Việc tin nhắn thực hiện từ máy thầy N. đã được chính thầy và BGH thừa nhận qua đánh giá khuyết điểm của thầy. Vì vậy trường hợp sử dụng kỹ thuật thực hiện nhắn tin từ máy khác với hiển thị là số máy của thầy là không có căn cứ. BGH trường ĐH Tây Nguyên thấy không cần xem ai thực hiện tin nhắn, tức là việc đánh giá khuyết điểm thầy N. không phụ thuộc yếu tố này.
Nhà trường đánh giá SV D. đáng bị kỷ luật vì đã ghi âm lén cuộc nói chuyện với thầy là bí thư Đảng ủy trường, là “phạm pháp”. Thế nhưng trên thị trường hiện nay đang bán khá nhiều điện thoại có ghi âm, việc này có thể coi ghi âm điện thoại là hợp pháp. Việc ghi âm, nghe lén điện thoại của người khác mới bị coi là bất hợp pháp.
Việc sử dụng các thông tin được lưu giữ hợp pháp như tin nhắn đến điện thoại của mình, ghi âm cuộc trao đổi điện thoại của chính mình để làm chứng cứ bảo vệ mình có được coi là hợp pháp không? Đây cũng không phải là một tội danh mới hoặc cũ. Theo dõi báo, cho tới khi có kết luận kỷ luật của BGH trường ĐHTây Nguyên tôi mới biết tin SV D. có ghi âm cuộc điện thoại. Vậy thông tin cuộc ghi âm này bị "phát tán", làm ảnh hưởng uy tín nhà trường có đúng hay không?
Để kết tội một người cụ thể nào đó phạm tội xâm phạm tình dục phải làm rõ hai hành vi phạm tội của kẻ đó hoặc phải đi đến sự "giao cấu" hoặc cấu thành hình thức hướng đến việc giao cấu. Kẻ nào có hành động như vậy mới bị khép vào tội xâm phạm tình dục. Còn quấy rối tình dục như cợt nhả với mục đích không rõ ràng hướng tới hành vi giao cấu thì luật Việt Nam không xử lý mà do quy phạm đạo đức điều chỉnh.
Việc xử lý hình sự không thuộc trách nhiệm nhà trường, nên việc tố cáo với công an không thể xem là "vượt cấp". Lời nhắn tin của thầy N. có thể coi là hành vi cưỡng bức. Việc cưỡng dâm chưa thành nhưng hành vi có thể bị truy tố. Ngay cả khi SV D. chấp nhận đi khách sạn và sau đó tố cáo thì thầy N. vẫn phạm tội cưỡng dâm vì đã "dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình" "phải miễn cưỡng giao cấu". Các tin nhắn của thầy có thể bị đánh giá là "cấu thành hình thức hướng đến việc giao cấu".
Điểm số của SV D. không đủ kết luận thầy N đã làm tốt việc hướng dẫn luận văn. Kết quả một bản luận văn phụ thuộc nhiều yếu tố. Các thầy đã dạy và hướng dẫn ở các trường ĐH có thể hiểu rõ vấn đề này. Bản thân tôi cũng đã từng được nhiều sinh viên không do mình hướng dẫn hỏi các vấn đề của luận văn, và tôi cũng khuyến khích các SV do mình hướng dẫn tranh thủ sự giúp đỡ của các thầy cô khác. Tôi không phủ định công lao hướng dẫn của thầy N. nhưng khẳng định kết quả luận văn gắn chặt với thành tích của GV hướng dẫn là chưa chặt chẽ.
Cho đến nay, chưa có một thông tin nào đánh giá đúng sai của SV D. và thầy N. từ các tổ chức lớp, đoàn thể của trường ĐH Tây Nguyên. Mức độ các tổ chức đoàn thể của trường quan tâm đến vụ việc như thế nào và D. có thể nhờ các tổ chức, đoàn thể ấy giúp đỡ bảo vệ mình trong trường hợp này không?
Phẩm hạnh của SV D. ra sao cũng không thay đổi sai lầm của thầy N. Thực tế, nếu SV D. có những hành vi được gọi là "yêu nữ" "cài bẫy" người thầy đáng thương, sao không có một lời nào từ thầy N., từ người nhà của thầy N., từ BGH của trường ĐH Tây Nguyên khi xét kỷ luật SV D. làm rõ vấn đề này? Tôi chỉ đọc được những ý kiến này từ những người viết ý kiến phản hồi, với những phỏng đoán, khẳng định chính kiến mà không hề có bằng chứng.
Bình luận (0)