Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn:
Không thể để nhà nước trợ giá mãi
Xe buýt là phương tiện vận tải công cộng quan trọng nhưng nhiều năm nay hoạt động của xe buýt chưa thực sự thu hút người dân. Để quản lý, vận hành xe buýt tốt hơn, hiệu quả hơn, TP HCM cần phải thay đổi tư duy quản lý, vận hành xe buýt với 5 điểm chính sau:
Thứ nhất, cần thay đổi tư duy quản lý từ đơn ngành sang đa ngành. Hiện nay hệ thống xe buýt chủ yếu do Sở Giao thông Vận tải quản lý, theo tôi cần có sự quản lý của các sở: Quy hoạch - Kiến trúc, Công Thương, Du lịch... Bởi xe buýt không chỉ vận chuyển hành khách công cộng mà còn liên quan đến tổ chức đô thị, triển khai dịch vụ kinh tế đi kèm trên tuyến. Nếu các sở cùng phối hợp thì chắc chắn hoạt động xe buýt sẽ mang lại hiệu quả xã hội, kinh tế nhiều hơn.
Thứ hai, cần tư duy quy hoạch tích hợp trong quản lý xe buýt. Xe buýt không chỉ liên thông các tuyến với nhau mà phải tích hợp với tất cả loại hình giao thông công cộng như metro, máy bay, tàu lửa và cả hệ thống xe đạp công cộng của TP HCM. Các tuyến xe buýt phải kết nối được với hệ thống giao thông công cộng trên giúp người dân dễ dàng chuyển tiếp cho một hành trình.
Thứ ba, TP HCM phải nghĩ đến phương án cung cấp tài chính cho xe buýt, không thể để nhà nước trợ giá mãi. Nên có chính sách thu hút xã hội hóa, các phương án giảm thiểu trợ giá như tăng cường quảng cáo trên xe buýt, đấu thầu tuyến.
Thứ tư, cần tạo thói quen cho người dân đi xe buýt thông qua các chính sách khuyến mãi. Ở nước ngoài, người dân thường không mua vé lẻ đi xe buýt mà mua vé tháng để được ưu đãi. Hiện nay, TP HCM có chính sách ưu đãi cho đối tượng học sinh, sinh viên, người già, người khuyết tật..., cần mở rộng ưu đãi đến các đối tượng khác như công nhân, thanh niên, thậm chí khách du lịch.
Thứ năm, đơn vị quản lý xe buýt phải làm sao cho xe buýt thật sự hấp dẫn để mỗi chuyến đi, hành khách có một trải nghiệm thú vị về xe buýt. Muốn như vậy, cần phải đầu tư, trang trí các trạm chờ... với những hình ảnh tươi vui, dí dỏm...
Hành khách đi xe buýt điện, một loại hình giao thông mới tại TP HCM Ảnh: Thu HồngThS Lê Trung Tính, nguyên Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở GTVT TP HCM:
Cần chu đáo từ những điều nhỏ nhất
Quan trọng nhất là xe buýt cần phải nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Cụ thể, xe phải chạy đúng giờ, đúng tuyến; tài xế, tiếp viên phải thân thiện; hành khách tiếp cận vé dễ dàng, giá vé phù hợp với túi tiền người dân. Ngoài ra, trên hành trình chuyến, nhà xe phải hỗ trợ hành khách khi gặp các vụ việc như móc túi, sàm sỡ…
Trên tất cả chuyến xe phải có số điện thoại đường dây nóng của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, tiếp nhận và xử lý, phản hồi kịp thời những phản ánh, thắc mắc của hành khách.
Những việc này ngành xe buýt cũng đã thực hiện nhiều năm nhưng có một số điểm cần thực hiện quyết liệt hơn. Cụ thể, hiện nay các đại lý bán vé tập giảm số lượng so với trước khiến hành khách khó tiếp cận. Để khuyến khích hành khách đi xe buýt, ngoài vé tập, ngành giao thông cần mở bán thêm nhiều loại như vé tháng, vé quý và vé năm với nhiều ưu đãi. Hệ thống bán các loại vé này nên nhân rộng nhiều đầu mối, hành khách có thể mua mọi lúc, mọi nơi.
Ngoài ra, các lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ tài xế, tiếp viên không nên "làm cho có" mà phải bài bản, có chất lượng. Bởi thông qua các lớp tập huấn này, tài xế, tiếp viên nâng cao năng lực giao tiếp, xử lý tình huống với hành khách tốt hơn.
Hiện nay, hệ thống xe buýt thành phố đang rơi vào tình cảnh khó khăn do từ đầu năm 2022 đến nay đơn vị vận tải chưa nhận được tiền tạm ứng trợ giá. Các đơn vị vận tải, xã viên phải móc tiền túi, vay mượn để đổ dầu, trả lương cho tài xế, tiếp viên. Nhiều đơn kiến nghị được hợp tác xã gửi đi khắp nơi nhưng chưa được giải quyết. Theo tôi, nhà nước cần phải sòng phẳng, sớm chi trả trợ giá đầy đủ cho doanh nghiệp vận tải để họ cung ứng dịch vụ tốt hơn theo hợp đồng đặt hàng.
Những điểm trừ cần khắc phục
Để xe buýt là lựa chọn của số đông thì phương tiện này phải bảo đảm các điều kiện an toàn cần thiết cho suốt chuyến đi. Lâu nay, xe buýt mang tiếng chạy ẩu, mỗi lần vào ra trạm hoặc cần vượt qua các phương tiện khác, tài xế tăng tốc, có khi chửi thề. Mất an toàn trên xe buýt còn là những vụ móc túi. Hiện tượng này cần phải chấm dứt bằng việc phối hợp bảo đảm an ninh cho hành khách giữa đơn vị điều hành xe buýt với lực lượng chức năng.
Ngoài ra, xe buýt sạch cũng là điểm quan trọng để khách lựa chọn. Có rất nhiều tuyến xe buýt, ghế xe không được vệ sinh thường xuyên, nhận chở hàng hóa có mùi, gây phiền cho những hành khách xung quanh. Bên cạnh đó, có những nhân viên xe buýt ăn mặc lôi thôi, thiếu vắng nụ cười và không hướng dẫn khách chu đáo.
Những điểm trừ kể trên cần được khắc phục để xe buýt trở thành phương tiện được số đông người dân lựa chọn.
Lưu Đình Long
Bình luận (0)