Vé qua phà tính ra chỉ một vài ngàn đồng/người/lượt, có thể không phải là điều gì quá to tát và số tiền thu được từ thương binh và học sinh cũng chẳng giúp ngân sách Nhà nước giàu thêm bao nhiêu song lại có thể làm nghèo đi niềm tin của xã hội. Xưa nay, thương bệnh binh là đối tượng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và có chính sách ưu đãi để tỏ lòng biết ơn những hy sinh xương máu lớn lao của họ.
Trong khi Nhà nước đang có những nỗ lực nhằm chăm lo ngày càng tốt hơn cho các đối tượng chính sách, vậy vì sao lại đưa thương bệnh binh ra khỏi danh sách được miễn phí qua phà?
Ở độ tuổi còn nhỏ, các em học sinh chưa thể có thu nhập từ sức lao động của mình và đang còn miệt mài trau dồi kiến thức để mai này xây dựng đất nước. Cách đây 3 năm, hình ảnh các em học sinh Tây Nguyên đu dây qua sông Pô Kô để đi học đã làm nhói lòng xã hội và buộc các đại biểu Quốc hội phải lên tiếng. Lúc ấy, ông Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng GTVT, đã phải giải trình trước Quốc hội về vấn đề này.
Ngày nay, chỉ còn những người dân ở vùng quê nghèo, giao thông không thuận tiện thì mới "qua sông phải lụy… phà". Với việc gạt học sinh dưới 10 tuổi ra khỏi danh sách được miễn phí qua phà, biết đâu sẽ có những em, vì hoàn cảnh khó khăn của gia đình, phải tìm cách khác để mạo hiểm vượt sông đi học?
Năm ngoái, Tổng cục Thuế đã từng gây sốc khi có văn bản hướng dẫn "đánh thuế bà đẻ". Vị lãnh đạo ký ban hành văn bản này vì không sâu sát, chỉ chú ý đến khía cạnh nghiệp vụ, bỏ qua đánh giá tác động của chính sách đến xã hội nên đã có quyết định sai về nghiệp vụ và trái với đạo lý. Nay lại có quy định bỏ chế độ miễn vé qua phà đối với thương bệnh binh và học sinh dưới 10 tuổi. Phải chăng những người soạn thảo, ban hành quy định này lại đi theo bánh xe đổ "đánh thuế bà đẻ"? Liệu ngân sách Nhà nước có khó đến mức phải tận thu đến độ gạt cả đạo lý sang một bên hay không?
Bình luận (0)