Cách đây 15 năm, trong một lần quá chén khi đi gặp đối tác, lúc tôi chạy xe về nhà trên đường Song hành Quốc lộ 22, cơn buồn ngủ ập tới. Trong tích tắc của cái sụp mắt, xe tông thẳng vào trụ cột điện ven đường. Vụ tai nạn gây hư hỏng nặng phương tiện nhưng may mắn bản thân tôi chỉ bị thương tích nhẹ. Tôi có được một bài học nhớ đời và bỏ hẳn thói uống rượu bia mà vẫn tham gia giao thông.
Xử phạt nồng độ cồn là công cụ hữu hiệu ngăn chặn các tài xế say xỉn điều khiển xe gây nguy hiểm cho cộng đồng. Lái xe sau khi uống rượu bia đã là một phần không nhỏ gây tai nạn giao thông nên việc xử phạt nồng độ cồn là việc tất yếu ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Nồng độ cồn trong máu (Blood Alcohol Content - BAC) hay nồng độ cồn trong hơi thở (Breath Alcohol Content - BrAC) là những tiêu chuẩn chung trên toàn cầu để xác định mức độ vi phạm của các lái xe. Mỗi quốc gia lại áp dụng BAC và/hoặc BrAC với mức giới hạn khác nhau. Phần lớn mức giới hạn với BAC được tính theo thể tích, một số ít nơi lại theo khối lượng, tương đương con số cao hơn khoảng 6% so với thể tích.
Mức phạt vi phạm nồng độ cồn ở các nước cũng rất khác nhau. Tại Đức, lần vi phạm đầu tiên, tài xế có nồng độ cồn trong máu vượt quá 0,05mg sẽ bị phạt 500 euro, trừ 2 điểm trên hệ thống quản lý giấy phép lái xe và bị cấm lái xe 1 tháng.
Tới lần thứ 2 sẽ bị phạt 1.000 euro, trừ 2 điểm trên hệ thống quản lý và treo bằng 3 tháng. Lần thứ 3 có mức phạt 1.500 euro, bị cấm lái xe trong 3 tháng. Một người dân Đức nếu bị trừ 8 điểm trên hệ thống quản lý giấy phép lái xe sẽ bị tịch thu bằng lái và phải thi lại.
Người từ chối cung cấp mẫu máu, hơi thở hoặc nước tiểu để đo nồng độ cồn có thể bị tù 6 tháng, bị phạt tiền hoặc cấm lái xe ít nhất 1 năm.
Gây tử vong khi lái xe bất cẩn do uống rượu bia được coi là vi phạm nghiêm trọng và có thể bị phạt tù 14 năm, phạt tiền, cấm lái xe ít nhất 2 năm.
Theo pháp luật Trung Quốc, những trường hợp có nồng độ cồn dưới 80 mg/100 ml máu sẽ bị phạt từ 1.000 nhân dân tệ đến 2.000 nhân dân tệ (3 triệu - 6 triệu đồng) và đình chỉ giấy phép lái xe trong 6 tháng. Trường hợp nồng độ cồn trên 80 mg/100 ml máu bị phạt tối đa 3 năm tù và bị cấm lái xe trong vòng 5 năm.
Còn mỗi tiểu bang ở Mỹ có quy định khác nhau đối với hành vi lái xe khi say rượu. Hầu hết trong lần đầu vi phạm lái xe khi say rượu được xếp vào tội nhẹ, bị phạt tiền từ 500-2.000 USD (từ 12- 46 triệu đồng) và phạt tù không quá 6 tháng. Mức phạt sẽ nâng lên nếu tái phạm, phải thi lại giấy phép lái xe hoặc phạt tù khi gây tai nạn nghiêm trọng.
Nhật Bản có khung hình phạt rất nghiêm khắc với hành vi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Tài xế có nồng độ cồn trong máu ở mức từ 0,15mg/1 lít khí thở (tương đương 1 cốc bia) có thể bị quy vào lỗi “điều khiển phương tiện giao thông trong tình trạng không tỉnh táo”.
