Sáng 27-5, Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia và Báo Giao Thông đã tổ chức hội thảo giải pháp nâng cao năng lực quản lý vận tải hành khách công cộng nhằm tìm giải pháp dẹp xe dù, bến cóc trên địa bàn TP HCM (Báo Người Lao Động từng đề cập vấn đề này trên số báo ra ngày 25-5).
Quy mô ngày càng lớn
Sở GTVT TP HCM cho biết từ 150 điểm xe dù, bến cóc, hiện trên toàn địa bàn TP chỉ còn 36 điểm. Tuy nhiên, theo đại diện Bến xe Miền Đông, khu vực xung quanh bến có khoảng 50 điểm đón trả khách của các hãng xe hoạt động trá hình, núp dưới danh nghĩa xe chạy hợp đồng, xe du lịch với khoảng 400 chuyến và 10.000 khách mỗi ngày.
Còn theo một số đơn vị vận tải, số điểm bến cóc, xe dù có giảm nhưng quy mô ngày càng lớn nên về bản chất, tình trạng trên không giảm mà có chiều hướng tăng. Thậm chí, có những doanh nghiệp vận tải lợi dụng các văn phòng đại diện, phòng bán vé, đại lý bán vé để đón trả khách, gây mất trật tự. Có những xe đăng ký chạy tuyến cố định nhưng chỉ vào bến ký lệnh vận chuyển tài đầu, khi chạy quay đầu tài hai thì không vào bến ký lệnh vận chuyển mà chạy theo hợp đồng trá hình...
Đại diện Công ty Xe khách Phương Trang cũng cho biết hiện xe dù, bến cóc đã phát triển ở “trình độ” cao hơn, biến tướng thành xe khách trá hình, bến cóc thành bến xe lậu. Không những thế, họ còn có tổng đài đặt vé, phần mềm đặt chỗ, bán vé trực tuyến qua mạng.
Ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT - cho rằng xe dù, bến cóc tạo môi trường kinh doanh vận tải không lành mạnh, gây thiệt hại cho hành khách khi sự cố hay tai nạn xảy ra. Đây là nguyên nhân chủ yếu gây mất trật tự vận tải, không bảo đảm an toàn giao thông, làm thất thu ngân sách TP.
Cũng theo ông Ngọc, các loại xe hợp đồng trá hình thường sử dụng hợp đồng vận chuyển khách đã được doanh nghiệp, hợp tác xã ký khống trước khi vận chuyển, khi lực lượng chức năng kiểm tra thì lái xe mới điền đầy đủ thông tin để hợp thức hóa. Không những hãng xe nhỏ lẻ mà nhiều xe có thương hiệu cũng sử dụng phù hiệu xe tuyến cố định hợp đồng để không vào bến hoạt động, tránh các loại phí.
Phải giải quyết tận gốc
Nhiều đơn vị vận tải nêu ý kiến việc xử lý bến cóc, xe dù trong thời gian qua còn khiêm tốn. Quy hoạch bến xe tại một số tỉnh, TP trực thuộc trung ương chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, chưa kết nối giữa các loại hình vận tải. Việc triển khai xây dựng các điểm đón, trả khách cho tuyến vận tải hành khách cố định ở nhiều địa phương còn chậm, thu phí xe ra - vào và lưu bến cao so với mặt bằng chung… Ngoài ra, có những quy định, văn bản quy phạm pháp luật đã không còn phù hợp, cần sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung.
Đồng quan điểm, ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, đề nghị tăng cường công tác thanh, kiểm tra xe dù, bến cóc; khẩn trương hoàn thiện xây dựng các điểm đón, trả khách theo tuyến vận tải hành khách cố định; đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý vận tải đường bộ…
“Xe dù, bến cóc làm thất thu cho nhà nước hàng trăm tỉ đồng mỗi năm, gây bất bình đẳng giữa các đơn vị làm ăn chân chính với các đơn vị hoạt động trá hình. Thế nhưng, trong những năm qua, tình trạng này tại TP HCM không những không được xử lý hay dẹp bỏ mà ngày càng phát triển, bất chấp luật pháp. Một trong những nguyên nhân là do một số quy định xử phạt quá nhẹ, chưa đủ tính răn đe. Cần nâng mức phạt tiền, bổ sung hình thức tạm giữ giấy phép lái xe và thu phù hiệu tuyến cố định” - ông Hải nhấn mạnh.
Trong khi đó, dưới góc nhìn của một hành khách, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Công ty Du lịch Lửa Việt, đề nghị cần xem xét tận gốc vấn đề. Sở dĩ xe dù, bến cóc có đất sống là vì thuận tiện cho người dân trong quá trình đi lại. Chẳng hạn, người dân ở các khu vực xa bến xe, nếu về bến mua vé thì phải đi bằng phương tiện khác để đến bến xe, số tiền họ bỏ ra có khi cao hơn cả tiền đi xe.
“Do đó, chúng ta phải tính đến việc sắp đặt các bến xe trung chuyển hợp lý, tạo điều kiện thuận tiện cho người dân. Hơn nữa, phải tính đến sự cạnh tranh về chất lượng phục vụ. Nếu việc phục vụ ở các bến xe không đạt hiệu quả, thu phí cao thì các nhà xe không vào bến là chuyện đương nhiên” - ông Mỹ nói.
Quyết tâm thì sẽ làm được
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng hiện các bến xe nằm ở 4 hướng của TP HCM nên phải tính toán kết nối như thế nào cho phù hợp. Theo ông Thọ, TP có đủ các loại hình vận tải, vấn đề đặt ra là quản lý như thế nào. Việc xóa bỏ xe dù, bến cóc nếu quyết tâm chắc chắn sẽ làm được nhưng cần đánh giá đúng thực trạng, đưa ra giải pháp cụ thể ở từng giai đoạn, tạo kết nối thuận tiện cho người dân. “Đối với những doanh nghiệp lớn, đủ điều kiện thì có thể cho thành lập bến tạm để đón trả khách nhưng phải có quy định cụ thể” - ông Thọ nhấn mạnh.
Bình luận (0)