Trong những năm qua, TP HCM đã tổ chức thực hiện nhiều giải pháp để lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè. Qua thực tế, có thể thấy địa phương nào làm mạnh, thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, vỉa hè nơi đó có phần cải thiện. Nơi nào buông lỏng thì mạnh ai nấy lấn chiếm, thậm chí xem vỉa hè là sở hữu riêng, cử người xua đuổi những ai lảng vảng; ngang nhiên cơi nới mái hiên, che bạt, dựng bảng hiệu, kê bàn ghế, đậu xe…
Thực thi luật bằng tinh thần thép
Dù biết lấn chiếm vỉa hè là phạm luật nhưng nhiều người vẫn bất chấp vì lợi ích cá nhân. Lý giải hiện tượng này, nhiều ý kiến cho rằng do ý thức nhiều người kém. Nói vậy có lẽ chưa đủ, bởi ngoài ý thức cá nhân thì việc quản lý và thực thi pháp luật rất quan trọng. Dù luật có quy định phạt nặng đối tượng lấn chiếm, chạy xe máy lên vỉa hè nhưng người được giao thực thi nhiệm vụ làm ngơ, bỏ qua vi phạm, thì cũng như không và càng khiến cho luật pháp bị xem thường, gia tăng tâm lý hoài nghi vào lực lượng thực thi. Luật pháp và thực thi luật pháp không thể tách rời. Luật tốt tạo điều kiện cho quản lý tốt và quản lý tốt giúp cho luật đi vào cuộc sống.
Vỉa hè bị “nuốt trọn”, người dân đi lại khó khăn Ảnh: Ý LINH
Không một bộ luật, quy định nào có thể thỏa mãn hết tất cả mọi người. Vấn đề là nếu an toàn, có lợi cho số đông thì cần thực thi triệt để với một tinh thần thép. Ở các nước phát triển, luật và thực thi pháp luật nghiêm đã tạo thành văn hóa giao thông. Singapore là một điển hình có hệ thống luật mạnh, thực thi nghiêm. Chỉ gây cản trở giao thông đến "số đông" như nghịch các thiết bị cảnh báo, qua đường không đúng chỗ chứ chưa nói đến lấn chiếm vỉa hè, nếu bị phát hiện hoặc bị tố cáo mà có chứng cứ thì sẽ bị phạt từ 2.000 SGD (khoảng 32 triệu đồng) đến cả chục ngàn SGD. Đó là chưa kể có thể bị các chế tài khác như đánh roi, phạt tù.
Có người cho rằng Singapore là nước nhỏ nên dễ quản lý, phát hiện vi phạm và xử phạt nghiêm. Hãy nhìn sang Malaysia đâu phải nước nhỏ nhưng luật pháp và thực thi đâu vào đấy. Không chờ lực lượng chức năng phát hiện, bất cứ công dân nào báo thông tin hoặc gửi hình ảnh đến cơ quan chức năng, người vi phạm sẽ bị phạt nặng, bị buộc lao động công ích. Nhiều người vi phạm bị nêu tên tuổi lên báo đã xấu hổ "xin chừa đến già". Trung Quốc là nước đông dân nhất thế giới nhưng tình hình giao thông vẫn trật tự, hiếm khi xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Đây chính là thuận lợi cho lộ trình cấm xe máy ở các TP Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu… Tất nhiên đều có biện pháp mạnh, phạt thật nặng, xử lý nghiêm tất cả các vi phạm lấn chiếm vỉa hè, không có chuyện xin - cho, bỏ qua.
Không vi phạm, đâu sợ mức phạt
Đừng lấy lý do người dân còn nghèo, thu nhập đầu người còn thấp, mức phạt cao sẽ gây khó khăn cho nhiều người. Bởi thực tế, biện pháp mạnh đã giúp các nước lập lại trật tự đường phố, giảm tai nạn, hướng đến phát triển. Hãy nghĩ làm sao không vi phạm, không bị phạt, chứ đừng lo phạt ít hay nhiều. Không vi phạm, đâu có sợ mức phạt.
