Chiều 27-11, UBND TP HCM đã tổ chức cuộc họp nghe các đơn vị liên quan báo cáo vụ bạo hành trẻ em ở Lớp Mẫu giáo (MG) Mầm Xanh (phường Hiệp Thành, quận 12, TP HCM).
Không thể chấp nhận
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu bức xúc: "Sự việc quá kinh khủng. Lấy dao hành hung trẻ, đánh đập trẻ bằng mọi dụng cụ… Phải xử lý đến nơi đến chốn những trường hợp này".
Báo cáo sự việc, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP, cho biết ngay sau khi báo chí đăng tải thông tin, lãnh đạo sở đã yêu cầu Phòng GD-ĐT quận 12 báo cáo khẩn về hoạt động của Lớp MG Mầm Xanh. Bà Diễm Thu cũng nhìn nhận để xảy ra vụ việc bạo hành trẻ ở đây, sở cũng có trách nhiệm.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT, trên địa bàn TP có 1.854 lớp tư thục được cấp phép nhưng nhân sự quản lý trường tư thục còn rất khó khăn. "Chúng tôi có kiến nghị ngoài quản lý trực tiếp từ phường - xã thì UBND quận - huyện phải phối hợp các hội, đoàn thể để giám sát thường xuyên" - bà Diễm Thu nói.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND quận 12 Trịnh Thị Mỹ Lan cho biết Lớp MG Mầm Xanh được cấp phép năm 2014, thời hạn 3 năm, đến năm 2016 được gia hạn. Lớp có 36 trẻ, trong đó 25 trẻ từ 3 - 5 tuổi và 11 trẻ từ 11 - 36 tháng. Bà Phạm Thị Mỹ Linh vừa là chủ cơ sở vừa trực tiếp quản lý. Bà Linh có trình độ sư phạm mầm non. Ngoài ra, cơ sở trên có 1 cấp dưỡng đã được cấp giấy chứng nhận và 2 bảo mẫu không có bằng cấp. UBND quận 12 đã kiểm tra, chỉ đạo UBND phường Hiệp Thành đình chỉ ngay lớp MG này; đồng thời yêu cầu công an điều tra vụ việc. "Hiện đã sắp xếp cho 36 cháu đến học ở Trường Mầm non Họa Mi 2, cũng ở phường Hiệp Thành. Tuy nhiên, phường chỉ tiếp xúc được 20 phụ huynh, còn lại thì chưa gặp được" - bà Lan thông tin.
Theo bà Lan, ngay trong chiều 27-11, UBND quận 12 cũng đã chỉ đạo họp toàn ngành, triệu tập chủ các cơ sở, nhóm lớp nhằm nhắc nhở, chấn chỉnh không để xảy ra trường hợp tương tự.
Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, bà Nguyễn Thị Thu trăn trở quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em không thiếu, các quận - huyện đều có công tác thanh - kiểm tra nhưng vì sao chuyện bạo hành trẻ em vẫn tiếp diễn. "Xem clip, tôi không thể hiểu nổi vì sao các cô lại có thể hành hạ các cháu dã man như vậy. Bạo lực không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ mà sẽ ăn sâu vào tiềm thức, tạo cho trẻ sự lo lắng, sợ hãi, về sau hình thành nên tính cách hung hăng. Chúng ta phải có những hành động thiết thực để quản lý, ngăn chặn tình trạng bạo hành trẻ em. Không thể chấp nhận trên địa bàn TP có thêm một vụ như thế này nữa xảy ra" - bà Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Thu chỉ đạo Sở GD-ĐT TP phải chủ trì, cùng với các sở liên quan bàn giải pháp, tham mưu cho UBND TP. Trong đó quan tâm ngay đến việc gắn camera ở các lớp học. Ngoài ra, đối với các điểm mới mở, phải đưa việc gắn camera là một điều kiện để cấp phép.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Thu cũng yêu cầu Sở GD-ĐT tăng cường kiểm tra các cơ sở giữ trẻ trên địa bàn TP. Phát hiện điểm nào không đủ điều kiện thì rút giấy phép hoặc có sự tính toán xử lý. Trong vụ này, nếu đủ yếu tố thì phải khởi tố ngay. "Về việc dư luận có thông tin một đồng chí công an ở quận 12 bảo kê cơ sở này, phải kiểm tra xem có sự việc này không, nếu có thì phải xử lý triệt để" - bà Nguyễn Thị Thu lưu ý.
Sáng 27-11, nhiều phụ huynh đến cổng Lớp Mẫu giáo Mầm Xanh bày tỏ sự bức xúc sau vụ việc bạo hành trẻ em tại đâyẢnh: Sỹ Hưng
"Họ thật độc ác"
Cũng trong chiều 27-11, thượng tá Nguyễn Quốc Hải, Phó trưởng Công an quận 12, cho biết cơ quan công an đã làm việc với bà Linh và cha mẹ của các trẻ bị bạo hành để củng cố hồ sơ. "Hành vi của bảo mẫu tại Lớp MG Mầm Xanh đủ căn cứ để khởi tố tội "Hành hạ trẻ em". Hiện công an đã chuyển hồ sơ qua VKSND" - ông Hải khẳng định, đồng thời cho biết đang tìm 2 đối tượng bảo mẫu liên quan vụ bạo hành để phục vụ điều tra.
Được biết, làm việc với công an, bước đầu bà Linh khai do các cháu nghịch, biếng ăn nên đánh để… dọa các cháu sợ mà nghe lời. Riêng 2 bảo mẫu tên Quỳnh và Đào, bà Linh mới thuê nhưng không có chứng chỉ hành nghề.
