Luật sư Nguyễn Anh Minh (Đoàn Luật sư TP HCM):
Có thể linh hoạt trong xử phạt
Làm sao trị được tiếng ồn trong khu dân cư? Báo chí từng điểm mặt, kể tên nhiều lần nhưng cuối cùng đâu cũng vào đó. Thậm chí có những nơi người dân phản ánh, công an đến tận nơi nhắc nhở, vừa quay lưng thì tiếng hát lại vang xa.
Mấu chốt vẫn là trách nhiệm xử lý của cơ quan quản lý nhà nước, đứng đầu là UBND cấp phường, xã và công an khu vực. Hiện nay, TP HCM đã mở đường dây nóng và các ứng dụng phản ánh bức xúc của người dân trên điện thoại thông minh. Kết nối đã có, quan trọng nhất là có người tăng cường thị sát, kiểm tra tiếng ồn.
Không thể chấp nhận vì cuộc vui của một nhóm người mà làm ảnh hưởng cả cộng đồng. Nếu cơ quan chức năng cho rằng khó xử lý tiếng ồn vì khó chứng minh mức độ ảnh hưởng, thiết bị đo tiếng ồn hạn chế thì có thể linh hoạt trong quá trình xử phạt. Đơn cử như sau 2 lần nhắc nhở vẫn tái diễn, có thể áp dụng xử phạt hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư. Có đại diện khu phố, các tổ chức, đoàn thể làm chứng.
Chúng ta từng trị đốt pháo, bắt buộc đội nón bảo hiểm khi điều khiển xe 2 bánh, dù nhiều khó khăn nhưng cũng thành công. Đó là do khi ý thức người dân chưa cao, cơ quan chức năng, những người thực thi pháp luật vào cuộc quyết liệt, kiên quyết xử phạt sai phạm, từ đó rèn thói quen tuân thủ quy định pháp luật. Trị tiếng ồn cũng phải như vậy, không ngoại lệ.
Cửa hàng bán loa mở nhạc ồn ào trên một con đường ở quận Bình Thạnh, TP HCM.Ảnh: Thiên ThảoBạn đọc Trang Nguyễn:
Tác động bằng quy định văn hóa làng xã
Diễn đàn "Trị tiếng ồn trong khu dân cư: Dễ hay khó?" trên Báo Người Lao Động đã đánh trúng nỗi lòng của không ít người dân hiện nay khi mỗi ngày bị tra tấn bởi âm thanh ồn ào từ mấy dàn karaoke di động.
Ai có thể hiểu giúp cho tình cảnh ngậm đắng nuốt cay "chịu trận" màn khủng bố tiếng ồn này? Dám phản ứng để cắt ngang cuộc vui ư? Nhẹ thì bị mắng "nhà tôi, tôi hát", nặng thì xô xát, giết người… Dõi theo ý kiến của nhiều bạn đọc trên diễn đàn, tôi thấy đa phần gặp nhau ở kiến nghị thực thi nghiêm pháp luật, mạnh tay trấn áp các vụ gây ô nhiễm tiếng ồn; đồng thời tăng cường các giải pháp tuyên truyền, giáo dục. Pháp luật và giáo dục vẫn luôn là bửu bối để xây dựng và củng cố nếp sống văn minh đô thị.
Bên cạnh đó, theo tôi, trị tiếng ồn trong khu dân cư còn bằng những quy định, chế tài liên quan đến văn hóa làng xã, phố phường.
Mỗi gia đình sống giữa cộng đồng ít nhiều đều bị ảnh hưởng bởi nét văn hóa của địa phương nơi cư trú. Những ràng buộc vô hình trong nếp nhà của dòng họ cũng như quy định chung và riêng về tình làng nghĩa xóm như chất keo kết dính người với người.
