Kinh nghiệm từ những nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc cho thấy sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, tỉ lệ tiêm vắc-xin cao, hướng tới đạt miễn dịch cộng đồng, các ngành dịch vụ, du lịch, vận tải… bùng nổ trở lại do nhu cầu của người dân như "lò xo bị nén lâu ngày bung mạnh". Khách sạn kín phòng, máy bay kín khách, điểm đến du lịch nhộn nhịp…
Hỗ trợ doanh nghiệp cầm cự qua dịch
Mỗi nơi mỗi khác nhưng tâm lý con người thường giống nhau khi sau thời gian giãn cách, phải ở nhà quá lâu, sẽ khao khát đi du lịch, ăn uống, thăm người thân, bạn bè, khám phá điểm đến mới lạ, tận hưởng cuộc sống. Lúc này, các ngành vận tải, du lịch, dịch vụ, thương mại, khách sạn, nhà hàng… sẽ hồi phục rất nhanh.
Thực tế tại Việt Nam, ở giai đoạn cả nước kiểm soát dịch tốt, nhu cầu đi lại, vui chơi giải trí của người dân tăng mạnh. Những điểm đến đông nghẹt khách, sân bay người dân xếp hàng dài chờ làm thủ tục, bãi biển chật kín du khách…
Hiện doanh nghiệp (DN) trong những lĩnh vực du lịch, hàng không, dịch vụ, thương mại… chịu tác động nặng nề và trực tiếp nhất khi dịch kéo dài từ năm ngoái đến nay. Nếu DN buộc phải rời thị trường, không thể hồi phục, ngân sách cũng sẽ khó tăng mạnh, người lao động khó có việc trở lại. Nếu DN cầm cự được qua dịch, sẽ có cơ hội rất lớn. Từ du lịch, vận tải, dịch vụ, thương mại, sẽ kéo theo những lĩnh vực khác cùng phát triển.
Với nguồn lực có hạn, TP HCM nên tập trung vào những DN có triển vọng, có cơ hội phát triển trong tương lai, cái nào có khả năng phục hồi nhanh nhất và có lợi nhất cho kinh tế địa phương. Cụ thể, TP HCM có thể ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ các nhóm DN này, như: miễn giảm thuế thu nhập DN, thuế GTGT, thậm chí giảm thuế thu nhập cá nhân để cả DN và người lao động bớt gánh nặng phải chịu đựng suốt thời gian giãn cách. Ngân sách có thể hụt thu thời điểm này nhưng có thể hỗ trợ nuôi dưỡng DN cầm cự qua dịch, chờ cơ hội phục hồi trong tương lai và tiếp tục đóng góp vào ngân sách nhiều hơn.
TP HCM vốn nổi tiếng là trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, du lịch. Nếu kiểm soát được dịch và đạt miễn dịch cộng đồng sẽ có cơ hội rất lớn để khôi phục kinh tế, thậm chí phát triển mạnh hơn giai đoạn trước dịch.
Du khách tham quan TP HCM những ngày chưa thực hiện giãn cách xã hộiẢnh: Hoàng Triều
Nhìn xa về đầu tư nhà ở cho công nhân
Từ khi dịch bùng phát trở lại ở TP HCM, đã có làn sóng người lao động chuyển về quê tránh dịch. Khi dịch được kiểm soát trở lại, nhu cầu tuyển dụng lao động của DN sẽ rất lớn.
Hiện nhiều DN ở các KCX-KCN đang gặp khó trong triển khai mô hình "3 tại chỗ" vừa bảo đảm sản xuất vừa phòng chống dịch. Ở nhiều KCX-KCN tại một số địa phương có quỹ đất cho DN xây nhà ở cho công nhân nên triển khai giải pháp này không gặp khó khăn, nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, tái sản xuất. Tại TP HCM, quỹ đất hẹp, DN chưa có ký túc xá, nhà ở cho công nhân nên họ phải tự thuê nhà trọ ở bên ngoài, phân tán, khó khăn cho cả công tác chống dịch và triển khai "3 tại chỗ". Trong khi đó, sức ép phải giao hàng đúng tiến độ cho đối tác nước ngoài rất lớn và nguy cơ không chỉ chi phí tăng cao, mất đơn hàng mà còn bị phạt trễ hạn, hủy hợp đồng…
Từ đó cũng đặt ra vấn đề TP HCM cần ưu tiên dành một phần quỹ đất ở các KCX-KCN xây dựng nhà ở cho công nhân, vừa bảo đảm hoạt động sản xuất của DN trong các tình huống bất khả kháng vừa duy trì chuỗi sản xuất. Khi đó, chuỗi cung ứng của DN không bị đứt gãy, nâng cao uy tín của môi trường đầu tư ở địa phương và trên cả nước.
