xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xe buýt phải là phương tiện chủ lực

SỸ ĐÔNG

Xe buýt còn phải thay đổi nhiều từ xe, tuyến, hạ tầng đến thái độ phục vụ mới hy vọng trở thành sự lựa chọn ưu tiên của người dân trong những năm tới

Mặc dù xe buýt đang tồn tại nhiều vấn đề khiến người dân chưa mặn mà sử dụng, tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, trong tương lai gần, xe buýt phải là phương tiện chủ lực trong vận tải hành khách công cộng để giảm ùn tắc giao thông.

Đầu tư xe buýt lớn và nhỏ

TS Lương Hoài Nam (chuyên gia kinh tế - đô thị) cho rằng TP HCM phải xem xe buýt là chủ lực cho đến năm 2030 và cần có chiến lược, kế hoạch cụ thể để phát triển loại hình này. "Nếu TP phát triển được một hệ thống giao thông công cộng hiện đại, an toàn, văn minh, rẻ hơn xe máy thì người dân sẽ tự động bỏ xe máy. Hiện nhiều doanh nghiệp (DN) quan tâm đến vận tải xe buýt nhưng không biết chiến lược và quy hoạch của TP sắp tới như thế nào. Do đó, TP cần công bố chiến lược phát triển xe buýt trong tương lai để các DN tham gia, đầu tư" - TS Lương Hoài Nam đề xuất.

Đồng quan điểm, PGS-TS Phạm Xuân Mai cho biết hiện TP có khoảng 3.000 xe buýt, để phát triển mạng lưới xe buýt đến năm 2030, TP cần khoảng 21.000 xe. Vì vậy, TP cần tìm nguồn vốn đầu tư xe buýt loại lớn và nhỏ cho phù hợp đặc thù các tuyến đường.

Còn theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, quy hoạch phát triển xe buýt cần gắn với quy hoạch đô thị để khai thác hiệu quả mạng lưới xe buýt cũng như đáp ứng nhu cầu của người dân. Muốn vậy, TP cần có những cuộc điều tra xã hội học để khảo sát nhu cầu di chuyển của người dân nhằm sắp xếp các tuyến xe buýt cho phù hợp. 

Ngoài ra, để hiệu quả nhất, cần làm thẻ từ tính cho khách đi xe buýt và khuyến khích mua hằng tháng. Khi sử dụng thẻ từ, người dân sẽ đi xe buýt nhiều hơn, đồng thời thông qua thẻ từ, cơ quan quản lý sẽ biết được người dân ở đâu, đi đâu, dừng các trạm nào, từ đó có thể làm thông tin tham khảo cho quy hoạch phát triển đô thị.

Xe buýt phải là phương tiện chủ lực - Ảnh 1.

Xe buýt 159 (tuyến Bến xe An Sương - Sân bay Tân Sơn Nhất - Bến xe Miền Đông) văn minh, hiện đại được nhiều hành khách yêu thích Ảnh: Quốc Chiến

"Do đặc thù các khu đô thị hiện hữu của TP có diện tích nhỏ, cần có nhiều xe buýt nhỏ cho người dân di chuyển thay vì xe máy. Thậm chí, cần có những xe buýt từ 8-10 chỗ để vận chuyển khách từ đường nhỏ ra các tuyến chính. 

Xe buýt là phương tiện công cộng, phục vụ cho số đông nên ít khi phân biệt xe chất lượng cao với xe buýt thông thường, nếu có thì chỉ có một số tuyến đặc biệt như tuyến xe buýt ra sân bay, qua các khách sạn lớn khu trung tâm phục vụ cho khách ở các khách sạn và người dân có nhu cầu. Cũng vì thế, việc trợ giá cho xe buýt là đương nhiên, ở nước nào cũng có, tùy theo năng lực quản lý, vận hành. Có thể tạo thêm nguồn thu từ quảng cáo để giảm bớt trợ giá từ ngân sách. Quảng cáo ở thân xe, nhà chờ, trạm dừng, trong xe (trần xe hoặc các màn hình)" - KTS Nam Sơn góp ý.

Gắn 4.000 camera giám sát

Theo ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng (Sở Giao thông Vận tải TP HCM), TP có khoảng 3.000 xe buýt khai thác 141 tuyến bao gồm cả trợ giá và không trợ giá. Năm 2016, TP đã thay mới gần 700 xe buýt trên 39 tuyến xe có trợ giá. Sắp tới, sẽ tiếp tục đầu tư thêm khoảng 800 xe buýt CNG (sử dụng khí nén thiên nhiên, hiện có khoảng 200 xe sử dụng khí CNG).

Ông Trung cũng thông tin thêm mạng lưới xe buýt đã được Bộ Giao thông Vận tải quy hoạch chi tiết đến năm 2025 và tầm nhìn 2030, sắp tới sẽ có lộ trình đầu tư; đồng thời nhiều tuyến xe buýt được điều chỉnh để kết nối các điểm tập trung đông người như sân bay Tân Sơn Nhất, ga Sài Gòn và các bến xe lớn.

"Sắp tới, chúng tôi sẽ mở thêm các lớp tập huấn cho tài xế, tiếp viên để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Hiện chúng tôi đã triển khai lắp đặt 4.000 camera và thiết bị giám sát hành trình để theo dõi thái độ phục vụ của tài xế, tiếp viên cũng như giám sát an ninh trật tự trên xe, nếu có hành vi nào chưa chuẩn mực sẽ bị xử lý. 

Riêng đối với các trạm thông tin hư hỏng, xuống cấp, chúng tôi đã làm việc với đơn vị vận hành và thống nhất tháo dỡ 20 trạm không thể sử dụng được, hoàn trả mặt bằng cho nhà nước, 20 trạm còn lại sẽ nâng cấp phần mềm để tiếp tục sử dụng" - ông Trung cho biết. 

Tiếp tục cho quảng cáo trên 171 xe buýt

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong vừa đồng ý cho Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tiếp tục thực hiện hợp đồng quảng cáo trên 171 xe buýt. Sở GTVT phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan lập đơn giá cho thuê quảng cáo trên thân xe buýt có trợ giá, trình UBND TP trước ngày 30-7.

Trước đó, từ tháng 4, UBND TP đã cho thí điểm quảng cáo trên 171 xe buýt có trợ giá thuộc 10 tuyến, ngân sách thu được 14,6 tỉ đồng, tăng 40% so với dự kiến.

UBND TP cũng chấp thuận để hơn 2.000 xe buýt trên địa bàn cho thuê quảng cáo trên bề mặt của 2 bên thân xe, kể cả phần cửa và kính, trừ vị trí sử dụng để thông tin nhận diện xe buýt. Theo tính toán của Sở GTVT, quảng cáo trên hơn 2.000 xe buýt sẽ thu được hơn 100 tỉ đồng mỗi năm, góp phần giảm tiền trợ giá cho xe buýt.

N.Phan

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo