Sáng 25-5, người dân đi qua cầu Tham Lương (quận 12, TP HCM) ngỡ ngàng khi thấy những ụ rác to xuất hiện chỉ sau 1 đêm. Rác nằm thành ụ trên thành cầu, chất đống dưới chân cầu (phía quận Tân Phú, TP HCM).
“Nhà rác” trên đường Út Tịch (quận Tân Bình, TP HCM). Ảnh: THU HỒNG
Bỏ rác bất kể nơi nào
Cầu Tham Lương là địa bàn giáp ranh giữa 3 quận gồm quận 12, Tân Bình và Tân Phú; thành cầu hướng từ quận 12 về quận Tân Bình là nơi tụ tập buôn bán hàng rong từ nghêu sò ốc đến trái cây...
Ghi nhận ở một số tuyến đường như Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), Nguyễn Văn Nghi (quận Gò Vấp), Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh)..., tại một số cột điện, trạm xe buýt, gốc cây..., rác bỏ ngổn ngang, bốc mùi hôi thối, đầy ruồi nhặng.
Rác chất đống đường vào hầm chui Linh Xuân (TP Thủ Đức, TP HCM). Ảnh: ANH VŨ
Còn tại TP Thủ Đức, ven Quốc lộ 1 đoạn ngã tư cầu vượt Linh Xuân, rác tràn lan dưới gầm cầu, trong các bụi cây, vỉa hè... Khu vực này là khu chế xuất đông công nhân, các xe bán hàng rong dàn hàng, người mua người bán tiện tay ném rác xuống đường. Cạnh đó, đường số 2 và 14 (phường Linh Trung) cũng rơi vào tình cảnh tương tự, nhiều đoạn rác tràn lan không còn biết đâu là mặt đường. "Đêm đến, người ta cứ đem rác đến vứt, lúc đầu tôi còn dọn dẹp nhưng ngày nào cũng vậy nên tôi đành bỏ mặc" - bà Nguyễn Tú Xuân (sinh sống khu vực này) nói.
Ở trung tâm thành phố, rác thải cũng ngang nhiên "ngự trị". Ngay vỉa hè đoạn đường Hoàng Sa (phường 9, quận 3), mặt bằng một quán ăn vừa được trả, chỉ vài ngày sau, đã xuất hiện đống rác to. Một quán ăn lớn nằm trên mặt tiền đường Út Tịch (quận Tân Bình) vừa để trống, ngay lập tức biến thành "nhà rác".
Tại đại lộ Phạm Văn Đồng, không khó để bắt gặp các bãi rác lớn, nhỏ ở các bãi đất trống, lề đường, cầu thang bộ và nhất là vỉa hè bên cạnh các quán nhậu. Theo lời một người chủ quán, "cứ để đó, không sáng thì chiều cũng có người dọn".
Ý thức "bỏ quên", phải phạt nặng!
Có nhà trên đường Phạm Văn Sáng, nơi thường xuyên xuất hiện các ụ rác chất chồng ngày này qua ngày khác, bà Nguyễn Thị Sáu cho biết: "Đường Phạm Văn Sáng giáp ranh 2 xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) và Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) nên ban đêm, nhiều người lén đem rác ra vứt. Mỗi ngày một vài túi thì 1 tuần đã xuất hiện cả núi rác. Chính quyền thỉnh thoảng thuê xe ép rác đến xúc, đoạn đường sạch sẽ được vài bữa rồi đâu lại vào đấy. Thật không thể hiểu nổi! Sao có người muốn nhà mình sạch mà lại đem rác ra đường, bôi bẩn đường phố?!".
Rác trên cầu Tham Lương. Ảnh: THU HỒNG
Không giấu được bức xúc khi cầu Tham Lương chỉ một đêm đã đầy rác, chị Nguyễn Thị Thu Hiền (quận 12) nói: "Ngày nào tôi cũng đi qua con đường này, mới hôm trước thành cầu rất sạch, sáng ra rác đã chễm chệ ở đây. Rác ở đâu mà nhiều vậy? Hễ ra đường là thấy rác. Bây giờ chỉ có thể dùng camera để phạt nguội với mức phạt thật nặng thì may ra mới nâng cao ý thức người dân".
Nói về việc xả rác tràn lan, ngay cả những nơi có cắm biển "Cấm đổ rác", có camera và thông báo mức xử phạt, anh Phan Nguyễn Thành (ngụ quận Tân Bình) băn khoăn: "Ai phạt? Phạt ai? Tôi chưa thấy trường hợp nào bị xử lý vì xả rác bừa bãi cả".
Anh Thành đề xuất: "Luật đã có, camera đã gắn, vi phạm thì cứ theo đó mà xử phạt, thậm chí phạt kịch khung. Đừng nhắc nhở, tuyên truyền nữa mà vi phạm thì phạt. Ngoài ra, cần nghiên cứu hình phạt lao động công ích, bêu tên người vi phạm trên các trang mạng xã hội của địa phương... Chỉ có làm quyết liệt như vậy mới mong cải thiện được tình trạng này".
Miệng cống trở thành thùng rác
Trên nhiều tuyến đường, từ quận 1, 3, 4, Bình Thạnh, Bình Tân... đến TP Thủ Đức, không khó bắt gặp hình ảnh miệng cống thoát nước là nơi chứa rác. Từ túi ni-lông, hộp xốp, ly nhựa đến thức ăn thừa, vỏ dừa... bịt kín miệng cống thoát nước, thậm chí người dân còn thẳng tay dồn rác vào miệng cống. Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đường ngập nặng bởi rác thải theo dòng nước mưa trôi thẳng vào cống thoát nước.
Bình luận (0)