Những ngày qua, nhiều vụ việc xảy ra làm cho chúng ta phẫn nộ. Đầu tiên là vụ nữ sinh ở Hưng Yên bị bạn đánh hội đồng hồi cuối tháng 3 khiến dư luận bất bình; ngành giáo dục bị chỉ trích gay gắt với những đánh giá rất xót xa.
Đầu tháng 4, dư luận lại "dậy sóng" trước thông tin một bé gái bị người đàn ông lớn tuổi sàm sỡ trong thang máy chung cư ở TP HCM. Vụ này được nhìn từ góc độ biến thái, xâm hại trẻ em rồi cũng quy kết trường học chưa dạy cho trẻ em kỹ năng phòng chống xâm hại... Chưa hết, phó bí thư Đảng ủy kiêm chủ tịch HĐND một xã ở khu vực Tây Nguyên lao vào trường tiểu học rút ví đánh 1 học sinh lớp 5 sưng môi… Người ta bàng hoàng vì ngay trong môi trường học đường, học sinh cũng không được an toàn.
Với những vụ việc đó, không thể phủ nhận vai trò của giáo dục, trách nhiệm của nhà trường nhưng có lẽ cần nhìn nhận cái gốc của vấn đề.
Minh họa: KHỀU
Bác sĩ chẩn bệnh không thể chỉ khám ở vùng đau thực thể mà cần nhìn sâu, thăm khám căn nguyên. Vàng da, đâu hẳn do da mà là do gan, mật... Mồ hôi tay đổ không hẳn do bàn tay mà là nơi nào trong tuyến giáp hay cơ quan khác chi phối.
Nếu trẻ con đánh nhau, có thể lý giải là do nhà trường nhưng gia đình và xã hội ở đâu? Nếu người lớn có hành vi xâm hại tình dục trẻ em (hành vi này chưa thể định dạng sớm khi chưa có luận cứ được xem xét bởi cơ quan chức năng) hay các hành vi tấn công trẻ, có cử chỉ và hành vi làm cho trẻ sợ hãi... thì sao? Có lẽ không ít người bị cuốn theo đám đông nên dễ bị đắm mình trong cơn lốc quy gán, tấn công và thậm chí phủ nhận tất cả để mũi dùi đi không đúng hướng. Đây là điều mà nhiều nghiên cứu về tâm lý học xã hội và truyền thông hiện đại đã minh chứng rất rõ...
Người ta có thể thiếu giá trị sống, non về kỹ năng sống hay cũng có thể biết luật mà chưa hiểu luật nên có hành vi chưa đúng; hoặc có thể ở vị trí cao nhưng hiểu biết chưa tương xứng… Đó là do kém văn hóa. Vì sao một người từng làm trưởng ban "Vì sự tiến bộ phụ nữ", từng có vị trí trong ngành bảo vệ pháp luật vẫn có những hành vi có nguy cơ cho người khác và vi phạm pháp luật? Vì sao một cán bộ địa phương được nhiều người tín nhiệm lại có thể vì bực tức mà bạo hành trẻ em? Điều này minh chứng một cách rõ ràng là họ có biết, có hiểu nhưng chưa có hành vi văn hóa, tư duy văn hóa. Như vậy, chính nhân tố văn hóa mới là gốc rễ của vấn đề.
Suy cho cùng, người ta có thể có bằng cấp nhưng chưa chắc có văn hóa tương ứng; người ta có thể có chức danh nhưng chưa hẳn có tầm văn minh tương đồng... Đó là trách nhiệm của văn hóa. Văn hóa là của ai? Văn hóa là của mỗi người, bắt đầu từ văn hóa trong gia đình, định hướng từ gia đình; bắt đầu từ môi trường sống, từ sự tương tác giữa người và người và đặc biệt là giáo dục văn hóa trong nhà trường cũng như giáo dục văn hóa ngoài xã hội...
Vậy muốn xem căn bệnh xã hội, đừng quên bắt đầu từ văn hóa.
Nói thế để thấy trách nhiệm của văn hóa là cần song hành với giáo dục. Những nhà làm văn hóa, những cá nhân và tổ chức có trách nhiệm với con người, với trẻ em cần thể hiện tiếng nói, hành động của mình trong thực tiễn của xã hội. Điều căn bản dễ thấy nhất là xã hội có nhiều tồn tại và chưa thực sự có văn hóa an toàn, phát triển đúng như mong đợi. Nỗi lo giáo dục vẫn còn và cần giải quyết nhưng phải bắt đầu xử lý triệt để các vấn đề từ gốc rễ: Đó chính là văn hóa.
Văn hóa là những vấn đề mà con người cần rèn luyện và nâng cao mỗi ngày, hoàn thiện không ngừng với tất cả sự nỗ lực cần thiết để đầy hơn, sáng hơn và đẹp hơn.
Bình luận (0)