Tôi là người Phú Yên – nơi mà mỗi năm đều phải hứng chịu 1 đến 2 cơn bão, lũ. Tôi cũng là người hay kết nối với các nhà hảo tâm để xoa dịu nỗi đau những người dân vùng bão lũ. Nhiều câu chuyện buồn để lại sau mỗi chuyến cứu trợ mà tôi muốn kể với những mong các chuyến đi cứu trợ của bạn đọc sẽ không gặp những chuyện buồn như tôi.
Nhớ hồi tháng 11 năm ngoái, sau những trận mưa lũ bời bời, tôi tháp tùng một đoàn cứu trợ từ TP HCM đến hai xã nghèo ở miền Trung.
Các nhà hảo tâm đã chuẩn bị 500 suất quà gồm gạo, mì ăn liền, chăn, áo mới và một vài nhu yếu phẩm khác để trao cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Được cán bộ thôn lựa chọn và thông báo trước, bà con tập trung rất đông tại trụ sở xã để nhận quà. Nhiều người rưng rưng cảm kích khi nhận gạo, mì ăn liền… - những thứ mà gia đình họ đang thiếu, đang cần, nhưng có một phụ nữ, tay và cổ mang nữ trang, nhận quà xong thì kiểm đếm ngay và… trề môi: "Quà gì chỉ có chừng này, thiệt mắc công chờ đợi!".
Nghe lời bình phẩm đó, tôi giật mình và… dáo dác nhìn quanh. Tôi sợ các nhà hảo tâm nghe được sẽ rất buồn. Họ - những người đã trích một phần tiền từ tiền tiết kiệm của gia đình, đã dành một tháng lương, đã thôi không mua cái điện thoại mới, bộ quần áo mới… để đóng góp vào chuyến thiện nguyện này, rồi từ Sài Gòn lặn lội ra miền Trung, thức khuya dậy sớm cùng nhau phân phối quà trước khi mang đến cho bà con.
Những người đó không giàu, thậm chí cũng chưa khá giả, nhưng giàu lòng nhân ái. Họ sẽ nghĩ gì, sẽ chạnh lòng biết bao khi tấm lòng và công sức của họ không hề được trân trọng!
Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả đang khảo sát để dựng lại ngôi nhà bị sập hoàn toàn của chị Trần Thị Nhanh (xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa, Phú Yên)
Cũng trong buổi sáng trao quà ấy, tôi nhìn thấy một bà cụ áo quần lam lũ, lặng lẽ đi gom nhặt những thùng giấy đựng mì ăn liền rồi cẩn thận cột lại, đặt vào một góc.
Tôi đến hỏi, bà cụ nói bằng cái giọng rất buồn: "Bà không có quà, người ta (tức những người có trách nhiệm ở xã) không phát giấy mời đi nhận. Chừng như chỉ chờ có thế, một chị đứng cạnh đó nói ngay: "Bả nghèo rớt mồng tơi, ngày ngày đi xin ở ngoài chợ mà không được nhận". Giọng bà cụ bỗng run run: "Đợt trước bà cũng không có cháu à".
Tôi liền đến gặp một cán bộ xã, Người cán bộ trẻ đó trả lời: "Danh sách là từ thôn đưa lên, họ đã lựa kỹ rồi. Còn bả đi xin thì đó là… chuyện của bả!".
Tôi và một số nhà hảo tâm cảm thấy nhói lòng với câu trả lời ấy rồi chỉ biết mở ví ủng hộ bà cụ ít tiền, gom biếu bà dăm gói mì ăn liền còn dư. Bà cụ rối rít, mừng ra mặt.
Với cậu học trò này, sách vở mới có lẽ cần nhất lúc này để cậu đến lớp
Những phần quà cứu trợ, dù có "đơn sơ" nhưng vẫn sẽ rất ý nghĩa đặc biệt lớn nếu được trao đúng người, chứ không phải là tiền hay 1 gói mì ăn liền.
Với những gia đình bị nước lũ cô lập nhiều ngày, trong nhà không còn hạt gạo để nấu cơm, không còn củ khoai, củ sắn để cầm hơi, tiền bạc không thể mua được gì ở nơi cô lập ấy thì năm mười ký gạo, thùng mì ăn liền… là món quà quý giá.
Với những đứa trẻ nghèo vừa bị bão thổi bay mái tôn, sách vở ướt nhẹp thì 10 quyển vở, cái cặp mới là phần quà vô cùng ý nghĩa.
Trở lại với câu hỏi mua gì, mang gì đến cứu trợ đồng bào nghèo bị thiệt hại do thiên tai thì câu trả lời là cần tìm hiểu tình hình của người dân nơi sẽ đến cứu trợ. Cái khó, cái thiếu của đồng bào ở vùng núi rất khác với cái khó, cái thiếu của đồng bào lại càng khác với người dân miền biển. Chỉ cần một, hai cuộc gọi đến địa phương là các nhà hảo tâm có thể hình dung được đôi phần.
Và điều quan trọng nữa là làm sao để những suất quà ấm áp tình đồng bào đó phải đến đúng với những người cần được giúp đỡ.
Bình luận (0)