Bỏ con tôm, bắt con tép…
Bức xúc trước các vấn đề trên, bạn đọc Hoàng Ngân, cho rằng: Đây là biểu hiện rõ nhất của việc thấy vấn đề khó thì né tránh, còn vấn đề dễ thì chăm bẵm vào làm quyết liệt. Nếu thu tiền qua phà của những đối tượng trên thì ngân sách chẳng tăng được bao nhiêu mà lại rất phản cảm. Trong khi vụ thất thoát cả ngàn tỉ từ các tổng công ty làm ăn thua lỗ thì đến nay Bộ Tài chính chẳng thu hồi được bao nhiêu.
Bạn đọc này chỉ cụ thể: Hàng loạt con tàu của Vinashin mua cả ngàn tỉ đồng nhưng nay chỉ chờ bán sắt vụn thì chẳng nghe Bộ Tài chính xử lý ra sao. Trong khi đang lúc khó khăn như thế này mà “siết” từng đồng lẻ của học sinh, bệnh binh, công nhân vệ sinh… thì ê mặt quá.
Đây là một quy định khó hiểu tiếp nối quy định “kỳ quặc” mà chính cơ quan này đã ban hành: đánh thuế bà đẻ! Bạn đọc Tâm Nguyễn đặt vấn đề: “Năm nào cũng báo cáo việc thất thu thuế, hàng loạt các doanh nghiệp chây ì không đóng thuế, trốn thuế, hàng loạt các dự án dùng ngân sách kém hiệu quả… Bộ Tài chính hãy tập trung vào những vấn đề đó thì người dân mới “phục”.
Một chính sách khi đi vào đời sống phải tạo được sự đồng thuận của xã hội. Hiện nay, Nhà nước có rất nhiều chính sách chăm lo cho người có công, người nghèo và đặc biệt là các em học sinh luôn được tạo điều kiện để thuận lợi đến trường, phát triển trí tuệ và thể chất. Những chính sách đi ngược với mục tiêu này luôn vấp phải sự phản ứng của xã hội.
Từ quan điểm trên, bạn đọc Tư Tài, bức xúc: “Lúc nào cũng cứ chăm chăm tận thu những đồng tiền nhỏ nhoi của người dân lao động nghèo. Nay thì chẳng thèm tha luôn cho đối tượng là thương bệnh binh, những người đã hy sinh một phần thân thể cho Tổ quốc và những em học sinh là những mầm non, những công dân tương lai của đất nước hiện còn phải sống bám vào cha mẹ thì quả thật là hết nói nổi!?. Làm cái gì có lợi cho dân thì làm, cái gì có hại cho dân thì đừng làm. Đây là lời dạy đầy tính nhân văn và trách nhiệm mà Bác Hồ lúc sanh tiền luôn nhắc nhở những "công bộc" của dân phải luôn ghi nhớ và thực hiện. Vậy mà nay những người có quyền hành trong tay cứ ban hành những quy định luôn gây bất lợi cho người nghèo, người có công với đất nước thì liệu có còn gì là đạo lý nữa hay không !”.
Cùng quan điểm trên, bạn đọc Văn Vũ cho biết: “Đọc qua thông tin trên tôi thật sự tức giận. Hãy hình dung các bến phà cả nước sẽ thu được bao nhiêu tiền đối với những người như trên. Số tiền ấy có thấm tháp vào đâu so với số tiền mà hàng năm chúng ta mất đi vì tham ô, lãng phí.... Đặc biệt là với " kế sách vĩ đại " này sẽ làm giảm đi bao nhiêu lòng tin của nhân dân vào chế độ ? Rất mong Chính phủ cho ngưng ngay chủ trương kém thông minh này đi và yêu cầu Tổng cục Thuế kiểm điểm nghiêm túc. Nếu vị nào lần trước đã "dính" vào vụ "đánh thuế bà đẻ" nay lại có trong danh sách tham mưu chủ trương này thì cần cho nghỉ ngay để họ không còn cơ hội cho ra đời những quy định " trời ơi " như thế này nữa”.
Bác tài làm “chính sách” “Quê tôi ở huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận. Do cả huyện chỉ có một trường cấp 3 nên học sinh ở những xã xa phải đạp xe hơn 10 cây số, có nơi hơn 20 cây số để đến trường. Tuyến đường chính của huyện chạy ngang qua các xã và cả trường cấp 3. Thấy cảnh học sinh đạp xe cực khổ, hằng ngày các bác tài chạy xe khách liên tỉnh đều vui vẻ đón học sinh từ các xã xa lên xe để đến trường mà không thu một đồng nào. Hôm nào xe đông khách, bác tài lại năn nỉ hành khách ngồi chen vào nhau để cho các em học sinh đứng tạm giữa lối đi. Ngay cả các anh công an giao thông cũng thấy xe chở quá số khách nhưng chẳng phạt bao giờ. Chuyện này đã diễn ra gần 20 năm nay. Thời gian gần đây, giá xăng tăng, các bác tài chỉ nói các em học sinh nếu có tiền thì đưa mỗi em 2.000 đồng cho chặng đường trên 10 cây số, nếu không có thì thôi. Té ra các bác tài quê tôi đã làm chính sách xã hội từ bao năm nay một cách rất vô tư” – Bạn đọc Như Hạnh. |
Bình luận (0)