xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ứng xử văn minh để được tôn trọng: Bắt đầu từ chuyện nhỏ

Diễn đàn "Ứng xử văn minh để được tôn trọng" đã nhận được nhiều bài viết tham gia của bạn đọc. Dưới đây là 3 ý kiến Báo Người Lao Động chọn trích đăng

Bạn đọc THANH VÂN: 

Sống cho phải đạo làm người

Tôi làm nghề photocopy, ngày nào cũng có hàng chục khách hàng. Trong số đó, có những người đến sau nhưng đòi làm trước; ỷ là người lớn "chèn ép" người nhỏ; hay phân bua với mọi người có việc cần gấp... Với kinh nghiệm nhiều năm làm nghề, tôi biết nhiều người chẳng có gì là gấp, có chăng là vì không thích chờ đợi, cho việc của mình mới là quan trọng hoặc muốn lợi dụng, qua mặt người khác.

Ứng xử văn minh để được tôn trọng: Bắt đầu từ chuyện nhỏ - Ảnh 1.

Cách ứng xử văn minh, đầy tình người giúp người ta thêm trân quý cuộc đời này. Trong ảnh: Phát khẩu trang miễn phí trên đường Lý Tự Trọng, quận 1, TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Một chuyện nữa là mua hàng giảm giá. Do ban ngày bận việc nên tôi thường đi siêu thị vào chiều tối. Đó cũng là thời điểm nhiều mặt hàng thực phẩm nấu chín như thịt kho hột vịt, gà chiên, gà ram, xôi, chè... giảm giá, nhiều mặt hàng giảm khá sâu, có khi giảm đến 70%. Vì vậy, có không ít người đến sớm và chờ đợi để mua được hàng. Tôi cũng từng mua một vài lần cho đến một bữa tôi mua xong thì bắt gặp ánh mắt buồn xo của vài bạn sinh viên vì hết hàng. Lúc đó, tôi thấy mình có gì... sai sai. Rồi vài lần chứng kiến cảnh một chị lớn tuổi dáng vẻ sang trọng tranh giành thức ăn giảm giá và khoe: "Mua cho mấy chú... cún". Tôi vô cùng hụt hẫng và quyết không mua nữa.

Tất nhiên, việc mua hàng giảm giá không có gì sai nhưng quan trọng là mua làm sao, mua như thế nào. Có lẽ nên cân nhắc khi mua hay thậm chí không mua để nhường cho người khác, nếu với mình điều đó không thật cần thiết. Bởi việc thể hiện sao cho đúng với vị thế xã hội của bản thân cũng chính là thái độ ứng xử văn hóa, văn minh, hay nói cách khác là sống cho phải đạo làm người.


Bạn đọc NGUYỄN THÁI THẢO: 

Tập thói quen sống văn minh

Không cần tưởng tượng, chỉ một lần chờ đèn đỏ, có người đàn ông phía trước đang ngồi chễm chệ trên xe, bất chợt quay đầu ra phía sau nhổ toẹt xuống đường một bãi nước bọt, bạn đã cảm thấy rùng rợn rồi. Huống chi đang mùa dịch virus corona.

Ở ngoài đường là vậy, vô trong quán ăn, lỡ ngồi bên cạnh người thích khạc nhổ xuống đất hay chân bàn thì coi như hôm đó, bạn sẽ bị ám ảnh đến không ăn được gì nữa. Vậy mà chính những người hay khạc nhổ đó, có khi họ quên mất mình đã từng có hành động tương tự, quay lại mắng kẻ khác nếu có hành vi tương tự.

Một người mà ra đường khạc nhổ, tức ở nhà họ cũng thể hiện điều đó, trẻ con trong nhà khó tránh khỏi bắt chước. Đôi khi dạy con sống ý thức chỉ đơn giản là mình tự ý thức về mình thật rõ, con cái cứ vậy mà noi theo.

Tôi có một người bạn khá nổi tiếng, cô ấy luôn tuyên truyền về việc không xả rác bừa bãi. Một lần ngồi ăn quán vỉa hè, tôi thấy cô ấy dùng khăn giấy lau đũa và vứt luôn xuống dưới đất, trong khi cô ấy có thể để qua một góc hoặc bỏ vào thùng rác trong quán. Tôi chứng kiến hành động đó và hiểu ra, việc người ta có thể tự ý thức với hành động của mình phải là một quá trình được giáo dục hoặc tự giáo dục rất nghiêm túc, kỹ lưỡng.

