Một người đàn ông có tuổi đang đi xe máy bỗng dừng lại giữa đường, chậm rãi đốt thuốc rồi rồ máy xe chạy tiếp. Một chiếc xe hơi sang trọng đang chạy trên đường, kính xe được kéo xuống, bên trong ném ra một bao nhựa đựng vỏ trái cây mới ăn xong...
Hiểu lầm nghĩa tự do
Chưa hết, một người mẹ chở con đi học về, đứa bé uống xong hộp sữa, hỏi mẹ để vỏ hộp ở đâu thì được trả lời hãy ném xuống đường. Một ông lão nhà ở cạnh bờ kè, thản nhiên nhổ hoa trong vườn hoa công cộng để mang về nhà trồng. Một cô gái ngồi xem phim trong rạp chiếu phim bỗng lấy điện thoại ra nói chuyện như đang ở trong phòng riêng. Một phụ nữ không xếp hàng ở quầy tính tiền trong siêu thị mà còn nhìn người bị mình chen ngang với thái độ khó chịu…
Đó là một số hành vi không khó bắt gặp trong cuộc sống đô thị ngày nay. Thành phố thay đổi từng ngày với tốc độ rất nhanh, nhiều khu vui chơi, mua sắm hiện đại liên tiếp hình thành, cuộc sống người dân được hiện đại hóa thấy rõ. Tuy nhiên, bên cạnh những ứng xử văn minh cũng còn không ít ứng xử chưa tương thích với sự phát triển đó. Tựu trung lại, nguyên nhân dẫn đến những cách hành xử xấu xí có lẽ có một điểm chung: không biết tôn trọng người khác, tự xem mình là quan trọng, chỉ biết có mình và lợi ích của mình.
Ngày nay, khái niệm tự do được thường xuyên nhắc đến, ai cũng đòi hỏi tự do. Điều đó là chính đáng. Tuy nhiên, không ít người không hiểu hoặc lạm dụng ý nghĩa của tự do. Tự do không có nghĩa là cá nhân muốn làm gì thì làm. Tự do cá nhân phải được đặt trong sự tương thích với tự do của người khác. Tức là cá nhân không vì tự do của mình mà làm ảnh hưởng đến tự do của người khác, phải biết tôn trọng tự do của người khác. Ví dụ trong một quán cà phê, mình là khách thì người khác cũng là khách, mình không có quyền làm ảnh hưởng đến người khác.
Hiện nay, tình trạng xả rác bừa bãi ở nơi công cộng vẫn còn xảy raẢnh: Hoàng Triều
Quan trọng là giáo dục
Để một người có cách ứng xử văn hóa, trước hết và quan trọng nhất vẫn là gia đình. Nếu ông bà, cha mẹ có thái độ, hành vi, cách thức sử dụng ngôn từ không chuẩn mực hoặc làm trái với những điều họ thường răn dạy con cháu thì khi con cháu họ trưởng thành, tham gia hoạt động xã hội sẽ ứng xử theo ý muốn, sở thích cá nhân; hoặc có thái độ, hành vi, ngôn từ thiếu văn hóa khi ứng xử với người khác… Ngược lại, nếu ngay từ nhỏ được dạy dỗ nghiêm túc thì lớn lên, người ta sẽ có nhận thức nghiêm túc, tạo lập được nền tảng cơ bản để khi ứng xử trong xã hội sẽ đáp ứng được các yêu cầu của văn hóa. Vì thế, thái độ, hành vi, ngôn từ phản văn hóa đang diễn ra trong xã hội phản chiếu chính sinh hoạt hằng ngày của không ít gia đình Việt Nam. Nói cách khác, ứng xử văn hóa trong xã hội chỉ có thể tồn tại, phát triển khi văn hóa ứng xử trong gia đình luôn được chú trọng.
Tiếp đó, môi trường giáo dục lành mạnh là điều kiện tiên quyết để đào tạo thế hệ trẻ trở thành những công dân tốt. Việc xây dựng môi trường văn hóa trong trường học đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, ý thức công dân và cả cách ứng xử có văn hóa và văn minh trong cộng đồng.
Để tuyên truyền và đẩy mạnh ý thức trong ứng xử của mỗi công dân, chính quyền và các đoàn thể cần tổ chức nhiều chương trình, cuộc vận động, tuyên truyền để giáo dục, rèn luyện ý thức công dân trong ứng xử hằng ngày; đưa ra những quy định bắt buộc với chế tài xử phạt nghiêm với những người cố tình vi phạm như khạc nhổ, xả rác bừa bãi nơi công cộng; vi phạm giao thông; hút thuốc nơi công cộng…
Với những công sở, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh… cũng cần đưa ra những nội quy buộc các thành viên trong đó hoặc thành viên cùng tham gia sinh hoạt, mua bán… phải tôn trọng, vì lợi ích của cộng đồng. Nếu ai vi phạm thì có hình thức xử lý hoặc không phục vụ...
Để xây dựng một xã hội văn minh, trước hết hãy xây dựng những con người văn minh. Đặc tính quan trọng nhất của người văn minh chính là biết tôn trọng người khác. Cần phải hiểu rằng một xã hội văn minh không phải là một xã hội chỉ có nhà lầu, xe hơi, trung tâm thương mại, rạp chiếu phim… mà là một xã hội của sự tôn trọng lẫn nhau.
Bình luận (0)