Hình phạt cho tội danh này là 500.000 yên và mức án tù có thể lên tới 3 năm. Trong trường hợp vi phạm nồng độ cồn nghiêm trọng hơn, tài xế sẽ bị phạt 1 triệu yên và đối diện mức án 5 năm tù. Đặc biệt, các hành khách ở trong xe cũng sẽ bị xử phạt trong trường hợp này.
Với một số nơi như Hong Kong, Hà Lan, Scotland hay Phần Lan, ngoài BAC, BrAC cũng được áp dụng với mức 0,22 g/lít khí thở. Một số nơi khác, giới hạn của BrAC cao hơn, như New Zealand từ 0,25 g/lít khí thở, Singapore từ 0,35 g/lít khí thở.
Đối chiếu với chế tài xử phạt vi phạm nồng độ cồn ở nước ta thì mức phạt là cao, có tính răn đe và giáo dục. Khi nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực pháp luật, phần lớn người uống rượu bia đã hạn chế lái xe. Lúc này, câu hỏi về quy định nồng độ cồn bằng 0 như Việt Nam có phải là cứng nhắc, gây thiệt hại đến nền kinh tế ban đêm cho doanh nghiệp và người dân không?
Khái niệm “vùng xanh” là công cụ nhằm bảo đảm các quyền cơ bản của công dân, bảo đảm sinh hoạt bình thường của người dân trong xã hội.
Ngưỡng giới hạn đặt ở mức BAC=0,03% để bảo đảm ngăn chặn việc uống rượu, say xỉn vẫn tham gia giao thông nhưng đồng thời không bị các “dương tính giả” đang được áp dụng phổ biến.
Có mấy lý do chính để xem xét áp dụng “vùng xanh” trong xử lý vi phạm nồng độ cồn cần tính đến:
Thứ nhất, khả năng xử lý rượu bia của cơ thể của mỗi người phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như tuổi, giới, cân nặng, tốc độ uống, thức ăn, có đang dùng thuốc hay không.
Hệ tiêu hoá của con người là chuỗi phản ứng lên men nên yêu cầu tỉ lệ bằng 0 là không chính xác. Bởi vì giá trị tuyệt đối chỉ có trong toán học, nó không tồn tại ngoài tự nhiên và càng không nên áp vào luật định, nhất là khi mỗi cơ thể người đều có một lượng “cồn sinh học”.
Thứ hai, những sai số lệch chuẩn của trang thiết bị đo nồng độ cồn làm ảnh hưởng cơ bản bản chất của hành vi vi phạm dẫn đến quyết định xử phạt vi phạm hành chính không đúng từng xuất hiện. “Vùng xanh” chính là “cứu cánh” cho cả lực lượng chức năng và người vi phạm để không xảy ra xung đột lợi ích giữa các bên khi xảy ra sai số.
Thứ ba, khuyến cáo của ngành y tế cho biết một số loại thức ăn hay một số loại quả lên men cũng có thể có ethanol gây vi phạm trên mức 0, như: chocolate nhân rượu, một số thuốc si-rô cảm cúm, dung dịch sát trùng, viên sát trùng miệng/họng... Chúng ta sinh ra chế tài xử phạt nhằm vào những người cố tình vi phạm nồng độ cồn nhưng đừng vô tình "bắt chẹt" luôn số đông còn lại.
Cuối cùng, những biện pháp mạnh trong xử phạt vi phạm nồng độ cồn đều nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông góp phần phát triển kinh tế- xã hội. Kết hợp giữa tuyên truyền, giáo dục và chế tài xử phạt “đánh vào kinh tế” là biện pháp cuối cùng. Tuy nhiên, không nên gây ức chế, thiệt hại đến doanh nghiệp và người dân vì sự cứng nhắc trong luật định, bởi tất cả các bên đều có chung quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm.
Bình luận (0)