Với đa số người dân Việt Nam, việc tham gia giao thông bằng xe máy là hoạt động hằng ngày. Từ đi làm, đi chơi, đi mua sắm đến đi chợ…, cả hệ thống giao thông của chúng ta ban đầu được thiết kế để phục vụ cho sự thuận tiện của người đi xe máy. Do đó, để đạt được sự thay đổi tích cực về văn hóa giao thông tại Việt Nam, trước mắt phải đặt trong bối cảnh của văn hóa sử dụng xe máy.
Ý thức người đi xe máy ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ
Thực ra, việc sử dụng xe máy có ở hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ, không phải là "đặc sản" của những nước có thu nhập thấp, bởi đây là phương tiện nhỏ gọn, chi phí thấp, dễ di chuyển trong những cung đường nhỏ hẹp. Từ những con đường nhộn nhịp ở Delhi (Ấn Độ) đến Jongno-gu (Seoul - Hàn Quốc), xe máy được bắt gặp thường xuyên, chỉ khác nhau bởi số lượng và cách sử dụng.
Tại Ấn Độ, dù giá ôtô rất rẻ, việc sử dụng xe máy vẫn rất phổ biến. Người dân đi xe máy chấp hành khá tốt các quy định về giao thông, hiếm xảy ra các trường hợp như vượt đèn đỏ hay leo lên vỉa hè di chuyển khi tắc đường. Các vụ tai nạn liên quan đến xe máy, do đó cũng được hạn chế một phần.
Còn ở Đài Loan - Trung Quốc, không khó bắt gặp hình ảnh xe máy xếp hàng ngay ngắn trước vạch đèn đỏ, mặc cho thời tiết nắng nóng gay gắt. Không thấy chiếc xe máy nào dừng ở bóng râm phía sau hay dưới tán cây bên vỉa hè.
Tại Hàn Quốc, xe máy được sử dụng chủ yếu bởi lực lượng shipper và sinh viên. Dù người dân phàn nàn về việc phóng nhanh để kịp đơn hàng của lực lượng này nhưng họ hiếm khi gây tai nạn, một phần vì ý thức tuân thủ các quy tắc giao thông khi di chuyển, đặc biệt là với đèn tín hiệu và các quy định về nhường đường.
Ý thức và hình phạt
Không có đường tắt trong việc xây dựng văn hóa giao thông và mỗi nước với đặc điểm giao thông khác nhau, sẽ có những nét đặc thù trong văn hóa giao thông. "Đặc sản" kẹt xe ở Bangkok - Thái Lan với đường phố chen đầy từ ôtô đến tuk tuk, xe máy, gây ấn tượng với du khách bằng sự điềm tĩnh của những người lái xe khi không ai bấm còi, ngay cả khi phải chờ hàng giờ trên đường.
Ở Hàn Quốc, người đi bộ hoặc đi xe đạp sẽ được ưu tiên tối đa, không chỉ từ hệ thống đèn tín hiệu hay làn đường dành riêng ở khắp nơi, mà bởi tất cả ôtô và xe máy đều sẽ nhường đường.
Ý thức không tự nhiên có mà được hình thành từ sự rèn luyện, một phần từ kỷ luật, một phần từ đặc tính cộng đồng và một phần từ quy định và giám sát của chính quyền.
Một ví dụ ở Hàn Quốc chứng minh cho điều đó. Để hạn chế tình trạng lái xe quá tốc độ trên quốc lộ/cao tốc, cùng với việc lắp camera giám sát và phạt nguội, cứ mỗi đoạn đường tầm 1 km, một bảng đèn nháy 2 màu xanh - đỏ (giống đèn nháy trên xe cảnh sát) được lắp đặt. Bảng đèn này đã giúp làm giảm tình trạng lái xe quá tốc độ, giảm tai nạn trên đường mà không cần dùng đến các hình thức phạt khác.
Ở Mỹ, xe buýt chở học sinh là phương tiện được ưu tiên tối đa trên đường. Mỗi lần xe dừng để đưa - đón học sinh, tất cả xe phía sau phải dừng lại và nhường đường, cấm vượt (mỗi lần vượt sẽ bị phạt khoảng 200 - 500 USD tùy luật mỗi bang).
Văn hóa giao thông ở mỗi nước được hình thành từ chính những đặc điểm giao thông ở đó và sẽ không hợp lý nếu áp dụng một cách máy móc các phương thức tổ chức giao thông của nơi khác vào Việt Nam. Những thực hành văn hóa giao thông tốt đẹp được hình thành và xây dựng trong khoảng thời gian dài và cần sự nỗ lực của cả cộng đồng, với vai trò quan trọng từ chính mỗi gia đình. Không có ví dụ nào tốt hơn việc cha mẹ làm gương cho con trong mỗi thực hành giao thông của mình.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 22-6
Bình luận (0)