Trước tình hình tham nhũng ngày càng tinh vi và phức tạp, rất cần sự chủ động tham gia phòng chống từ phía người dân để có thông tin, có cơ sở xác định và xử lý hành vi sai phạm của một bộ phận quan chức hiện nay. Tuy nhiên, đa phần người dân rất ngại tố cáo tiêu cực, sai trái bởi nhiều lý do, như: sợ phiền phức, mất thời gian, sợ bị trù dập, bị trả thù hoặc không tin vào cách giải quyết của các cơ quan chức năng…
Mở đường dây nóng, công khai kết luận giải quyết tố cáo
Để người dân yên tâm thực hiện quyền tố cáo của mình, nhà nước cần tạo ra các kênh thông tin, sao cho họ có thể thực hiện việc tố cáo một cách nhanh chóng, hiệu quả. Nhà nước cũng cần có các biện pháp khen thưởng, tuyên dương, bảo vệ người tố cáo.
Hiện nay, theo điều 54 Nghị định 59/2013/NĐ-CP (quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng chống tham nhũng), người dân có thể trực tiếp tố cáo hành vi tham nhũng hoặc gửi đơn, tố cáo qua điện thoại hay qua mạng thông tin điện tử. Vì vậy, cần lập đường dây nóng qua điện thoại hoặc xây dựng các trang thông tin để người dân có thể tố cáo các hành vi tham nhũng một cách nhanh chóng, hiệu quả. Tuy nhiên, người tố cáo cần được giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác; được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của mình và người thân.
Bên cạnh đó, phải nâng cao trách nhiệm giải quyết tố cáo của người có thẩm quyền. Theo điều 18 Luật Tố cáo, sau khi tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo, xác minh nội dung thì cơ quan chức năng cần phải kết luận nội dung tố cáo đó. Sau đó là xử lý và công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.
Ngay sau khi nhận được tố cáo qua điện thoại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiến hành xác minh họ tên, địa chỉ của người tố cáo theo thông tin họ cung cấp; áp dụng theo thẩm quyền hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền áp dụng biện pháp cần thiết nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi tham nhũng.
Người có trách nhiệm tiếp nhận tố cáo mà không tiếp nhận, cố tình trì hoãn hoặc không chuyển cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, người có trách nhiệm giải quyết tố cáo cần chủ động thông báo kết quả đến người đã tố cáo để họ có thể biết được kết quả việc tố cáo của mình, nâng cao trách nhiệm của người dân và thể hiện sự tôn trọng đối với đóng góp của người dân trong công tác phòng chống tham nhũng, đấu tranh chống tiêu cực.
Ngăn ngừa nguy cơ hình thành nhóm lợi ích
Để người dân không ngại tố cáo, rất cần công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cần kiểm tra chặt chẽ những thủ tục hành chính có nguy cơ hình thành nhóm lợi ích, từ đó sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế để người dân dễ dàng nhận biết và chủ động thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.
Giải pháp khác là nâng cao ý thức và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, người dân. Mỗi người dân chúng ta hãy dũng cảm, mạnh dạn lên tiếng tố cáo tiêu cực, sai phạm để giúp cơ quan nhà nước kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Điều quan trọng là phát huy vai trò của báo chí. Thời gian gần đây, thông qua báo chí mà cơ quan chức năng đã phát hiện và vạch mặt nhiều vụ tham nhũng nghiêm trọng. Để báo chí phát huy hơn nữa vai trò của mình, nhà nước cần có cơ chế bảo vệ phóng viên tác nghiệp, khuyến khích đưa thông tin về các vụ việc tham nhũng.
Cuối cùng, cần phải xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về tham nhũng, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách; chịu trách nhiệm trực tiếp về việc để xảy ra hành vi tham nhũng của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ.
Thay vì tố cáo sai phạm, tiêu cực, việc người dân và doanh nghiệp chọn đưa phong bì, quà tặng là hành vi tiếp tay cho nạn tham nhũng phát triển và vi phạm pháp luật.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 4-8
Bình luận (0)