khi nói chuyện điện thoại đều phải ra ngoài sân, phiền phức vậy không hiểu mở to để làm gì?
Một hộ dân cách nhà tôi mấy căn, cứ mỗi tuần ít nhất 1-2 lần bày tiệc nhậu ngoài sân, hát karaoke từ chiều đến tối. Là chỗ hàng xóm, tôi góp ý với vợ chồng chủ nhà, họ nói: "Nó (vợ chồng con trai hàng xóm) làm mệt thì cho nó chơi cho khỏe". Hết ý kiến!
Vấn đề rõ ràng nằm ở ý thức cá nhân. Thêm vào đó là sự cả nể, sợ mất lòng của người dân xung quanh; sự lơ là trong quản lý và xử lý của địa phương khiến những người vi phạm càng ỷ lại, lấn tới. Tôi nghĩ chính quyền địa phương nên tiến hành rà soát, lên danh sách các hộ, các ngành nghề thường xuyên gây ồn ào bằng hình thức tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở, lập biên bản, đề nghị cam kết và xử phạt nghiêm khi tái phạm. Nên giao trách nhiệm và toàn quyền giải quyết vấn đề này cho lực lượng công an sẽ thuận lợi hơn.
Giải quyết vấn đề này không khó, chỉ tại lâu nay chúng ta chưa nhìn nhận sự việc một cách nghiêm túc. Chuyện khó hơn như lập lại trật tự lòng lề đường mà chính quyền địa phương còn làm được, trị tiếng ồn ở khu dân cư lẽ nào lại bó tay?
Tuyên truyền và phạt nặng
Theo bà Nguyễn Thị Mười Một (ngụ phường An Phú, quận 2, TP HCM), mặc dù luật pháp đã quy định rõ về ngưỡng tiếng ồn nhưng làm sao biết được tiếng ồn đó có vượt ngưỡng hay không? Người dân có thể sử dụng điện thoại để đo tiếng ồn không? Làm thế nào để thu thập được bằng chứng có giá trị pháp lý, làm cơ sở báo cáo chính quyền? Không ai báo cáo, không ai xử phạt thì sẽ không thể nào chấm dứt được thực trạng nhức nhối này. Vì vậy, để có thể thực thi được luật định đã ban hành, cần phổ biến cho người dân cách kiểm tra, đánh giá tiếng ồn cũng như cách thức và nơi tiếp nhận phản ánh... cho người dân được rõ.
Trong khi đó, ông Huỳnh Mẫn Đạt (ngụ phường 19, quận Bình Thạnh) nói Nghị định 100/2019/NĐ-CP là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy phạt nặng thì nâng cao được ý thức người dân. "Đó là biện pháp hữu hiệu nhất. Theo tôi được biết, ở Đà Nẵng đã từng có trường hợp xử phạt các quán bar gây ồn ban đêm. Hy vọng sắp tới đây sẽ phạt nặng cả người gây ồn bằng loa kéo" - ông Đạt cho biết.
Ý Linh
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-2
Bình luận (0)