Một số công nhân làm nhiệm vụ cho biết mặc dù mỗi tháng đội đều vệ sinh cống nhưng do ý thức người dân quá kém nên chỉ dăm bữa nửa tháng, cống lại nghẹt rác.
Nói đâu xa, ngay địa bàn dân cư tôi sinh sống (phường Hiệp Phú, quận 9, TP HCM), con hẻm chỉ chừng 400 m, có 5 miệng cống thoát nước thì có tới 3 miệng cống trở thành nơi để rác thải. Do xe thu gom thường đi buổi chiều, nên nhiều hôm buổi sáng gặp mưa lớn, rác bít hết lối thoát ở miệng cống khiến mặt đường ngập nước. Chuyện để rác vào miệng cống của một số người thiếu ý thức luôn bị người dân phàn nàn, đưa ra tổ dân phố trong các buổi họp nhưng không ăn thua.
Khu chung cư Trần Quốc Thảo (phường 9, quận 3, TP HCM), nơi có lần tôi đến nhà bạn chơi, có một miệng cống ngay sát vỉa hè lối vào ở đường Hoàng Sa cũng ngập rác thải (ảnh). Đáng nói là, ngay phía trên tường sát cửa vào khu chung cư - cách miệng cống đầy rác vài mét, có gắn bảng thông tin tuyên truyền thực hiện việc xây dựng đô thị sạch đẹp, nhắc nhở người dân không vứt, xả rác bừa bãi; đồng thời ghi mức phạt tiền nếu ai vi phạm.
Tình trạng xả rác bừa bãi không chỉ ở 2 khu dân cư nêu trên mà bất cứ nơi đâu trên địa bàn TP HCM cũng dễ dàng bắt gặp. TP đã thực hiện nhiều đợt ra quân tuyên truyền rầm rộ nhưng ý thức của người dân vẫn chưa chuyển biến tích cực. Thiết nghĩ, bên cạnh việc làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền đến từng hộ gia đình, từng người dân, nên thành lập lực lượng cảnh sát môi trường để thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử phạt nặng với người vi phạm. Ngoài việc phạt tiền, cần phải phạt lao động công ích, thậm chí đăng hình ảnh lên phương tiện truyền thông. Phải mạnh tay xử phạt chứ đừng nói suông nữa!
Bình luận (0)