Theo báo cáo "Nghiên cứu thị trường cho Việt Nam - Cơ hội và rào cản đối với tuần hoàn nhựa" do IFC và Ngân hàng Thế giới vừa công bố, cho thấy mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 3,9 triệu tấn nhựa, trong số này chỉ 1,28 triệu tấn (33%) được thu gom tái chế; còn lại 2,62 triệu tấn nhựa bị thải bỏ, phải mang đi chôn lấp.
Loay hoay với việc chôn lấp rác
Việc phân loại rác thải tại nguồn mang lại nhiều lợi ích đối với môi trường khi giảm được khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phải chôn lấp, khối lượng nước rỉ rác sẽ giảm. Nhờ đó, các tác động tiêu cực đến môi trường sẽ giảm đáng kể.
Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều người vẫn quen với lối sống sao cho tiện, nhanh, đơn giản, tiết kiệm... khiến tình trạng rác thải ngổn ngang, nhếch nhác. Người dân chưa quan tâm lắm đến việc phân loại rác, còn cơ quan chức năng vẫn mãi loay hoay với biện pháp chôn lấp vì chưa có một giải pháp khả thi.
Tại Việt Nam mới chỉ tái chế rác thải được gần 10% trong khi phân loại, tái chế rác thải còn được xem là tiêu chí của một xã hội văn minh, nhiều nơi trên thế giới đã đạt ngưỡng tái chế chất thải lên đến 99%.
Trong chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 17-12-2009, đặt ra mục tiêu đến năm 2025, 100% các đô thị có công trình tái chế chất thải rắn thực hiện phân loại tại hộ gia đình; 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 100% tại các làng nghề được thu gom và xử lý bảo đảm môi trường.
Đến nay chỉ có khoảng 22% số tỉnh, thành ban hành quy định khuyến khích phân loại rác tại nguồn và thực tế chỉ có 7% các tỉnh áp dụng quy định này. Ngoài ra, trên 55% các tỉnh, thành vẫn còn sử dụng chung một thùng đựng cho các loại rác, nhận thức về lợi ích của việc giảm và tái chế chất thải cũng như năng lực của địa phương để thực hiện các hoạt động này vẫn hạn chế.
Tình trạng quản lý chất thải rắn nói chung hiện nay vẫn đang còn nhiều bất cập. Nhiều nơi vẫn đang loay hoay với bài toán xử lý chất thải rắn sinh hoạt sao cho đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; công tác thu gom, vận chuyển, xử lý vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Bãi rác khổng lồ ven Kênh Tẻ (quận 7, TP HCM)
Thu hút đầu tư công nghệ về môi trường
Trong khi lượng chất thải rắn tại các đô thị và cả khu vực nông thôn ngày càng lớn, việc xử lý chất thải rắn hiện nay chủ yếu bằng phương pháp đốt, chôn lấp đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân và làm tăng nguy cơ ô nhiễm không khí và nguồn nước.
Các cơ quan chức năng cần sớm thực hiện thí điểm lộ trình quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 trong việc triển khai cơ chế phân loại rác thải tại nguồn. Khuyến khích đầu tư xây dựng và vận hành cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thực hiện có hiệu quả Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) bảo đảm tính hiệu quả, ổn định và bền vững của dự án, phát huy và đa dạng hóa nhiều nguồn lực cho xử lý chất thải. Ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng có khả năng tái chế...
Cần sớm xây dựng, hoàn thiện và ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Ban hành và công bố danh mục công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt khuyến cáo áp dụng tại Việt Nam, làm cơ sở cho các địa phương triển khai. Bên cạnh đó, triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình và cá nhân tại một số địa phương. Ban hành các hướng dẫn kỹ thuật đối với việc cải tạo, nâng cấp và xử lý ô nhiễm môi trường tại các bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh, các khu vực bị ô nhiễm do rác thải gây ra, bảo đảm yêu cầu của bảo vệ môi trường.
Khẩn trương thu hút đầu tư lĩnh vực công nghệ về môi trường, phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn đồng bộ, tăng cường chuyển giao công nghệ. Tiến tới việc tính đúng, tính đủ chi phí xử lý rác thải đối với mỗi hộ gia đình để có thêm ngân sách đầu tư máy móc, công nghệ theo hướng hiện đại, bao gồm các hệ thống xử lý nước thải, khí thải, mùi hôi... nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vứt, xả rác bừa bãi, rất cần sự vào cuộc, chung tay và đồng lòng từ người dân, chính quyền địa phương đến các cơ quan chức năng. Ngoài tăng mức phạt tiền, cần bổ sung các chế tài bắt buộc như công khai tên tuổi trên các phương tiện truyền thông; gửi thông báo về địa phương, cơ quan chủ quản; phạt lao động công ích đối với những người cố tình tái phạm; trực tiếp dọn dẹp những bãi rác do chính họ đã xả thải... Kinh nghiệm của các nước giữ được môi trường xanh - sạch là áp dụng mức phạt cao và buộc người vi phạm phải lao động công ích, dọn dẹp vệ sinh đô thị.
Giáo dục từ trẻ em
Song song với chống xả rác, cần bắt tay vào việc xây dựng nền nếp, rèn luyện ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ em.
Trong gia đình, cha mẹ phải dạy con biết giữ gìn vệ sinh chung, vứt rác đúng nơi, đúng chỗ bằng những lời khuyên nhẹ nhàng, khiển trách đúng mực, thông qua những câu chuyện, hình ảnh sinh động, chân thực. Dĩ nhiên, để làm được điều đó, phụ huynh phải là người gương mẫu, bỏ rác đúng nơi quy định.
Phương pháp trực quan sinh động cũng là cách giáo dục tốt: các đoạn phim trên tivi với cảnh dòng kênh đầy rác, một bãi rác giữa phố gây hôi thối... Cha mẹ có thể cùng xem với con, giải thích cho con biết đâu là hoạt động tàn phá môi trường, từ đó định hướng việc giữ gìn vệ sinh môi trường với con trẻ. Xa hơn nữa, có thể cùng trẻ chạy bộ kêu gọi bảo vệ môi trường, cùng trẻ tham gia các hoạt động môi trường của cộng đồng...
Dạy cho trẻ biết không vứt rác bừa bãi hôm nay chính là góp tay, góp sức bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp ngay từ bây giờ và cả tương lai.
Lê Quang Huy
Bình luận (0)