Lập lại trật tự vỉa hè bằng việc xử lý nghiêm các vi phạm. Nếu không bắt đầu từ bây giờ thì tình hình sẽ càng tồi tệ hơn, có thể không còn hy vọng.
Các trường hợp lấn chiếm vỉa hè mà có phản ánh hoặc chứng cứ, hình ảnh cho thấy vi phạm đều bị phạt nặng, buộc lao động công ích. Thậm chí đưa hình ảnh lúc vi phạm và trong lúc lao động công ích lên truyền thông để răn đe, nhắc nhở người khác; khách hàng tẩy chay những nơi kinh doanh lấn chiếm vỉa hè.
Ngày nay, hầu như ai cũng có điện thoại thông minh có thể chụp hình, quay clip các trường hợp vi phạm gửi cho cơ quan chức năng. Hơn nữa, TP có hệ thống giao thông thông minh, có thể ghi lại hình ảnh trên đường phố, đó là chứng cứ không thể chối cãi. Hãy làm quyết liệt, đừng làm ngơ trước các vi phạm!
Chính quyền ra sức xử lý, giữ sạch vỉa hè một cách đồng bộ và công bằng, bất kỳ ai vi phạm đều bị xử lý. Bên cạnh đó, phải tăng cường tuần tra, kiểm soát có hệ thống để nhắc nhở và xử lý nghiêm sai phạm mỗi ngày. Chính sự xuất hiện thường xuyên của lực lượng chức năng khiến người vi phạm không dám ngang nhiên xem không gian công cộng vỉa hè là sở hữu riêng, tái diễn vi phạm.
Giải pháp vừa cứng, vừa mềm
Cũng như các địa phương khác, "cuộc chiến" giành lại vỉa hè cho người đi bộ được UBND quận 12 đeo bám hơn 2 năm nay. Đánh giá về việc này, ông Đậu An Phúc, Phó Chủ tịch UBND quận 12, cho rằng đó là cả quá trình với nhiều nỗ lực. Ban đầu chỉ là những đợt ra quân rầm rộ nhằm xử phạt, đẩy đuổi hàng rong, lấn chiếm lòng lề đường. Sau đó, nhiều giải pháp căn cơ để giải quyết bài toán mưu sinh cho người dân được các phường cùng thực hiện, nhờ vậy tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè giảm gần 70% so với trước. Dù vậy, kế hoạch chấn chỉnh trật tự lòng lề đường đến nay vẫn được quận 12 duy trì thường xuyên, liên tục. Hầu như tuần nào đích thân ông Phúc cũng trực tiếp theo đoàn kiểm tra 1 ngày, chưa kể những lần đột xuất; riêng các phường phải có kế hoạch sắp xếp trật tự lòng lề đường mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng và thậm chí cho cả năm.
"Nhìn ở góc độ kinh tế, vỉa hè gắn với sinh kế của người thu nhập thấp, nếu đẩy đuổi chỗ này, họ lại di chuyển sang chỗ khác. Phải giải bài toán sinh kế cho người bán hàng rong, khi đó sẽ hạn chế tình trạng buôn bán trên vỉa hè. Dĩ nhiên, khi có chợ tạm, vẫn phải duy trì việc kiểm tra" - ông Phúc nhìn nhận. Điển hình đường Đông Hưng Thuận 2 nổi tiếng với hàng rong, chợ tạm (còn gọi là chợ Cây Sộp), địa phương ra quân nhiều lần nhưng không ổn. Năm 2018, địa phương vận động chủ sân banh gần đó để mở chợ tạm cho người bán hàng rong, đến nay nhiều tiểu thương buôn bán ổn định.
Tương tự, chợ hàng rong cống Cầu Đồng (phường Thạnh Lộc) và chợ trên đường Thạnh Xuân 21 (phường Thạnh Xuân) cũng được đưa vào 2 chợ tạm gần đó.
Thu Hồng
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 25-6
Bình luận (0)