Một đô thị sạch đẹp không chỉ trông chờ vào ý thức người dân mà còn phải thực thi các chế tài mạnh. Hiện nay, nhiều chế tài nghiêm khắc liên quan đến việc bảo vệ môi trường, trong đó có hành vi xả rác, vẫn còn nằm trên giấy nên chưa thay đổi ý thức của một bộ phận cư dân.
Thực thi pháp luật chưa hiệu quả
Theo quy định của Nghị định 155/2016 (thay thế cho Nghị định 179/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013), có hiệu lực từ ngày 1-2-2016, quy định xử phạt hành chính liên quan đến hành vi xả rác, khoản 1 điều 20 như sau:
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng. Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng. Phạt tiền từ 5-7 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.
Thế nhưng, từ khi nghị định này có hiệu lực thi hành đến nay, hầu như chưa thấy trường hợp người vi phạm về xả rác bị xử phạt vi phạm hành chính. Trong khi đó, việc xả rác nơi công cộng, trên vỉa hè, đường phố diễn ra công khai, thường xuyên, điển hình nhất là việc vứt tàn thuốc lá và xả nước, rác thải vào hệ thống thoát nước đô thị.
Nguyên nhân người dân thản nhiên xả rác thải là do lực lượng chức năng thực thi quy định pháp luật chưa triệt để; thậm chí có trường hợp chính quyền địa phương còn nghĩ rằng việc xử phạt hành vi này là của cơ quan khác chứ không phải của mình. Chỉ cần lực lượng chức năng xử phạt một số trường hợp cụ thể, nghiêm minh và thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, sẽ ít nhiều tác động đến nhận thức của người dân.
Nhìn sang một số quốc gia khác sẽ thấy rõ điều đó. Quốc đảo Singapore là một ví dụ. Người xả rác nơi công cộng có thể bị phạt đến 1.000 đô-la Singapore, nếu tái phạm có thể bị phạt lên đến 5.000 đô-la và phải lao động công ích. Kèm với hình phạt là hình ảnh người vi phạm có thể bị đưa lên truyền thông. Sự cứng rắn của cơ quan chức năng đã có tác dụng tích cực, đường phố Singapore rất sạch sẽ, ý thức bảo vệ môi trường của người dân nâng cao.
Ở Anh, bất kỳ ai có hành vi vứt rác, tàn thuốc nơi công cộng thì lập tức bị đội tuần tra viết phiếu phạt tại chỗ và phải đóng phạt trong vòng 2 tuần. Nếu không nộp phạt, người vi phạm có thể bị truy tố hoặc triệu tập ra tòa.
Con rạch ở hẻm 92 Xô Viết Nghệ Tĩnh (phường 21, quận Bình Thạnh, TP HCM) ngập rác thải. Ảnh: THU TRANG
Ý thức nơi công cộng quá kém
Tại Việt Nam, nhiều người vẫn nghĩ rằng việc xả rác là chuyện nhỏ, bình thường như một thói quen sinh hoạt hằng ngày mà không hiểu rằng chính thói quen này đã, đang và sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Đơn cử, sau mỗi cơn mưa lớn hoặc triều cường, nhiều tuyến đường của TP HCM ngập nặng, khi lực lượng thoát nước kiểm tra, phát hiện rác sinh hoạt do người dân vứt vào cống thoát nước, cản trở việc thoát nước, dẫn đến ngập cục bộ.
Nhiều người đổ lỗi cho thùng rác công cộng không lắp đủ để người dân có chỗ bỏ rác. Thực tế, đó chỉ là cái cớ cho những người thiếu ý thức mà thôi. Trên địa bàn TP, thùng rác công cộng đã được lắp trên nhiều tuyến phố nhưng không ít người không bỏ rác vào thùng mà lại bỏ dưới đất, kế bên thùng rác. Thậm chí ngay kế bên thùng rác, là bãi tập kết rác tự phát. Vậy thì đâu phải do thiếu thùng rác mà phải nói rằng do nhiều người thiếu ý thức.
Nhiều năm qua, TP HCM đã phát động chương trình không xả rác ra đường và kênh rạch vì một TP sạch và giảm ngập nước. Thế nhưng, sau vài tháng phát động, tình trạng xả rác vẫn tái diễn, rác đầy trên kênh rạch, đường phố, vỉa hè. Điều này cho thấy ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, đường phố của một bộ phận cư dân quá kém. Họ đòi hỏi đường phố phải sạch đẹp, không ngập nước nhưng chính họ là nguyên nhân làm cho tình trạng ngập nước ngày càng nghiêm trọng.
Hiện nay, trong các trường mẫu giáo và tiểu học, việc dạy dỗ học sinh ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, bỏ rác đúng nơi quy định đã được triển khai. Các cháu có ý thức về việc bỏ rác đúng nơi quy định, thậm chí còn tốt hơn cả người lớn. Đây là một tín hiệu tích cực và các phụ huynh cần học ở con trẻ ý thức này.
Bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục ý thức của người dân thì việc triển khai đầy đủ và nghiêm túc các chế tài được quy định tại Nghị định 155 cũng là một biện pháp nhằm hạn chế việc xả rác bừa bãi. Một đô thị sạch, đẹp, không chỉ trông chờ vào ý thức người dân mà còn phải thực thi các chế tài mạnh. Cơ quan chức năng đừng để các chế tài nghiêm khắc nằm trên giấy mà phải đưa vào cuộc sống mới hy vọng thay đổi ý thức của một bộ phận cư dân.
Mỗi ngày TP HCM có 2.300 tấn rác được xả ra nơi công cộng. Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP, mỗi ngày công ty thu gom khoảng 200 tấn bùn lẫn rác trong hệ thống cống thoát nước.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 23-10
Bình luận (0)