Chiều 22-6, Đại tá Tạ Quang Dũng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Khánh Hòa, cho biết lực lượng biên phòng tiếp tục tuần tra, xử lý thêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật. Ngư dân nếu gặp bất cứ vấn đề gì có thể phản ánh, báo cáo trực tiếp lên Bộ Chỉ huy BĐBP Khánh Hòa để được bảo vệ, bảo đảm bí mật.
Báo Người Lao Động phản ánh có cơ sở
Trước đó, Báo Người Lao Động đã có loạt bài điều tra về việc hàng chục ca-nô, tàu gỗ quần thảo khắp các vùng nuôi tôm ở vịnh Vân Phong thu mua tôm theo kiểu dọa nạt, sẵn sàng đánh ngư dân, khiến cuộc sống vùng vịnh vốn yên bình này bị đảo lộn.
Sau đó, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu Đồn Biên phòng Đầm Môn phối hợp với lực lượng tăng cường của Bộ Chỉ huy BĐBP kiểm tra, xác minh để làm rõ cụ thể từng nội dung mà Báo Người Lao Động phản ánh. Đến nay, Đồn Biên phòng Đầm Môn đã có kết quả xác minh ban đầu vụ việc và khẳng định những gì mà báo phản ánh là có cơ sở.
Về phương pháp, đội tuần tra chọn ngẫu nhiên 10 bè nuôi tôm và tiến hành làm việc với chủ bè.
Theo đó có 6/10 chủ bè không đồng thuận nhưng do lo sợ nên phải bán tôm cho Nguyễn Bá Luân. Theo người dân, có lúc họ phải giấu tôm vào trong thùng nhưng "đàn em" của Luân lục soát, tự ý cân và để tiền lại.
Thủ đoạn của Luân là thời gian đầu mua giá cao hơn chủ nậu khác từ 20.000 đồng/kg. Hơn một tháng, sau khi đã giành được nhiều mối hàng thì Luân tiến hành ép giá xuống 20.000 đồng/kg và gây sức ép để mua tôm giá rẻ.
Ngoài ra, đội công tác có gặp ông Nguyễn Lý (SN 1996, ngụ thị xã Ninh Hòa) là người đi thu mua tôm chết. Ông Lý cho biết đã từng bị người làm của Luân đánh chảy máu miệng. Ông Lý đã có đơn trình báo Công an xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) nhưng đến nay chưa thấy giải quyết.
"Nội dung Báo Người Lao Động phản ánh là có cơ sở, hành vi mua bán tôm chết của Nguyễn Bá Luân là cạnh tranh không lành mạnh. Có việc dùng thủ đoạn dọa nạt, đánh đập các chủ nậu khác để các người này lo sợ mà không dám đi mua, từ đó Luân độc quyền và dùng thủ đoạn ép giá ăn lời cao" - công văn của Đồn Biên phòng Đầm Môn nêu rõ.
Ngư dân huyện Vạn Ninh phản ánh việc nhóm côn đồ chạy ca-nô, tàu gỗ rảo quanh vịnh Vân Phong từ Vạn Giã đến Vạn Thạnh “ép” bán tôm
Phải bảo vệ người dân
Đại tá Tạ Quang Dũng cho biết ông hiểu người dân có tâm lý lo sợ nhưng lực lượng biên phòng bảo đảm sẽ xử lý nghiêm vụ việc.
"Lực lượng BĐBP phải bảo vệ người dân. Ngư dân cứ mạnh dạn nếu có bất cứ vấn đề gì cứ báo cho lực lượng biên phòng để kịp thời xử lý. Nếu ngư dân lo sợ vấn đề gì khác thì có thể điện thoại, báo cáo trực tiếp cho Bộ Chỉ huy BĐBP tại bộ phận trực ban. Chúng tôi sẽ tiếp nhận, xác minh, xử lý ngay. Bà con yên tâm. Chúng tôi sẽ bảo đảm về vấn đề bí mật, không để lộ thông tin. Mình phải bảo vệ dân để dân yên ổn làm ăn" - đại tá Dũng khẳng định.
Theo Đồn Biên phòng Đầm Môn, lực lượng BĐBP đang triển khai ngay lực lượng tuần tra, kiểm tra các phương tiện hoạt động thu mua tôm của Công ty CP Sơn Nam (do ông Nguyễn Bá Luân làm giám đốc), kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm. Ngoài việc xử phạt 1 phương tiện của Công ty CP Sơn Nam vào giữa tháng 5 vì hành vi sử dụng phương tiện sai công dụng đăng kiểm đến nay, lực lượng BĐBP đã phối hợp với chính quyền địa phương mời đại diện Công ty CP Sơn Nam để nhắc nhở, răn đe, đồng thời xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 phương tiện khác.
Sau bài viết của Báo Người Lao Động, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện Vạn Ninh và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương làm rõ; kiên quyết xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự xã hội tại khu vực này (nếu có). Hiện nay, Công an tỉnh Khánh Hòa đã nắm thông tin và chỉ đạo các đơn vị chức năng làm rõ để sớm thông tin về vụ việc.
Liên quan đến Công ty CP Sơn Nam, trước đây vào tháng 10-2018, TAND tỉnh Khánh Hòa đã tuyên án sơ thẩm vụ cố ý gây thương tích xảy ra tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Bị cáo chính trong vụ án là Nguyễn Bá Luân, Giám đốc Công ty CP Sơn Nam, bị tuyên án 2 năm 3 tháng tù vì chỉ đạo đàn em chém đối thủ cạnh tranh. Công ty CP Sơn Nam chuyên đưa khách ra thủy đạo Điệp Sơn mà Báo Người Lao Động trước đó đã phản ánh về tình trạng "Độc chiếm thủy đạo Điệp Sơn vì lãi khủng" (đăng ngày 16-8-2017).
Chống cạnh tranh bất bình đẳng
Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, cho biết hiện nay giá cả tôm hùm đều phụ thuộc thương lái, đầu nậu vì tôm hùm hiện chưa được xuất khẩu chính ngạch. Tôm hùm đang xuất khẩu tiểu ngạch, tiêu thụ nội địa. Chính điều này khiến giá cả lên xuống thất thường, phụ thuộc vào thương lái. Do đó, để tôm hùm có giá ổn định thì phải xúc tiến việc xuất khẩu chính ngạch, chống cạnh tranh bất bình đẳng.
Bình luận (0)