Chúng ta nói nhiều về nếp sống văn minh nhưng thực tế không hiếm hình ảnh rác nhà mình thì quét, rác nhà khác thì hất sang bên nhà họ hoặc ra đường; cũng như ăn uống xong thì phải khạc nhổ, xỉa răng, chùi khăn giấy vứt đầy sàn… Dẫu vậy, không khó để người dân đô thị tập thói quen sống văn minh hơn. Bởi người Việt Nam khi ở trong nước hay khạc nhổ, xả rác bừa bãi nhưng đi ra nước ngoài thì lại cố tìm thùng rác để bỏ vô? Trả lời được câu hỏi này, tức là bạn đã tìm được lời giải cho văn hóa ứng xử nơi công cộng. 

Tình người qua ứng xử

Góp với diễn đàn "Ứng xử văn minh để được tôn trọng", tôi có 2 câu chuyện để minh chứng dù là chuyện nhỏ nhưng cách ứng xử văn minh, đầy tình người sẽ giúp người ta thêm trân quý và yêu hơn cuộc đời này.

Tháng trước, bạn tôi ghé trụ bơm xăng, bơm 20.000 đồng rồi nhanh chóng lên xe. Chạy khoảng 100 m, anh nghe có người chạy xe phía sau gọi: "Anh gì đó ơi! Dừng xe lại có chuyện". Nghĩ mình quên gạt chống chân xe nhưng nhìn xuống thấy chống xe đã gạt nên anh an tâm chạy tiếp. Lúc này, người thanh niên vọt xe lên nói to: "Anh mới ghé trạm đổ xăng phải không, anh trả tiền nhầm rồi". Anh nhận ra người gọi mình là nhân viên mới bán xăng cho anh nên dừng xe lại nói: "Tôi mới bơm 20.000 đồng, trả anh đủ tiền rồi mà". Người thanh niên trả lời: "Đúng là anh bơm 20.000 đồng nhưng anh đưa tôi tờ 500.000 đồng, tôi chưa kịp thối tiền thì anh đã lên xe chạy, tôi gọi anh không nghe nên phải lấy xe chạy theo".

Anh lấy tiền trong túi quần kiểm tra lại thì thấy đúng nên đưa tay nhận lại tiền và nhã ý tặng 50.000 đồng uống cà phê nhưng người thanh niên lắc đầu, khoát tay: "Chuyện nhỏ, anh đừng làm vậy".

Một người bạn khác kể cách đây hơn 5 tháng, anh đi khám ở Bệnh viện Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP HCM). Anh đón xe buýt số 94, chạy từ Bến xe Củ Chi đi Bến xe Chợ Lớn. Do bóp tiền để túi quần sau bị cộm, anh lấy ra để trên băng ghế kế bên. Đến khi xuống xe, phát hiện quên bóp tiền nhưng không nhớ biển số xe nên anh đành chịu mất tất cả tiền bạc, giấy tờ.

Ra trạm xe buýt đón xe về Củ Chi thì trạm xe này chỉ rước khách của xe số 74. Đang buồn bã, anh thấy chiếc xe buýt số 94 tấp vào, anh nhân viên bán vé gọi anh nhanh lên xe về Củ Chi. Vừa lên xe, anh nhân viên hỏi: "Hồi sáng, có phải anh làm rớt bóp tiền trên xe không?". Anh mừng rỡ. Khi tài xế trả lại bóp tiền đã nói: "Anh em nhà xe nhận ra anh vì rất giống hình trong chứng minh nhân dân. Lúc nhặt được cái bóp trên băng ghế chỗ anh ngồi, tụi tôi kiểm tra xem anh có ghi số điện thoại để trong đó không nhưng không thấy, định về bến xe mang nộp cho công an để họ tìm cách gặp anh hoặc nhờ mấy anh chạy xe ôm lần theo địa chỉ nhà anh tìm giùm. May gặp anh. Anh kiểm tra xem tiền bạc, giấy tờ còn đủ không?".

Kể cho tôi nghe, anh tiếc: "Mình có gửi chút tiền biếu nhưng mấy anh không nhận, mua vé số tặng, họ cũng từ chối. Mình áy náy vì lúc đó quên không nhìn bảng tên bác tài và anh nhân viên bán vé hay chụp hình biển số xe buýt để viết thư cảm ơn".

Bạn đọc Trần Văn Tám

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo