Đề nghị quý khách tắt điện thoại hoặc chuyển sang chế độ máy bay…". Mặc kệ tiếp viên hàng không khuyến cáo, một nam hành khách vẫn thản nhiên nói chuyện điện thoại oang oang. Tiếp viên đi ngang nhắc, anh ta vẫn tiếp tục nói chuyện, bất chấp nhiều cái nhìn khó chịu của những hành khách ngồi gần đó. Phải đến lần thứ 3 bị nhắc nhở, anh ta mới từ từ tắt điện thoại bỏ vào túi quần.
Chỉ biết mình
Trên đây chỉ là một trong vô vàn những hành vi ứng xử thiếu văn minh, thiếu tôn trọng cộng đồng. Thực tế, không khó để bắt gặp những hình ảnh cười nói vô tư trong thang máy, quán ăn, rạp phim…; chen ngang không xếp hàng chờ đến lượt trong siêu thị, bệnh viện, bến xe…; tranh giành thang máy, dùng thang máy để đưa xe đạp, xe máy lên tầng, lấn chiếm hành lang chung làm việc riêng; nói tục, chửi thề, tụ tập nhậu nhẹt, hát karaoke với âm lượng lớn đến tận khuya; vô tư phà khói thuốc trên đường, nơi công cộng; phóng uế tùy tiện; xả rác bừa bãi; ăn mặc phản cảm đi vào chốn tôn nghiêm... Đặc biệt trong hoạt động giao thông, vào các giờ cao điểm, tình trạng ùn tắc giao thông, kẹt xe diễn ra ở nhiều nơi mà một trong những nguyên nhân chính gây kẹt xe là do người tham gia giao thông không đi đúng làn đường của mình, vượt đèn đỏ, chen vào làn đường ngược chiều…
Tất cả những hành vi không chuẩn mực đó suy cho cùng xuất phát từ việc những người vi phạm chỉ biết quan tâm đến lợi ích, sự tiện lợi, thoải mái, nhanh chóng cho bản thân mà không nghĩ đến người khác. Ngoài ra, còn do nguyên nhân khách quan là rất nhiều người trong số đó chưa thích ứng được với cuộc sống đô thị khiến ứng xử chưa chuẩn tại các không gian mang tính đặc thù của đô thị hiện đại.
Hậu quả của việc ứng xử không đúng chuẩn mực ai cũng biết, không chỉ tự làm xấu hình ảnh chính mình mà còn gây tổn thương cho người khác, ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng; thậm chí đã có nhiều án mạng xảy ra chỉ vì sự thiếu ý thức, ứng xử thiếu văn hóa. Thế nhưng, những hành vi xấu xí đó vẫn thản nhiên diễn ra hằng ngày, hằng giờ.
Vào giờ cao điểm, không khó bắt gặp hình ảnh người tham gia giao thông lấn làn, vượt đèn đỏ, chen vào làn đường ngược chiều…Ảnh: Hoàng Triều
Học cách ứng xử, bài trừ hành vi xấu
Một xã hội văn minh không phải chỉ có những con người ăn mặc, sử dụng những sản phẩm thời trang; sống và làm việc trong hạ tầng khang trang, hiện đại mà quan trọng và quyết định nhất vẫn là con người trong xã hội đó có lối sống văn minh, ứng xử văn hóa nơi công cộng.
Có thể nói rằng giao tiếp, ứng xử nơi công cộng được xem là một kỹ năng quan trọng đối với mỗi người, thể hiện mức độ học vấn và nhận thức cá nhân. Hành vi ứng xử của con người hình thành do thói quen hằng ngày, được quyết định bởi luật pháp và phong tục.
Vì thế, để có được nếp sống văn minh, bản thân mỗi người phải có ý thức học cách thích nghi với lối sống đô thị, những nguyên tắc, quy tắc ứng xử ở không gian chung; có ý thức tự giác, học cách tự kiểm soát mình, đặt mình trong tổng thể xã hội, trong sự hài hòa với mọi người; tôn trọng người khác qua giao tiếp trực tiếp và cả cách nói về nhau gián tiếp (ví dụ trên mạng xã hội)… Ngoài ra, sẵn sàng lên tiếng, nhắc nhở những hành vi không chuẩn mực trong xã hội, lên án mạnh mẽ trước những biểu hiện sai quấy, phi văn hóa, qua đó góp phần làm chuyển biến ý thức của số đông.
Song song đó, chính quyền cần ban hành quy tắc ứng xử nơi công cộng; tăng cường tuyên truyền, xây dựng ý thức, trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng bằng những hành vi ứng xử phù hợp với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc cũng như xu thế phát triển của xã hội. Đặc biệt, dùng các quy định của pháp luật để ngăn chặn các hành vi ứng xử không phù hợp nơi công cộng với các chế tài và thực thi nghiêm chế tài. Ví dụ như hành vi hát karaoke gây phiền hàng xóm, hút thuốc lá nơi công cộng, xả rác bừa bãi ra đường, kênh rạch…, luật đã có nhưng thiếu chế tài hoặc xử lý chưa đến nơi đến chốn khiến những hành vi vi phạm cứ thản nhiên diễn ra.
Bình luận (0)