Theo thực tiễn xét xử án hình sự, vẫn có bị cáo khai bị ép cung, bức cung, dùng nhục hình trong giai đoạn điều tra. Dù Bộ Luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) hiện hành chưa quy định nhưng thực tế tòa vẫn triệu tập điều tra viên đến phiên xử để tiến hành đối chất, làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Thế nhưng, việc triệu tập điều tra viên đến phiên tòa còn nhiều bất cập trong việc xác định tư cách tham gia tố tụng.
Hai quan điểm trái chiều
Điều 288 dự thảo BLTTHS do VKSND Tối cao chủ trì soạn thảo có quy định về vấn đề này. Tuy nhiên, quy định mới của dự luật này đã phát sinh những ý kiến khác nhau.
Thứ nhất: Đề nghị không quy định. Điều tra viên là những người tiến hành tố tụng vụ án. Tòa triệu tập họ đến phiên xử với tư cách gì, là người làm chứng hay người có quyền lợi liên quan? Nếu họ không chấp hành giấy triệu tập của tòa thì xử lý ra sao? Tòa có thể ra lệnh áp giải không? Việc tòa triệu tập điều tra viên với tư cách là người làm chứng trong thực tiễn xét xử là không đúng pháp luật nên họ có quyền từ chối. Trong một vụ án, điều tra viên, kiểm sát viên (KSV) không thể vừa là những người tiến hành tố tụng lại là những người tham gia tố tụng. Đối với việc bị cáo phản cung cho rằng đã bị điều tra viên, KSV ép cung, nhục hình..., BLTTHS đã quy định cụ thể quyền khiếu nại, tố cáo và trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo nên việc quy định “triệu tập điều tra viên đã điều tra vụ án đến phiên tòa” là trái luật. Do đó, luật không nên quy định tòa án triệu tập điều tra viên đến phiên xử.
Thứ hai: Phải quy định để tránh oan sai. Bấy lâu nay vẫn có tình trạng bị cáo khai tại tòa là bị nhục hình trong quá trình điều tra. Thực tiễn xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm thời gian gần đây cho thấy còn có án oan sai trong đó có việc điều tra viên dùng nhục hình, bức cung là có thật. Vì vậy, trong trường hợp này, BLTTHS phải quy định về sự có mặt của những người này tại phiên xử. Tòa án phải triệu tập điều tra viên đến để làm rõ các tình tiết của vụ án, làm căn cứ cho việc ra bản án đúng pháp luật. Có như vậy, tòa mới thực hiện chức năng bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người và quyền công dân theo đúng Hiến pháp năm 2013. Trong quá trình góp ý dự thảo BLTTHS, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cả việc triệu tập KSV như quy định đối với điều tra viên bởi ngoài ĐTV, KSV là người kiểm sát hoạt động điều tra nên trong một số trường hợp thì sự tham gia của họ cũng rất cần thiết. Do vậy, dự thảo BLTTHS cần bổ sung quy định về việc tham dự phiên tòa của KSV (đã tham gia kiểm sát hoạt động điều tra) để trình bày về các vấn đề có liên quan đến vụ án khi tòa triệu tập.
Chúng tôi thống nhất với quan điểm thứ hai vì vấn đề này phù hợp với thực tiễn xét xử và với Hiến pháp năm 2013.
Muốn thực thi, phải luật hóa
Trong trường hợp bị cáo phản cung cho rằng bị điều tra viên, KSV bức cung, dùng nhục hình hay luật sư kiến nghị về những vi phạm thủ tục tố tụng, vụ án có những dấu hiệu oan sai…, tòa án (trực tiếp là HĐXX) phải triệu tập điều tra viên, KSV đến phiên xử. Theo đó, điều tra viên được triệu tập vẫn là người tiến hành tố tụng vụ án, họ phải có mặt tại tòa để làm rõ những vấn đề có liên quan đến các hoạt động tố tụng trong những giai đoạn điều tra, truy tố mà bị cáo đã phản cung (cho rằng đã bị bức cung, dùng nhục hình...) nhằm chứng minh các hoạt động tố tụng do mình thực hiện đúng trình tự thủ tục luật định.
Nếu họ không chấp hành giấy triệu tập hoặc có mặt tại phiên tòa nhưng không thực hiện đầy đủ trách nhiệm chứng minh các hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ đã được thực hiện đúng trình tự, thủ tục luật định thì các chứng cứ do họ thu thập không có giá trị để buộc tội bị cáo tại phiên xét xử công khai. Luật có quy định như vậy mới ngăn chặn được án oan, hệ quả của việc xử “án tại hồ sơ” đã tồn tại trước khi có chủ trương cải cách tư pháp.
Thiết nghĩ, BLTTHS phải quy định cụ thể thì các bị cáo, luật sư bào chữa mới có căn cứ yêu cầu tòa án triệu tập điều tra viên, KSV, bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử. Nhờ vậy, quyền con người, quyền công dân mới được bảo đảm trong thực tiễn thi hành Hiến pháp năm 2013.
Trong quá trình xét xử, HĐXX có thể triệu tập điều tra viên đã điều tra vụ án đến phiên tòa để làm rõ các tình tiết của vụ án, làm căn cứ cho việc ra bản án đúng pháp luật.
(Điều 288 dự thảo BLTTHS)
Bình luận (0)