Trong buổi sáng bà Linh được mời lên trụ sở Công an phường Hiệp Thành làm việc, một số phụ huynh đã bồng con đến yêu cầu công an xử lý nghiêm các bảo mẫu. Anh Đỗ Công Dương (ngụ quận 12, cậu của bé Gia Hưng, 4 tuổi) kể bé Gia Hưng chính là bé trong clip bị bà Linh đánh tới tấp gần khu vực nhà vệ sinh. Khi mới hơn 1 tuổi, bé được ba mẹ gửi vào lớp MG của bà Linh, anh Dương thường xuyên đưa đón cháu đến lớp học. "Mỗi lần tôi dừng xe trước cổng trường, cháu đều khóc đòi chở về. Tôi chưa kịp hỏi thì cô bảo mẫu nhanh nhẹn đi ra đón cháu vào lớp. Về nhà, tôi cứ nghĩ cháu không thích đi học, chỉ đến khi xem clip tôi mới hay cháu bị đánh dã man như thế" - anh Dương nói.
Cũng theo anh Dương, những lần trước, khi về nhà thấy cháu sưng mắt, bầm ở má, gia đình hỏi, bà Linh nói do bé nghịch, đánh nhau với mấy bé khác. "Cháu sống trong sợ hãi suốt 3 năm mà gia đình tôi không hay biết. Chúng tôi rất hối hận khi gửi cháu vào đây. Họ thật độc ác!" - anh Dương căm phẫn nói.
Chị Nguyễn Thị Hà Thương (nhà kế bên Lớp MG Mầm Xanh) cho biết chị sống ở đây hơn 3 năm, thường xuyên tiếp xúc với bà Linh và các bảo mẫu tại cơ sở này. Nhìn bề ngoài bà Linh rất hiền, ăn nói lịch sự, lúc nào cũng niềm nở với những người xung quanh. "Những lần sang tiệm tạp hóa tôi mua đồ, bà Linh đều khen các cháu ngoan, ăn nhiều, một số cháu lớn thì hơi nghịch. Tôi có hỏi thường xuyên nghe tiếng khóc thét của các bé thì bà Linh nói do các cháu đùa nghịch, chứ bảo mẫu không đánh. Tôi cũng nghĩ vậy, cho đến khi báo chí phản ánh thì mới rụng rời chân tay" - chị Thương nhớ lại.
Phải đồng loạt vào cuộc
Tháng 1-1990, Việt Nam ký Công ước về quyền trẻ em và phê chuẩn ngày 20-2-1990. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và thứ 2 trên thế giới trở thành thành viên của công ước này. Ngoài ra, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành luôn có các quy định bảo vệ nghiêm ngặt các quyền trẻ em, cụ thể là khoản 1 điều 37 Hiến pháp năm 2013, Luật Trẻ em năm 2016, Bộ Luật Dân sự năm 2015.
Thế nhưng, các vụ bạo hành trẻ em vẫn luôn xảy ra, mà mới nhất là vụ bảo mẫu bạo hành đối với trẻ em tại lớp mẫu giáo Mầm Xanh (quận 12, TP HCM). Qua clip có thể thấy các bé bị dọa nạt, đánh đập một cách dã man, hậu quả không chỉ ở những vết thương trên thân thể mà còn ảnh hưởng lớn đến sự phát triển tâm lý, nhận thức của trẻ về môi trường xung quanh. Vì thế, những hành vi này khó nhận được sự tha thứ, phải bị xử lý nghiêm.
Qua vụ việc này và nhiều vụ bạo hành trẻ em khác ở các cơ sở mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình, có thể thấy vụ việc diễn ra trong thời gian dài và chỉ bị "vạch mặt" nhờ các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội. Như vậy, các cơ quan quản lý nhà nước đã chưa sâu sát, chưa làm hết trách nhiệm trong việc cấp phép, thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện và ngăn chặn kịp thời hành vi bạo hành. Câu hỏi đặt ra trước khi cấp phép cho các cơ sở giáo dục, chăm sóc trẻ, các cơ quan có thẩm quyền có trực tiếp xuống kiểm tra cơ sở, thẩm tra hồ sơ, lý lịch của những người trực tiếp dạy dỗ, chăm sóc trẻ? Sau khi cấp phép, có thường xuyên kiểm tra, giám sát hay chỉ làm cho có lệ, khi xảy ra sự việc thì sai đến đâu xử lý đến đó?
Ngoài ra, có một thực tế, những vụ việc bạo hành trẻ em, người dân xung quanh đôi khi có nghi ngờ nhưng vì ái ngại, không muốn "dây vào" nên "mắt nhắm mắt mở" mà làm ngơ. Về phía gia đình, đôi khi vì mải kiếm sống, đã bỏ qua những tâm lý lo lắng bất thường, những vết bầm tím trên cơ thể của trẻ.
Với góc nhìn đa chiều về sự việc trẻ em bị bạo hành, tôi cho rằng để thật sự bảo vệ được trẻ em khỏi các hành vi bạo hành, bảo đảm sự phát triển tốt nhất của trẻ, phải có sự tham gia đồng loạt và cương quyết của các cơ quan chức năng, toàn thể xã hội và gia đình. Trong đó, vai trò của gia đình là rất lớn, có thể được xem là yếu tố quyết định trong việc bảo vệ trẻ.
TS-LS Nguyễn Hữu Thế Trạch
Bình luận (0)