Ngay cả trong thu hút DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các địa phương bao gồm cả TP HCM cũng cần thay đổi cách nhìn dài hạn, không chỉ ưu đãi về quỹ đất, nhà xưởng, chính sách thuế quan mà cần ưu đãi để khuyến khích DN đầu tư nhà ở cho công nhân. Khi công nhân sống ở những nơi tập trung với điều kiện sống tốt sẽ hạn chế tình trạng kẹt xe, an ninh trật tự trên địa bàn sẽ bớt phức tạp…
Ngoài ra, chính sách hỗ trợ người nghèo, người lao động mất việc làm cũng cần thay đổi. Thay vì từng phường, xã, tổ trưởng dân phố thống kê từng trường hợp người dân gặp khó rồi lên danh sách, sau đó tập trung lại phát tiền có thể dẫn đến thiếu sót, hãy dùng cách như tiêm ngừa vắc-xin cho người dân, cả người thường trú và tạm trú đều có thể được.
TP HCM cũng có thể khuyến khích người dân lãnh tiền hỗ trợ, trợ cấp qua tài khoản ngân hàng (các tổ chức tín dụng có trách nhiệm hỗ trợ người dân mở tài khoản để nhận tiền trợ cấp), thay vì xếp hàng dài chờ đợi, có thêm rủi ro lây nhiễm. Cách này vừa minh bạch lại dễ kiểm soát, hạn chế chi sai, thất thoát…
Mời tham dự cuộc thi
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 tập trung vào 3 chủ đề: 1- Các giải pháp nhằm duy trì, phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19; 2- Hiến kế để TP HCM giữ vững đầu tàu kinh tế của cả nước; 3- Làm gì để chuyển đổi số thành công?
Tác phẩm tham dự cuộc thi là những tác phẩm chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào; không được gửi cho nơi khác, cuộc thi khác. Ngoài các bài viết để đăng báo (không quá 1.200 chữ), tác giả có thể gửi kèm đề án, phương án triển khai, giải pháp thực hiện. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi.
Bắt đầu nhận tác phẩm dự thi từ ngày 14-8-2021 đến ngày 28-7-2022, qua địa chỉ email: bandoc @nld.com.vn. Cuối tác phẩm ghi rõ tên tác giả, bút danh, địa chỉ, số điện thoại liên lạc, tài khoản ngân hàng.
Cơ cấu giải thưởng có 5 giải, gồm: 1 giải nhất: 50 triệu đồng; 1 giải nhì: 30 triệu đồng; 1 giải ba: 20 triệu đồng; 2 giải khuyến khích: 10 triệu đồng/giải.
Đầu tư cho tương lai
Thời điểm hiện tại, nhiều DN đang gặp khó khăn, luôn mong được các tổ chức tín dụng cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ và giảm lãi vay để bớt áp lực tài chính, dồn sức phục hồi hoạt động kinh doanh. Các tổ chức tín dụng có thể chung tay, dành một khoản vốn giá rẻ nào đó cho những DN có khả năng phục hồi nhanh nhất. Dù biết là rủi ro vẫn còn, những tác động tiêu cực có thể kéo dài nhưng khả năng kiểm soát dịch là có và tỉ lệ tiêm vắc-xin ngày càng tăng cao. Nếu tổ chức tín dụng giúp DN sống sót được qua dịch, cũng là đầu tư cho tương lai gần về nguồn thu, khách hàng trung thành của ngân hàng, bởi đặc thù của DN trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, hàng không, thương mại…hoạt động trở lại là có dòng tiền về nhanh.
Bình luận (0)