Ở mỗi làng xã, phố phường đều có ban bệ phụ trách những vấn đề liên quan đến trật tự an ninh, an sinh xã hội của địa phương. Những cuộc họp ở đình làng hay tổ dân phố là cơ hội để phản ánh về tiếng ồn do một số cá nhân thiếu ý thức gây ra. Một cuộc đối thoại, góp ý chân tình, thiện ý sẽ là liều thuốc cần thiết để người sai nhận ra thiếu sót của mình. Bởi đâu ai muốn trở thành nạn nhân bị tra tấn từ tiếng hát, tiếng hét và tiếng gào thét của kẻ say.
Cái lý nghiêm khắc của pháp luật kết hợp với cái tình của xóm giềng sẽ là chất xúc tác hữu hiệu để tiến tới nếp sống tử tế, xã hội văn minh.
Phạt nhẹ nên không sợ
Theo một cán bộ UBND phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 (TP HCM), kho chứa tang vật loa kẹo kéo karaoke luôn trong cảnh quá tải. Có thời điểm, phòng làm việc của phó chủ tịch UBND phường vây kín loa kẹo kéo vì không còn chỗ chứa. Nhiều trường hợp tạm giữ phương tiện để xử phạt thì chủ phương tiện bỏ luôn loa thùng, không đóng phạt vì tiền đóng ngang với tiền mua thiết bị mới.
Ngoài ra, theo quy định hiện nay, cán bộ UBND phường không phải là đơn vị chuyên môn để đo độ ồn, dù trang bị máy thì kết quả cũng không được công nhận. Mỗi lần ra quân xử lý phải thuê đơn vị chuyên môn, đến lúc đó người dân hay tin thì ngừng việc ca hát.
Không vượt chuẩn nên không xử lý được (?)
Tôi sống tại đường số 1C, phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP HCM. Gần 3 năm nay, tôi phải sống chung với tiếng ồn từ xưởng cơ khí đối diện.
Sau khi khiếu nại lên báo chí, tôi nhận được thông báo từ quận là xưởng cơ khí sẽ di dời trước ngày 13-8-2019. Trong thời gian 2 tháng chuẩn bị di dời, xưởng vẫn liên tục hoạt động ngày đêm. Chịu hết nổi, tôi gọi cho cán bộ phường, xưởng ngưng hoạt động ít ngày rồi lại tiếp tục.
Sắp đến ngày xưởng di dời, bất ngờ phường mời tôi lên cho biết xưởng cơ khí đã chuyển đi 4 máy nhưng cũng làm đơn khiếu nại, cho rằng xưởng không gây ồn, hoạt động lâu mà chưa bị phạt lần nào, phường không tổ chức đo tiếng ồn mà ép ký di dời. Đính kèm theo đó là kết quả tự đo tiếng ồn. Cán bộ phường thông báo xưởng tiếp tục hoạt động và khuyên tôi nên sống "hòa bình", khi nào có tiếng ồn, phường sẽ xuống đo. Phường cũng cho biết chủ cơ sở hứa sẽ thực hiện cách âm để giảm tiếng ồn; không làm việc quá 18 giờ; không mang thêm máy móc về.
Một tuần rồi 2 tuần, không thấy cách âm như đã hứa, lại còn hoạt động cả đêm. Tôi phải gọi cho cán bộ phường. Phường trả lời đã tiến hành đo tiếng ồn nhưng không vượt chuẩn nên không xử lý được.
Tôi thật sự không hiểu việc đo tiếng ồn thực hiện ra sao mà hễ người dân khiếu nại thì cứ nghe lặp đi lặp lại điệp khúc: "Tiếng ồn không vượt chuẩn, không thể xử lý", thậm chí còn bị xem là chuyện cá nhân. Người dân có thể làm được gì khi luật pháp đưa ra nhiều quy chuẩn về môi trường nhằm ngăn chặn ô nhiễm, cải thiện môi trường và đời sống của người dân nhưng khi người dân khiếu nại thì các cơ quan nhà nước có nhiệm vụ thực thi lại không thể xử lý? Làm sao người dân có thể chung tay bảo vệ môi trường chung khi không gian sống của riêng họ không bảo vệ được?
Bạn đọc Lâm Tuấn Mậu
Bình luận (0)