Những ngày qua, người dân ở khu phố 2, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP HCM không ngớt bàn tán chuyện 3 “đầu gấu” ngang nhiên xông vào nhà bà Trần Thị Sen để đánh đập và đe dọa bà: “Nếu tiếp tục tố cáo sẽ phải trả giá đắt”!
Rước họa
Phải mất nhiều lần thuyết phục, bà Trần Thị Sen mới dám tiếp xúc với phóng viên. Lý do bà đưa ra là sợ giang hồ tiếp tục hành hung. Số là, năm 2015, nhà kế bên nhà bà Sen cho một người tên Trần Cao Diệu thuê mặt bằng làm cơ sở sản xuất nước đá. Kể từ đó, mỗi khi máy làm lạnh của cơ sở nước đá hoạt động cũng là lúc căn nhà bà rung lắc như muốn sập (hiện tường nứt khắp nơi - PV). Quá nguy hiểm, bà Sen nhiều lần gặp trực tiếp ông Diệu - chủ cơ sở nước đá - để yêu cầu tìm cách khắc phục nhưng bị từ chối.
Không còn cách nào khác, tháng 7-2015, bà Sen đã làm đơn tố cáo đến UBND phường và quận nhờ can thiệp, giải quyết. Gần 1 năm sau, đầu tháng 7-2016, UBND quận 12 có mời bà Sen và chủ cơ sở sản xuất nước đá đến để hòa giải nhưng hai bên không thống nhất ý kiến. UBND quận sau đó có văn bản trả lời bà Sen là cơ sở này vi phạm ô nhiễm tiếng ồn, biện pháp đưa ra là sẽ tiếp tục xử phạt thật nặng để răn đe.
Bà Sen không đồng tình vì phần thiệt hại nhà cửa của mình không được đền bù. Bà tiếp tục làm đơn tố cáo, khiếu nại. Trưa 13-7, camera an ninh của nhà bà Sen ghi lại hình ảnh 1 chiếc ô tô 4 chỗ màu đen có BKS: 51F-01482 đậu trước cửa nhà bà. Tiếp đến, 3 người trên xe bước xuống đi đâu đó một hồi rồi vào bên trong. Một người đàn ông trong nhóm dùng điều khiển tivi ném mạnh vào mặt bà Sen. Chưa dừng lại, ông ta đá vào đầu khiến bà Sen choáng váng. Hoảng hốt, bà bỏ chạy ra sau bếp để trốn.
Theo lời kể của bà Sen, ngoài việc hành hung bà, 3 người đàn ông đó còn đe dọa: “Nếu cơ sở nước đá đóng cửa thì tiệm của mày cũng dẹp luôn nha”. Khi bà trốn xuống nhà dưới, chúng chưa dừng lại mà còn uy hiếp đòi đánh đến khi mọi người xung quanh hay tin chạy đến, chúng mới lên xe bỏ đi.
Bà Sen bức xúc: “Khi bị hành hung, tôi đã tố cáo toàn bộ sự việc lên công an phường, quận. Công an phường, quận đã đến nhà tôi làm việc. Thế nhưng, đến thời điểm này đã hơn 10 ngày trôi qua vẫn không thấy hồi âm. Chúng tôi từng ngày nơm nớp lo sợ bị ám hại sau khi tố cáo, khiếu nại. Biết vậy, thà chấp nhận cảnh nhà nứt, ồn ào còn sướng hơn cảnh trình báo cơ quan chức năng rồi hồi hộp lo sợ, ngày ăn không ngon, đêm ngủ không yên”.
Dằn mặt
Khốn khổ không kém bà Sen sau tố cáo sai phạm là trường hợp những hộ dân ở ấp Cây Xoài, xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Nhiều năm qua, họ phải sống trong cảnh ô nhiễm trầm trọng nhưng không dám kêu ca.
Sự việc bắt đầu từ khi ông Tư Hiệp (ngụ huyện Trảng Bom) mua đất ở ấp Cây Xoài để làm bãi rác. Hằng ngày, các xe rác, xe hóa chất cứ vô tư đổ vào bãi mà không cần xử lý. Không chịu được ô nhiễm giết hoa màu, vật nuôi cũng như gây nguy hại đến sức khỏe người dân, ông T. (một hộ dân ở ấp Cây Xoài) kêu gọi bà con cùng ký đơn phản ánh lên UBND xã. Đơn vừa gửi đi cũng là lúc “đầu gấu” kéo đến “hỏi thăm” ông T. với lời đe dọa ai nghe qua cũng phải khiếp đảm: “Ông có muốn con cái đi học bình thường hay không?”.
Chính quyền vào cuộc chậm
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về trường hợp của bà Trần Thị Sen, ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận 12, khẳng định sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm. “Đáng tiếc là đã để xảy ra chậm trễ. Trách nhiệm của chúng tôi là phải bảo vệ, hỗ trợ người dân” - ông Hiếu nói.
Đúng như cam kết của ông Hiếu, sau 1 ngày có chỉ đạo của ông, Công an quận 12 cho biết đang tiến hành truy xét để tìm ra kẻ đánh bà Sen, trước mắt đã xác định được 2 đối tượng.
“Trong trường hợp của bà Sen, tùy theo tỉ lệ thương tật, hung khí gây án của người đánh và giá trị tài sản bị hư hỏng mới biết xử lý hình sự được hay không. Người tố cáo cũng có quyền yêu cầu bồi thường những thiệt hại do hành vi áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo không kịp thời và phù hợp” - luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn Luật sư TP HCM) phân tích.
Lãnh đạo UBND xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai thừa nhận ông “trùm” Tư Hiệp thường xuyên đổ rác trộm vào đất của ông ta nằm trên địa bàn xã. Nhiều lần người dân tố cáo có giang hồ bảo kê, bao quanh bãi rác và xã cũng đã nhiều lần lập biên bản, bắt ông Tư Hiệp viết cam kết không tái phạm (!?). Riêng về thông tin người dân bị uy hiếp khi tố cáo thì xã không biết, đại diện lãnh đạo xã này hứa sẽ xem lại xác minh và làm rõ.
“Địa bàn xã Tân An có diện tích rộng, dân cư nằm rải rác, lực lượng ít nên khó quản lý hết” - vị lãnh đạo xã bao biện.
Có quyền yêu cầu được bảo vệ
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng cho rằng hành vi cản trở, trả thù người tố cáo bị nghiêm cấm theo Luật Tố cáo. Cũng theo luật này, người tố cáo có quyền yêu cầu người giải quyết tố cáo và cơ quan công an, UBND các cấp áp dụng các biện pháp bảo vệ sức khỏe, tính mạng và tài sản của bản thân và gia đình.
Khi bị trả thù, người tố cáo cần trình báo ngay với các cơ quan chức năng để có biện pháp bảo vệ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Bình luận (0)