Một chuyên gia khảo thí lâu năm phân tích, một trong những lỗi lớn dẫn đến việc nội dung ôn tập giống đề thi chính thức đến hơn 92% chính là việc ngân hàng câu hỏi đã không còn nằm trong danh mục bí mật nhà nước độ tối mật trong ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT).
Bỏ một quy định quan trọng
Theo Quyết định 59 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 31-12-2016, danh mục bí mật nhà nước độ tối mật trong ngành GD-ĐT gồm đề thi chính thức, đề thi dự bị, đáp án, thang điểm bài thi, địa điểm ra đề thi, địa điểm sao in đề thi và các tài liệu liên quan đến các kỳ thi THPT quốc gia, thi chọn học sinh (HS) giỏi các cấp, thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực, thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh và thi hết môn các cấp học, bậc học, ngành học, trình độ đào tạo chưa công bố.
Tuy nhiên, từ năm 2020, các tài liệu liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT đã bị đưa ra khỏi danh mục này. Tại Quyết định 809/QĐ-TTg ngày 10-6-2020, danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực GD-ĐT chỉ còn: Đề thi chính thức, đề thi dự bị, đáp án đề thi chính thức, đáp án đề thi dự bị của các kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi chọn HS giỏi quốc gia, thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực chưa công khai.
Quyết định 59 quy định rõ "các tài liệu liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia" là bí mật nhà nước độ tối mật, được quy định rất chuẩn và chặt chẽ. Quy chế thi tốt nghiệp THPT quy định rõ "thư ký sử dụng phần mềm rút ngẫu nhiên các câu trắc nghiệm từ ngân hàng câu hỏi thi theo hướng chuẩn hóa được xây dựng theo quy định của Bộ GD-ĐT, chuyển cho các tổ trưởng ra đề thi làm nguồn tham khảo để soạn thảo đề thi".
Như vậy, ngân hàng câu hỏi phục vụ cho việc ra đề là tài liệu liên quan đến kỳ thi. "Không hiểu tại sao đến năm 2020, quy định này đã bị gỡ bỏ. Điều này tạo điều kiện cho ngân hàng câu hỏi có thể được thoải mái lưu hành ở nhiều nơi, giáo viên (GV) luyện thi thoải mái sử dụng các câu hỏi này luyện cho HS mà không vi phạm gì. Theo tôi, để xảy ra những bất thường của môn sinh, Bộ GD-ĐT cần phải trả lời câu hỏi, tại sao bộ lại bỏ một quy định quan trọng để tạo nên lỗ hổng lớn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT như vậy?" - một chuyên gia khảo thí lâu năm phân tích.
Cũng chung quan điểm này, một GV khẳng định việc Bộ GD-ĐT không ban hành quy chế bảo mật khi xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và loại ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm khỏi danh mục các tài liệu liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT thực sự là vấn đề nghiêm trọng nếu có hiện tượng "lợi ích nhóm cục bộ", chia sẻ ngân hàng câu hỏi cho nhau, bán cho bên thứ 3 để cùng thu lợi.
"Điều này cũng có thể đã khiến biết bao thí sinh bị trượt oan và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của đất nước" - GV này nhấn mạnh.
Ngân hàng câu hỏi bị loại khỏi danh mục tài liệu bí mật quốc gia, tạo kẽ hở trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Ảnh: CA LINH
Chấm dứt sự tồn tại của kho đề thi làm sẵn
Góp ý cho quy trình ra đề thi, nhà giáo Nguyễn Phương Sửu, nguyên giảng viên ĐHQG Hà Nội, người có hơn 10 năm tham gia ra đề "3 chung" cho Bộ GD-ĐT, cho rằng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa theo đúng nghĩa đòi hỏi đầu tư về chuyên môn, công sức, tiền bạc, và nhất là sự nghiêm túc. Nếu Bộ GD-ĐT định làm ngân hàng đề thì tốt nhất là không nên làm, vì vừa lãng phí tiền vừa mang lại nhiều cái hại.
Theo chuyên gia này, khi chưa xây dựng được ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa, Bộ GD-ĐT nên tham khảo lại cách làm của những năm 2016 trở về trước, vì cách làm trước đã được rút kinh nghiệm từng năm từ khi bắt đầu thi "3 chung" đến 2016. "Nên chấm dứt sự tồn tại của kho đề thi làm sẵn. Bộ cần xây dựng một đội ngũ người viết câu hỏi cho từng môn, dựa trên khả năng, kinh nghiệm, hiểu biết về đánh giá trong giáo dục" - nhà giáo Nguyễn Phương Sửu nêu ý kiến.
Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên Hệ thống giáo dục Học mãi, cho rằng có 3 vấn đề cần thay đổi. Một là ban ra đề được thay đổi hằng năm, hai là ngân hàng câu hỏi cần được đánh giá rà soát loại bỏ các câu hỏi đã quá cũ, đối chiếu với những đề thi đã được ra trong các năm, bổ sung nhiều hơn các câu hỏi mới hằng năm. Cuối cùng, Bộ GD-ĐT cần có quy định với cán bộ đã tham gia ra đề thì không được luyện thi, hoặc phải sau ít nhất 5 năm tham gia ra đề.
Trong khi đó, một GV từng giam gia ra đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT cho rằng quy trình ra đề thi cần phải trải qua các vòng độc lập, với các chuyên gia/GV độc lập. Việc ra ngân hàng câu hỏi cần được thực hiện bởi các GV giỏi, được các Sở GD-ĐT các tỉnh, thành tiến cử. Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức một nhóm thẩm định ngân hàng câu hỏi độc lập, với các chuyên gia có kinh nghiệm, uy tín và công tâm. Ban ra đề thi phải độc lập với nhóm thẩm định và nhóm xây dựng ngân hàng câu hỏi. Hằng năm Bộ GD-ĐT phải có sự thay đổi ban ra đề thi chính thức, không để một số thành viên cốt cán, kể cả tổ trưởng, phó tổ trưởng ra đề là mặc định trong nhiều năm như trước đây.
Trò học vẹt, thầy tập trung vào mẹo mực
Thầy Đinh Đức Hiền cho rằng đề thi cần có sự thay đổi theo hướng đánh giá năng lực HS nhiều hơn, tỉ lệ các câu hỏi này cần chiếm ít nhất 30%, những câu hỏi như vậy HS không thể học tủ, bắt buộc phải hiểu bản chất và trau dồi các kỹ năng phân tích, tư duy. Hiện nay đề thi các môn như lý, hóa, sinh lại thiếu đi bản chất môn học trong đó, sử dụng quá nhiều toán vào các môn này, dẫn đến nhiều HS "học vẹt", nhiều GV luyện thi tập trung vào mẹo mực, công thức giải nhanh.
Bình luận (0)